Giáo dục

Hội nghị Hiệu trưởng: Tìm hướng đi trước những thách thức trong giáo dục đại học

Võ Liên 05/11/2024 - 21:58

Ngày 5/11, tại TP.HCM, Hội nghị Hiệu trưởng các tổ chức thành viên Tổ chức Đại học Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương (CR2-AP) - Đại hội toàn thể lần 2 diễn ra thu hút gần 90 đại biểu của 58 cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu từ 9 quốc gia.

Hội nghị với chủ đề “Trao đổi học thuật và nghề nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ” diễn ra tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đây là diễn đàn khu vực lớn nhất về giáo dục đại học và nghiên cứu Pháp ngữ.

h4.jpg
Hội nghị với chủ đề “Trao đổi học thuật và nghề nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ” diễn ra tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngày 5/11

Nhiều đại diện từ các cơ quan Nhà nước và ngoại giao cũng như khối kinh tế - xã hội tham gia sự kiện này, cùng với Giáo sư Slim Khalbous - Tổng Giám đốc AUF toàn cầu.

h1.jpg
PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch C2R-AP - cho biết Hội nghị Hiệu trưởng sẽ tạo ra một động lực mới cho cộng đồng khoa học Pháp ngữ để tìm ra những giải pháp đối với những thách thức đương đại trong giáo dục đại học, chuyển đổi số, phát triển bền vững và trách nhiệm. Tất cả những điều này sẽ đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho các xã hội và thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững.

h2.jpg
GS Slim Khalbous, Tổng Giám đốc AUF toàn cầu cho rằng các trường đại học thành viên đang đối diện với nhiều thách thức

Theo GS Slim Khalbous - Tổng Giám đốc AUF toàn cầu, các trường đại học thành viên đang đối diện với nhiều thách thức như chuyển đổi số, việc làm đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp, chất lượng đào tạo và quảng bá kết quả nghiên cứu,…

“Do đó, Hội nghị vừa tổng kết chiến lược 2021-2025 của AUF, vừa là dịp để các hiệu trưởng trao đổi, giải quyết các vấn đề của giáo dục đại học và nghiên cứu cũng như cùng nhau xây dựng chiến lược mới giai đoạn 2025-2029”, GS Slim Khalbous nói.

h3.jpg
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định vai trò của ứng dụng AI trong quản trị đại học

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ Việt Nam đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hàng loạt nghị quyết và đề án quan trọng. Những chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển mà còn định hướng cho giáo dục và đào tạo chuyển mình để bắt kịp xu hướng toàn cầu.

Tại hội nghị, ông Sơn nhận định có 2 phiên thảo luận với nội dung rất thiết thực, mang tính thời sự, đó là trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị đại học và nghiên cứu và đối thoại đại học - doanh nghiệp, ngoài ra còn nhiều chủ đề và nội dung quan trọng khác.

“Việc ứng dụng AI trong quản trị đại học không chỉ giúp tối ưu hóa các quy trình quản lý, mà còn tạo điều kiện cho việc phân tích dữ liệu và đưa ra những quyết định chiến lược dựa trên thông tin chính xác. Đồng thời, AI còn mở ra cơ hội lớn trong nghiên cứu khoa học, giúp tăng cường khả năng phân tích và khám phá, từ đó nâng cao vị thế nghiên cứu của các trường đại học trong khu vực và trên thế giới”, ông Sơn nói.

Cũng theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp ngày càng trở nên thiết yếu. Để đào tạo nên nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại, chúng ta cần xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp.

Do đó, ông Sơn cho rằng sự hợp tác này không chỉ giúp sinh viên có cơ hội thực hành và phát triển kỹ năng, mà còn tạo ra môi trường để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ từ học thuật sang ứng dụng thực tiễn. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của nền kinh tế tri thức trong khu vực.

Trong khuôn khổ hội nghị, có bốn phiên chuyên đề được thảo luận: Trí tuệ nhân tạo với quản trị giáo dục đại học và nghiên cứu; đối thoại giữa giới học thuật và giới nghề nghiệp; cơ hội của chương trình trao đổi sinh viên và việc làm quốc tế Pháp ngữ (PIMEF) tại châu Á - Thái Bình Dương; chiến lược mới của AUF, đồng xây dựng dự án.

Võ Liên