Giáo dục

TP.HCM đẩy mạnh thực hiện xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO"

HOÀNG NGUYỄN 30/10/2024 - 19:12

TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO".

Ngày 30/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2024 về triển khai Kế hoạch thực hiện xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024-2030” ngành giáo dục và đào tạo năm 2024.

quang-canh-hoi-nghi.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy học tập suốt đời

Báo cáo sơ kết kết quả thực hiện Kế hoạch xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 - 2030”, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, sau khi trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng thành phố học tập UNESCO và xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Sở GD&ĐT TP.HCM đã chỉ đạo tăng cường các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung, mục tiêu theo kế hoạch, trong đó lồng ghép các tiêu chí của thành phố học tập UNESCO với Bộ Tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc”, tiêu chí đánh giá “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập”, công tác khuyến học khuyến tài, công tác xây dựng hoạt động thư viện và tổ chức ngày Sách Việt Nam...

Sở cũng chỉ đạo thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”, Phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” và Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030” gắn với các tiêu chí của thành phố học tập UNESCO. Kết quả, 100% quận, huyện và thành phố Thủ Đức xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, triển khai tiêu chí đánh giá.

Đến nay, đã có 16/22 UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, 98 trường THPT, 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành lập Ban chỉ đạo công tác xây dựng thành phố học tập giai đoạn 2024-2030.

Nhằm đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, Hội khuyến học TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó chương trình “Học bổng khuyến tài” (còn gọi là Học bổng 1&1) là cuộc vận động thu hút nhiều cá nhân, đơn vị tham gia nhất. Năm học 2024 - 2025, có 77 sinh viên nhận học bổng này lần đầu tiên và 241 sinh viên tiếp tục nhận học bổng lần 2, 3, 4, 5, 6 với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Hội Khuyến học quận, huyện và TP thủ Đức đã vận động xây dựng quỹ khuyến học gia đình với mục đích để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình tiếp thu tri thức, đã đạt nhiều kết quả tích cực góp phần thúc đẩy học tập suốt đời, học tập thường xuyên trên địa bàn.

Sở GD&ĐT TP.HCM đã tham mưu UBND thành phố về tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 trên địa bàn TP.HCM, khai mạc ngày 3/10 vừa qua. Toàn thành phố đã tổ chức 4.965 lớp bồi dưỡng, tập huấn; tổng số học sinh, sinh viên được tham gia giáo dục kỹ năng sống là 2.569.334 người; tổng số lớp xóa mù chữ đang tổ chức là 32 với tổng số người học tham gia xóa mù chữ là 422 người,… Phong trào quyên góp sách giúp xây dựng tủ sách lớp học, xây dựng thư viện trường học, số bản sách đã huy động tặng các trường học, thư viện là 10.129.312 đầu sách và 909 bộ sách giáo khoa,...

toan-canh-hoi-nghi.jpg
Đại biểu tham dự chia sẻ, đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết việc thực hiện xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO" trên địa bàn còn gặp nhiều tồn tại, khó khăn. Việc xây dựng kho học liệu mở, thư viện dùng chung phục vụ việc tự học và học tập suốt đời của người dân cần nhiều thời gian và kinh phí thực hiện; nguồn kinh phí phục vụ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ thư viện số, chuyển đổi số còn hạn chế. Phần lớn lực lượng tham gia trực tiếp công tác xây dựng xã hội học tập là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi khó khăn cho việc duy trì ổn định công việc.

Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác xây dựng thành phố học tập toàn cầu

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, với quy mô dân số lớn, TP.HCM đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng thành phố học tập toàn cầu. Vì vậy, mỗi quận huyện và TP Thủ Đức cần xác định rõ vị trí, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng thành phố học tập, xây dựng kế hoạch thực hiện với những mục tiêu, giải pháp cụ thể.

pgd-le-hoai-nam.jpg
Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu kết luận tại hội nghị.

Các phòng GD&ĐT quận huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị trường học tập trung công tác tuyên truyền, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện với những tiêu chí, chỉ số cụ thể; định kỳ sơ kết kết quả thực hiện 6 tháng/lần để rút kinh nghiệm. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, trường học, phòng GD&ĐT quận huyện và TP Thủ Đức có thể đề xuất Sở GD&ĐT phối hợp các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị.

Nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và năm 2025, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết sẽ đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác xây dựng thành phố học tập toàn cầu với các đề án “Xây dựng xã hội hc tập giai đoạn 2021-2030”, phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội hc tập, đẩy mnh hc tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” và chương trình “Xây dựng mô hình Công dân hc tập giai đoạn 2021-2030”.

Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng thành phố học tập; tham gia nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời.

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng thành phố học tập tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện; triển khai xây dựng hệ thống, phần mềm quản lý và báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động đăng ký với UNESCO tổ chức các hội thảo quốc tế năm 2026; tăng cường việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên thế giới, cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO,…

Kết quả đánh giá, công nhận các mô hình hc tập năm 2023
TP.HCM có 1.177.352/1.917.652 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập” (tỷ lệ 61,40%); 1.109/1.263 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” (tỷ lệ 87,81%); 4.196/4.329 khu phố, ấp đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” (tỷ lệ 96,93%) và 2.125/2.257 đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập” (tỷ lệ 94,15%).

Tính đến ngày 24/11/2023, toàn thành phố đã có 1.146.075 công dân tham gia tự đánh giá, chấm điểm theo tiêu chí Công dân học tập, trong đó có 1.084.213 người đạt danh hiệu Công dân học tập.

HOÀNG NGUYỄN