TP.HCM tiếp tục đào tạo đội ngũ nhân lực quản trị tài sản trí tuệ
Khóa huấn luyện "Nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ cho hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2024" được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai từ ngày 28/10 - 29/11/2024.
Chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước,… nâng cao kiến thức về quản trị tài sản trí tuệ, góp phần hình thành nguồn nhân lực quản trị tài sản trí tuệ của TP.HCM.
Phát triển nguồn nhân lực quản trị tài sản trí tuệ
Theo ông Trần Ninh Đông - Phó trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, chương trình huấn luyện gồm 15 buổi, thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thời gian từ ngày 28/10 - 29/11/2024. Báo cáo viên chính của chương trình là TS. Đào Minh Đức - Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức.
"Chương trình góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực quản trị tài sản trí tuệ của thành phố, lan tỏa các chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ,... từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường", ông Trần Ninh Đông chia sẻ.
Chương trình do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức, dành cho các nhóm đối tượng là lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên thuộc các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảng viên, công chức, viên chức thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.
Sau khi tham gia khóa học, các học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận của chương trình. Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao kiến thức và năng lực về quản trị tài sản trí tuệ, thúc đẩy hình thành đội ngũ nhân lực quản trị tài sản trí tuệ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM.
Địa phương đầu tiên hình thành ngành quản trị tài sản trí tuệ
Theo TS. Đào Minh Đức, quản trị tài sản trí tuệ là một ngành khá mới trên thế giới. Tại Việt Nam, TP.HCM là địa phương đầu tiên hình thành ngành quản trị tài sản trí tuệ, từ năm 2008, với chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai.
Chương trình với nhiều cấp độ khác nhau, nhằm cung cấp các kiến thức về sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ qua các chuỗi mô-đun. Đến năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức trao giấy chứng nhận hoàn thành các mô-đun cho tất cả học viên tham gia chương trình.
Năm 2014, chương trình tiếp tục được triển khai, với khoảng 400 học viên tham dự và hơn 80 doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ,… bước đầu hình thành các bộ phận, đội ngũ nhân sự chuyên trách quản trị tài sản trí tuệ.
Hiện nay, hoạt động đào tạo, huấn luyện về quản trị tài sản trí tuệ tiếp tục được đẩy mạnh, hướng đến các cấp độ trưởng bộ phận, hoặc giám đốc quản trị tài sản trí tuệ, với thời lượng chương trình gồm 150 chuyên đề, tương đương 150 buổi học.
Trong chương trình quản trị tài sản trí tuệ cho hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2024, các nội dung chính sẽ được đề cập gồm: Tài sản vô hình và tài sản trí tuệ trong kinh doanh và đổi mới sáng tạo; sản phẩm trí tuệ mới từ hoạt động đổi mới sáng tạo; thực hành lưu chứng và bảo mật các dữ liệu và thông tin mới trong hoạt động đổi mới sáng tạo; bí mật kinh doanh trong hoạt động đổi mới sáng tạo; thực hành ghi nhận các kết quả đổi mới sáng tạo dạng kiểu dáng công nghiệp và sáng chế,...