Sống xanh

Trái đất sẽ ra sao nếu nhiệt độ tăng thêm nửa độ C?

Trang Nhung - Theo OOB/NRDC- 10/2024 04/11/2024 19:37

Hội nghị COP28 của Liên hiệp quốc tổ chức cuối năm 2023 đưa ra mục tiêu kìm chân mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhân loại đang phấn đấu thông qua nhiều giải pháp, bao gồm chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh.

anh-chung-2-.jpg
BĐKH diễn biến theo chiều hướng bất an, tiêu cực (Nguồn: Noaa.gov)

Khủng hoảng khí hậu ngày càng khắc nghiệt

Theo Báo cáo hiện trạng khí hậu 2024 (The 2024 state of the climate report: Perilous times on planet Earth) do NXB Đại học Oxford thay mặt Viện Khoa học Sinh học Hoa Kỳ công bố mới đây, loài người đang trên ở bờ vực của một thảm họa khí hậu không thể đảo ngược. Phần lớn cấu trúc của sự sống trên Trái đất đang bị đe dọa. Nói cách khác, chúng ta đang bước vào một giai đoạn khó lường của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong nửa thế kỷ trở lại đây, tình trạng nóng lên toàn cầu đã được dự đoán chính xác không chỉ bởi các nhà khoa học hàn lâm độc lập mà còn bởi các công ty nhiên liệu hóa thạch. Bất chấp những cảnh báo này, chúng ta vẫn đang đi sai hướng, lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Bằng chứng trong tháng 7 năm 2024 đã có tới 3 ngày nóng nhất. Loài người đang chứng kiến ​​thực tế nghiệt ngã của các dự báo khi tác động của khí hậu leo ​​thang, tạo ra những cảnh tượng thảm họa chưa từng có trên khắp mọi miền thế giới.

1-1-.jpg
BĐKH khiến cuộc sống con người ngày càng thêm cơ cực (Nguồn: WRNL)

Ngay cả khi các nước đạt được mục tiêu giảm phát thải, thế giới vẫn có thể ấm lên thêm 2,7 độ C, tức là gần gấp 2 so với mục tiêu của Thỏa thuận Paris, giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C. Mỗi năm, các nhà khoa học theo dõi 35 dấu hiệu quan trọng nhất của sự biến đổi trên Trái đất, từ biển đến rừng. Năm nay, 25 trong số 35 dấu hiệu đó đã phá kỷ lục theo hướng tiêu cực.

Chúng ta vẫn chưa giải quyết vấn đề trọng tâm, đó là thường xuyên đốt nhiên liệu hóa thạch. Nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển, nhất là methane và carbon dioxide, vẫn tiếp tục tăng. Tháng 9/2023, carbon dioxide trong khí quyển lên đến mức kỷ lục là 418 ppm, một năm sau, con số này tăng lên 422 ppm. Methane, một khí nhà kính có tiềm năng gây ấm lên toàn cầu rất cao, đang tăng với tốc độ báo động bất chấp các cam kết quốc tế nhằm hạn chế phát thải.

Phát thải tăng khiến nhiệt độ tăng, trong khi làm mát thì giảm. Các hạt sol khí lơ lửng trong khí quyển sinh ra từ tự nhiên và từ hoạt động của con người có lợi ích hạ nhiệt cho Trái đất thì nay đang suy giảm. Không có hiệu ứng làm mát này, tốc độ ấm lên toàn cầu tiếp tục tăng nhanh. Hiện nay các đặc điểm của sol khí vẫn chưa được giám sát đầy đủ.

Một vấn đề khác cũng góp phần làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu (BĐKH) là nạn chặt phá rừng ở nhiều nơi. Ví dụ như vùng Amazon đang làm Trái đất mất dần khả năng hấp thụ carbon một cách tự nhiên. Carbon làm Trái đất ấm lên, ấm lên lại làm cây chết, cây chết khiến carbon không được hấp thụ, … đó là một cái vòng luẩn quẩn.

Thêm vào đó, băng tan cũng là một thảm họa. Băng tan hoặc không thể hình thành làm lộ ra thêm những diện tích nước biển sẫm màu. Băng phản xạ ánh sáng mặt trời còn nước biển lại hấp thụ ánh sáng đó. Càng tăng diện tích nước biển tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thì tốc độ ấm lên cũng tăng theo.Trong vài chục năm tới, mực nước biển dâng sẽ tiếp tục là mối đe dọa cho các cộng đồng sinh sống ven biển, đẩy hàng triệu người vào nguy cơ mất nơi sinh sống.

Hệ lụy khi nhiệt độ trái đất tăng thêm nửa độ C

Theo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), nếu trái đất nóng thêm nửa độ C, hệ lụy là rất lớn. Dưới đây là phân tích của IPCC về những khác biệt giữa mức tăng 1,5˚và 2˚C:

Nhưng hệ lụy
Khi nhiệt độ tăng 1,5˚C
Khi nhiệt độ tăng 2˚C
Mức chênh giữa 2 mức nhiệt độ
- Nhiệt độ cực cao theo tần suấy 5 năm 1 lần
14%
27%
Tăng 2,6 lần
- Biển-Bắc Cực không băng: Số lượng mùa hè không băng
Ít nhất cứ 100 năm 1 lần
Ít nhất cứ 10 năm 1 lần
Tăng 10 lần
- Mực nước biển dâng vào năm 2100
0,40m
0,46m
Tăng thêm 0,06m
- Mất loài: Thực vật mất ít nhất một nửa
8%
16%
Tăng 2 lần
- Mất loài: Côn trùng mất ít nhất một nửa
6%
18%
Tăng 3 lần
- Hệ sinh thái: Diện tích đất trên hành tinh nơi hệ sinh thái sẽ chuyển thành quần thể sinh vật mới
7%
13%
Tăng 1,86 lần
- Năng suất cây trồng: Giảm sản lượng ngô thu hoạch ở vùng nhiệt đới
3%
7%
Tăng 2 ,3 lần
- Rạn san hô: Tiếp tục suy giảm
70 - 90%
99%
Tăng tới 29%
- Sự suy giảm trong nghề cá biển
1,5 triệu tấn
3 triệu tấn
Tăng 2 lần

Trái đất đã nóng lên 1,5 độ?

Câu trả lời rất phức tạp, có thể là có và không. Các nhà khoa học về khí hậu đồng ý hành tinh đã nóng lên ít nhất 1,1 độ C. Tuy nhiên, con số này hiện vẫn đang tranh luận.

Vì nhiệt độ tự nhiên dao động theo từng năm nên IPCC không chỉ xem xét dữ liệu gần đây nhất để đưa ra đánh giá. Thay vào đó, IPCC tính toán nhiệt độ trung bình trong 20 năm qua. Một số nhà khoa học về khí hậu đề xuất một phương pháp tiếp cận mới, phương pháp này sẽ xem xét nhiệt độ chỉ trong 10 năm qua cộng với nhiệt độ dự kiến ​​trong thập kỷ tới, sau đó lấy mức bình quân. Điều này sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách đánh giá nhanh hơn liệu các nỗ lực chống phát thải hiện tại của họ có đạt yêu cầu hay không.

Chúng ta cũng phải xem xét bản chất chưa từng có của cuộc khủng hoảng khí hậu. Điều đó có nghĩa là vẫn còn rất nhiều điều mà các nhà khoa học chưa biết. Nhiệt độ đất liền và biển tăng đột biến vào năm 2023 đã vượt xa dự đoán của các mô hình khí hậu, cho thấy những khoảng cách còn tồn tại trong hiểu biết chung của chúng ta về cách tính khí gia tăng có thể ảnh hưởng đến các hệ thống phức tạp và các vòng phản hồi chi phối sự sống như chúng ta biết trên hành tinh này.

2-1-.jpg
Chỉ cần trái đất nóng thêm nửa độ C, hệ lụy của nó tác động tới con người và môi trường không hề nhỏ (Nguồn: Thebrewnews)

Mặc dù IPCC thừa nhận các công nghệ loại bỏ carbon có thể đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ lượng khí thải trong quá khứ khỏi khí quyển, nhưng việc làm như vậy sẽ không đột nhiên xóa bỏ các tác động đã có, đặc biệt là nếu các điểm tới hạn đã bị phá vỡ. Điều này đồng nghĩa việc đạt đến mức nóng lên 1,5 độ không giống như việc bật công tắc. Mỗi phần mười hoặc phần trăm độ ấm lên mà chúng ta ngăn chặn sẽ tạo ra sự khác biệt - cứu vô số sinh mạng, duy trì hoạt động của các hệ sinh thái quan trọng, ngăn chặn sự tuyệt chủng và đảm bảo khả năng trồng trọt thực phẩm mà chúng ta cần.

Đối với nhiều cộng đồng, mỗi sự gia tăng nhỏ của sự nóng lên tránh được có thể tạo nên sự khác biệt giữa một cuộc đời phải di dời hoặc khả năng thích nghi, duy trì các truyền thống văn hóa và ở lại quê hương bản quán. Vì vậy các chiến lược thích ứng với khí hậu cũng sẽ đóng vai trò then chốt trong khả năng ứng phó với những thay đổi sắp tới của chúng ta.

Giải pháp tình thế để duy trì ngưỡng nhiệt độ tăng 1,5 ˚C

Để mục tiêu dài hạn 1,5 độ hay mức 2˚C sẽ tránh được nhiều tác động thảm khốc từ biến đổi khí hậu. Các quốc gia cần cắt giảm đáng kể lượng khí thải vào năm 2030 để đưa chúng ta đi đúng hướng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào khoảng năm 2050. Tin tốt lành là chúng ta đã biết phải làm gì để đạt được mục tiêu đó. Con người phải nhanh chóng chuyển đổi lưới điện để chạy bằng năng lượng sạch và cải tạo các tòa nhà để sử dụng ít năng lượng hơn.

3-1-.jpg
Băng tan khiến nhiều động vật cạn nguồn sinh sống (Nguồn: Telegraphindia)

Chúng ta phải giảm nạn phá rừng và khôi phục các hệ sinh thái giúp hấp thụ carbon cũng như làm vùng đệm cho bão. Chúng ta phải cắt giảm lượng khí thải mê-tan từ nông nghiệp và bãi chôn lấp. Đồng thời, phải chuẩn bị cho các kiểu thời tiết thay đổi mà chúng ta biết sắp xảy ra để giảm thiểu tác hại mà chúng sẽ gây ra. Và chúng ta phải chăm sóc hàng triệu người sẽ phải gánh chịu hậu quả của thời tiết khắc nghiệt, mực nước biển dâng và nỗi lo lắng và đau buồn về tác động tiêu cực của khí hậu sau đó.

Ngừng toàn diện việc sử dụng thường xuyên các nhiên liệu hóa thạch, có các biện pháp hạn chế đối với các nước giàu gây nhiều phát thải, thực hiện ngay và mạnh các chính sách ngăn chặn phát thải methane vì methane có tiềm năng làm ấm lên toàn cầu cao nhưng thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn, nhanh chóng giảm phát thải methane sẽ nhanh chóng làm chậm tốc độ ấm lên.

Việt Nam từ cam kết đến hành động ứng phó với BĐKH

The Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau các lần tham gia hội nghị đổi khí hậu, đặc biệt từ sau COP26, Việt Nam cam kết phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050; cam kết giảm 30% mức phát thải khí metan vào năm 2030 so với năm 2020; cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030.

Ngay sau khi kết thúc COP26 chính phủ đã cho thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam. Nhiều chính sách, chương trình, hành động về ứng phó biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai thực hiện. Các cam kết tại Hội nghị COP26 đã được Việt Nam từng bước đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện, trong đó có Nghị định quy định Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, quy định về nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, xây dựng để ban hành tiêu chí phân loại xanh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các hoạt động giảm phát thải, thúc đẩy phân loại xanh trên phạm vi cả nước thực hiện cam kết tại COP26.

4.jpg
Việt Nam bị thiệt hại nặng nề vì cơn bão số 3 (Yagi) vừa diễn ra (Nguồn:Reuters).

Để thực hiện các cam kết tại COP26, Việt Nam xác định 6 trụ cột:

Một, thực hiện mục tiêu phát thải Net Zero là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân…

Hai, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế…

Ba, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội; là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mọi người dân.

Bốn, triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu…

Năm, tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường carbon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải…

Sáu, thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đối lớn về năng lượng.

Trang Nhung - Theo OOB/NRDC- 10/2024