Sống xanh

Côn trùng sẽ trở thành thực phẩm phổ biến vào năm 2030?

Nguyễn Nhung Theo Bbvaopenmind/Israel21c 05/11/2024 06:48

Trong bối cảnh an ninh lương thực trở nên bấp bênh, nguồn protein từ côn trùng trở thành một lựa chọn khả thi thay thế cho cả động vật lẫn con người.

Lý do thực phẩm côn trùng lên ngôi

Theo Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu protein toàn cầu ngày càng tăng, nó được thúc đẩy bởi các yếu tố như tăng trưởng dân số, thu nhập tăng và thay đổi sở thích ăn uống. Nguồn thực phẩm côn trùng này được hơn 2 tỷ người ở 80% quốc gia trên thế giới sử dụng, nhưng lại chưa thấy có trong thực đơn của bất kỳ các chuỗi cửa hàng thực phẩm nổi tiếng. Nhưng thực tế, chúng đã là một phần trong chế độ ăn của con người trong hàng nghìn năm, ngày càng gần gũi với cuộc sống con người hiện đại. Tuy có lịch sử lâu đời, nhưng trong các xã hội phương Tây nó lại ít phổ biến nên con người đã bỏ lỡ một nguồn dinh dưỡng rất quý giá này.

anh-chung-1.jpg
Thực phẩm côn trùng sẽ trở nên phổ biến vào năm 2030 (Nguồn: Bbvaopenmind/ Thevarsity.ca)

Theo FAO, đến giữa thế kỷ này, dân số sẽ có hơn 9 tỷ miệng ăn, trong khi đó sản xuất lương thực lại không đáp ứng kịp. Cụ thể, 26% diện tích đất khô cằn có thể được sử dụng để chăn thả gia súc và 33% đất canh tác được dùng để trồng trọt cho gia súc. Gia súc chịu trách nhiệm cho 14% lượng khí thải nhà kính trong toàn bộ vòng đời của chúng và việc phá rừng để mở đường cho nông nghiệp sẽ làm tăng thêm vấn đề biến đổi khí hậu. Thị trường protein từ côn trùng, ước tính đạt 143,6 triệu USD vào năm 2019, dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) vào khoảng 45%, ước đạt 1,336 tỷ USD vào năm 2025.

anh-chung-2.jpg

Ở phương Tây, người ta đã quen với việc ăn động vật chân đốt, nhưng chỉ ăn các loài sống dưới nước, chẳng hạn như cua hoặc tôm hùm. Ngược lại, tới 3.000 nhóm dân tộc ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương có thói quen dùng côn trùng trong chế độ ăn uống hằng ngày. Theo nghiên cứu của Đại học Wageningen (Hà Lan) hiện có danh sách 2.111 loài côn trùng và động vật hình nhện có thể ăn được, chủ yếu là bọ cánh cứng, sâu bướm, kiến, ong, ong bắp cày, châu chấu và dế, nhện…; FAO đưa ra danh sách ngắn hơn chỉ hơn 1.600 loài côn trùng.

Côn trùng làm thức ăn ngày càng được ưa chuộng

Đạt được an ninh lương thực bền vững với môi trường hiện là một trong những thách thức lớn nhất toàn cầu. Việc tiêu thụ côn trùng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu vì lý do sức khỏe cũng như lợi ích về môi trường và kinh tế, nó được ví như ‘mũi tên trúng nhiều đích’. So với chăn nuôi gia súc, côn trùng thải ra tương đối ít khí nhà kính và ít amoniac và cần ít đất và nước hơn các hoạt động chăn nuôi khác một cách đáng kể.

1-2-.jpg
Thực phẩm từ côn trùng không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có lợi cho môi trường (Nguồn: Bbvaopenmind/ Foodnavigator).

Các phân tích cho thấy côn trùng rất giàu protein, axit béo không bão hòa, axit amin và vitamin, với sắt và các khoáng chất khác bằng hoặc nhiều hơn những khoáng chất có trong thăn bò.

Theo nghiên cứu của Đại học Edinburgh (Anh), dế chứa 65% protein theo trọng lượng, so với 23% ở thịt bò và 8% ở đậu phụ. Tất cả đều được đóng gói trong những sinh vật nhỏ bé có thể được nuôi bằng ít nước, thậm chí là thức ăn thừa và với dấu chân sinh thái tối thiểu. Theo FAO, heo thải ra nhiều khí nhà kính hơn từ 10 đến 100 lần trên một kg so với sâu bột (ấu trùng bọ cánh cứng). Ngoài ra, nuôi dế và sâu bột cần ít thức ăn hơn bò từ 5-10 lần để tăng cùng một cân và sử dụng ít đất nông nghiệp hơn 70 lần để sản xuất cùng một lượng protein.

1-a.jpg

Một số rào cản trong việc dùng côn trùng làm thức ăn

Theo một nghiên cứu của Đại học California, Mỹ (UoC), rào cản chính trong việc dùng côn trùng làm thức ăn nằm ở nhận thức của con người và những trở ngại mang tính pháp lý, đạo đức.

Nhưng những tác động về mặt môi trường và đạo đức không phải là rào cản duy nhất cần vượt qua mà nó còn liên quan đến rào cản pháp lý. Theo Nils Grabowski, một chuyên gia về côn trùng ăn được tại Đại học Thú y Hannover ở Đức, tại châu Âu, Thụy Sĩ là quốc gia tiên phong trong việc hợp pháp hóa việc ăn côn trùng, nhưng ở Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và Phần Lan người ta lại đã đưa ra các quy định riêng không thống nhất.

2-2-.jpg
Thực phẩm côn trùng được xem là giải pháp khả thi cho vấn đề an ninh lương thực (Nguồn: YT).

Năm 2018, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa côn trùng vào luật mới quản lý các loại thực phẩm không được tiêu thụ phổ biến ở EU, mà phải được sự chấp thuận của từng cá nhân. Kể từ đó, EU đã cho phép sáu loại thực phẩm từ bốn loài: châu chấu di cư (Locusta migratoria), dế nhà (Acheta domesticus), sâu bột (ấu trùng của bọ cánh cứng Tenebrio molitor) và ấu trùng của một loài bọ cánh cứng khác, Alphitobius diaperinus, loài cuối cùng đã được chấp thuận vào tháng 1 năm 2023. Tám đơn đăng ký khác đang chờ xử lý.

Ở các quốc gia khác, côn trùng ăn được không được quản lý cụ thể, chúng cũng thường không được coi là thực phẩm mới, vì vậy chúng thuộc luật thực phẩm chung. Tại Vương quốc Anh, Brexit đã để lại một khoảng trống khiến người ta không hoàn toàn rõ liệu côn trùng ăn được có hợp pháp hay không, mặc dù có xu hướng giải thích rằng chúng không hợp pháp.

Nuôi côn trùng làm thức ăn ở Việt Nam

Việt Nam đang là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất Đông Nam Á, số liệu công bố năm 2019 đạt xấp xỉ 20 triệu tấn. Mặc dù sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của khu vực, Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu và phần lớn phải nhập khẩu ngũ cốc, thức ăn giàu protein, phụ gia lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao đã khiến thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam thời gian gần đây phải điều chỉnh tăng.

3-2-.jpg
Việt Nam có nhà máy lớn nhất châu Á sản xuất thức ăn chăn nuôi từ ruồi lính đen (BSF) tại Bà Rịa- Vũng tàu. (Nguồn: YT).

Nuôi côn trùng vừa giúp xử lý một lượng lớn chất thải hữu cơ, vừa tạo ra một nguồn thức ăn chăn nuôi có nhiều tiềm năng.). Trong những năm gần đây, việc sử dụng côn trùng như ấu trùng ruồi lính đen, sâu bột, giun đất, nhộng tằm, châu chấu và dế như giàu protein bền vững trong thức ăn cho lợn và gia cầm đang trở thành xu thế ở nhiều nước. Ở Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, côn trùng nằm trong danh mục nguyên liệu thức ăn được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Cuối tháng 11/2023, Việt Nam có nhà máy lớn nhất châu Á sản xuất thức ăn chăn nuôi từ ruồi lính đen (BSF). Nhà máy có công suất sản xuất hàng năm là 10.000 tấn protein côn trùng được tài trợ bởi nguồn vốn từ vòng Series B trị giá 33 triệu USD mà Entobel huy động vào năm 2022. Nhà máy này được xây dựng trong thời gian kỷ lục 12 tháng, có 50 cấp độ nuôi theo chiều dọc, kết hợp tự động hóa thông qua robot, cảm biến tiên tiến và phân tích dữ liệu giúp nâng cao năng suất.

Nằm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có công suất sản xuất hàng năm là 10.000 tấn protein côn trùng, đây là nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi từ Ruồi lính đen lớn nhất châu Á hiện nay, đánh dấu cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp thứ hai của Entobel tại Việt Nam, sau nhà máy tại Đồng Nai. Entobel được thành lập vào năm 2013 bởi hai doanh nhân người Bỉ, Gaëtan Crielaard và Alex de Caters. Cái tên ‘Entobel’ bắt nguồn từ tên ghép của côn trùng (tiếng Hy Lạp là 'ento' nghĩa là côn trùng) và quê hương của công ty - nước Bỉ (tiếng Anh là 'bel' - Belgium).

Entobel đã chọn Việt Nam một cách chiến lược làm thị trường mở rộng quy mô ban đầu do đất nước có khí hậu nhiệt đới, đây là môi trường lý tưởng để BSF giảm chi phí vốn và hoạt động; vị trí của đất nước là một trong những trung tâm nuôi trồng thủy sản lớn nhất trên toàn cầu; và dễ dàng tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu chất lượng cao ổn định. Sản phẩm cuối của Entobel bao gồm protein côn trùng và dầu côn trùng được tiêu thụ chủ yếu trong ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Ngoài ra, Entobel còn sản xuất phân côn trùng, một nguồn phân bón bền vững giúp giảm nhu cầu sử dụng phân bón hóa học vốn chiếm phần lớn chi phí vận hành đồng ruộng.

Nguyễn Nhung Theo Bbvaopenmind/Israel21c