Y học

Gần 15 triệu người Việt mắc bệnh rối loạn tâm thần

Ngọc Duy 08/11/2024 18:12

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần chiếm khoảng 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người, cùng với hàng chục triệu người khác đang đối diện với các nguy cơ của bệnh.

Số liệu được chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế về sức khỏe tâm thần "Thúc đẩy sức khỏe tâm thần cộng đồng: Những đóng góp đa ngành", sáng 8/11.

Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) phối hợp cùng ĐH Khoa học Sức khỏe (ĐHQG TP.HCM) và Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM tổ chức.

z6012126019641_f70c39f36539a61c95a9398cd7871838.jpg
TS. Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân Văn (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, sức khỏe tâm thần đang là một vấn đề cấp bách của sức khỏe cộng đồng.

Gần 15 triệu người mắc rối loạn tâm thần

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, năm 2020), gần 25% dân số toàn cầu đang đối diện với các nguy cơ về sức khỏe tâm thần, trong đó trầm cảm và lo âu là hai rối loạn phổ biến nhất.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, khi tỷ lệ người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần tăng lên gấp ba lần so với trước đại dịch (WHO, 2023).

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần chiếm khoảng 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người, với hàng chục triệu người khác đang đối diện với các nguy cơ, đặt ra yêu cầu cấp thiết về chiến lược phòng ngừa và hỗ trợ sức khỏe tâm thần cộng đồng.

Để đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tâm thần, Tổ chức Y tế khuyến cáo, cần phải xây dựng các chiến lược nâng cao và phòng ngừa sức khỏe tâm thần thông qua nhiều giải pháp đóng góp hợp tác từ các lĩnh vực giáo dục, lao động, tư pháp, giao thông, môi trường sống và phúc lợi xã hội. Trong đó ngành y tế là nòng cốt cho việc vận động, khởi xướng, tạo điều kiện cho sự hợp tác đa ngành.

z6012125996518_86ae3f308cf6914c976fe018c19f3da0.jpg
TS. Lê Hoàng Dũng trao thư cảm ơn các diễn giả.

Các hoạt động phòng ngừa giúp giảm thiểu các yếu tố rủi ro, xây dựng khả năng phục hồi sức khỏe tâm thần cộng đồng, và thiết lập môi trường hỗ trợ, khỏe mạnh. Đồng thời, chăm sóc và điều trị các rối loạn tâm thần cũng là một vấn đề cực kỳ cần thiết trong chiến lược đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng.

Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia vào quá trình xây dựng và cam kết "Kế hoạch hành động toàn diện về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2013-2030" của Tổ chức Y tế thế giới. Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng.

Trên cơ sở các chính sách, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam đã từng bước được phát triển, mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng ở nước ta đang dần được hoàn thiện.

Góp phần làm sáng tỏ bản chất của sức khỏe tâm thần

Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân Văn (ĐHQG TP.HCM) cho biết, sức khỏe tâm thần đang là một vấn đề cấp bách của sức khỏe cộng đồng, tuy nhiên nguồn lực trong chăm sóc còn rất nhiều hạn chế, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Các mô hình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mới chỉ tập trung nhiều vào điều trị mà thiếu hẳn các chương trình dự phòng hoặc phục hồi chức năng tâm thần. Nhận thức và định kiến của cộng đồng, trong đó có cả nhân viên y tế về sức khỏe tâm thần rào cản làm cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần còn nhiều hạn chế.

z6012126040036_7a17b26a7fa1254c05caa9dd1d515b00.jpg
GS.TS.BS Đặng Văn Phước - Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Khoa học sức khỏe (ĐHQG TP.HCM) phát biểu tại sự kiện.

Do đó, hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn học thuật giúp các nhà chuyên môn trong nhiều lĩnh vực của chăm sóc sức khỏe tâm thần công bố những nghiên cứu mới nhất, hướng tới cung cấp các giải pháp và mô hình nâng cao năng lực phòng ngừa, can thiệp và phục hồi sức khỏe tâm thần.

Từ đó khuyến khích sự phối hợp đa ngành và tích hợp các chiến lược chăm sóc cộng đồng. Các chuyên gia hàng đầu sẽ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và giải pháp thực tiễn, mang đến góc nhìn đa chiều từ các lĩnh vực như y tế, tâm lý, giáo dục, công tác xã hội, và công nghệ...

Đồng Quan điểm, GS.TS.BS Đặng Văn Phước - Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Khoa học sức khỏe (ĐHQG TP.HCM) cho biết, hội thảo là minh chứng cho cam kết chung trong việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tinh thần - vấn đề quan trọng trong xã hội hiện đại ngày nay.

Các phiên thảo luận sẽ đi sâu vào các đóng góp đa ngành nhằm làm sáng tỏ bản chất của sức khỏe tâm thần, coi đây là mối quan tâm quan trọng của cá nhân và cả cộng đồng. "Các nội dung như hỗ trợ sức khỏe tính thần cộng đồng, phát triển lực lượng lao động, các mô hình sức khỏe toàn diện sẽ mang đến những hiểu biết và các giải pháp chiến lược mới, đồng thời củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta", GS.TS.BS Đặng Văn Phước chia sẻ.

Thu hút hơn 70 bài báo khoa học

Được biết, Hội thảo Quốc tế về Sức khỏe tâm thần năm 2024 đã thu hút được hơn 70 bài báo khoa học từ các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Sau quá trình phản biện độc lập, có 55 bài báo đã được Ban biên tập của Hội thảo lựa chọn xuất bản trong Kỷ yếu.

z6012125990025_6fb806c97c4090124685c27ee8059559.jpg
Các diễn giả, đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Trong đó, có 20 bài tiếng Anh và 35 bài tiếng Việt và được phân thành 6 phần chính, gồm: Bối cảnh trường học và sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên; Đóng góp của sức khỏe tâm thần với sức khỏe và bệnh tật; Sức khỏe tâm thần và sự khỏe mạnh nơi làm việc; Gia đình và chăm sóc sức khỏe tâm thần; Thực hành chăm sóc và can thiệp các vấn đề sức khỏe tâm thần; Công nghệ và sức khỏe tâm thần.

TS. Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho biết, hội thảo và kỷ yếu về sức khỏe tâm thần năm 2024 sẽ mang đến nhiều giá trị tích cực cho người tham dự, các nhà nghiên cứu và học viên, sinh viên trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần kể cả y tế và phi y tế.

"Kỷ yếu của hội thảo cũng sẽ lan tỏa đến các cộng đồng nói chung, và hy vọng trở thành một tài liệu trong việc xây dựng, phát triển chính sách chăm sóc sức khỏe tâm thần ở các cấp độ tổ chức", TS. Lê Minh Công nhấn mạnh.

Ngọc Duy