Giáo dục

Giải pháp thay thế da bền vững vừa thắng giải ACIYLS có gì đặc biệt?

HOÀNG NGUYỄN 29/10/2024 16:52

Giải pháp thay thế da bền vững đã giúp nhóm 5 sinh viên trường ĐH RMIT Việt Nam mang về danh hiệu Quán quân cấp quốc gia cuộc thi ACIYLS và thẳng tiến đến Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo thanh niên ASEAN-Trung Quốc-Ấn Độ 2024.

Cuộc thi tập trung vào tính bền vững, bao gồm các thách thức và hoạt động lấy sự lãnh đạo, đổi mới sáng tạo và tác động xã hội làm trọng tâm, và yêu cầu người tham dự thực hiện những dự án giải quyết các vấn đề thực tế.

Nhóm “Golden Flames”, cùng với 2 nhóm khác từ các trường đại học trong nước, đã đại diện cho Việt Nam tại cuộc thi ACIYLS khu vực vào đầu tháng 10/2024. Nhóm “Golden Flames” gồm 5 thành viên (Huỳnh Hoàng Đức, Trần Ánh Dương, Bùi Gia Linh, Nguyễn Yến Ngọc và Huỳnh Duy Thông) có nền tảng kiến thức phong phú như kinh doanh quốc tế, truyền thông chuyên nghiệp, tài chính, kỹ thuật robot và cơ điện tử, đã cho thấy để giải quyết vấn đề bền vững cần hướng tiếp cận đa diện như thế nào.

Mỗi thành viên “Golden Flames” được chia vào các nhóm mới với người tham dự đến từ các quốc gia khác để giải quyết một vấn đề mới. Huỳnh Duy Thông và đội của mình đã giành ngôi vị Á quân, trong khi Nguyễn Yến Ngọc và đội của cô về đích trong top 10.

hinh-4.jpg
Huỳnh Duy Thông (trái) và đội của mình đã dành ngôi vị Á quân tại cuộc thi ACIYLS khu vực.
hinh-1.jpg
Thành viên nhóm “Glolden Flames” (từ trái sang) Huỳnh Hoàng Đức, Trần Ánh Dương, Bùi Gia Linh, Nguyễn Yến Ngọc và Huỳnh Duy Thông.

Ý tưởng đem lại chiến thắng cho đội là một loại da phân hủy sinh học được làm từ nước dừa phế thải, có tên là Nhiên. Vật liệu mới mẻ này không chỉ giải quyết thách thức trong việc thúc đẩy áp dụng năng lượng tái tạo và sạch, mà còn khắc phục vấn đề cấp bách về quản lý chất thải trong ngành dừa Việt Nam.

Câu chuyện thành công của nhóm được nhen nhóm khá bất ngờ, theo chia sẻ của thành viên hiện đang học ngành Kỹ thuật robot và Cơ điện tử - Huỳnh Hoàng Đức: “Cảm hứng thực hiện Nhiên đến từ một video TikTok về cách làm thạch dừa từ nước dừa lên men mà chúng tôi tình cờ xem được. Sau đó nhóm tìm hiểu kỹ hơn thì thấy rằng cellulose vi khuẩn thu được có thể dùng làm vật liệu dệt may. Khám phá này đã thổi bùng cảm hứng dẫn đến sự ra đời dự án của chúng tôi”.

Nhóm còn thể hiện tư duy bền vững vượt xa ngoài việc đơn thuần tạo ra một sản phẩm thân thiện với môi trường. Hướng tiếp cận của các bạn cho thấy khả năng giải quyết vấn đề toàn diện, xem xét toàn bộ vòng đời sản phẩm từ việc tìm nguồn vật liệu phế thải đến khả năng phân hủy sinh học cuối đời sản phẩm.

Quy trình sản xuất bắt đầu với quá trình lên men nước dừa phế thải trong 14 ngày để tạo ra cellulose vi khuẩn. Dung dịch này được kết hợp với sợi thực vật tự nhiên nhằm tăng thêm sức mạnh và độ bền cho sản phẩm. Sau đó, hỗn hợp này được cà phẳng thành các miếng và trải qua quá trình hoàn thiện để tạo ra một vật liệu giống như da có thể sử dụng được. Quy trình đổi mới này không chỉ tái sử dụng chất thải mà còn tạo ra một giải pháp thay thế khả thi cho cả da truyền thống lẫn da giả, giải quyết nhiều vấn đề về môi trường cùng một lúc.

hinh-2.jpg
Quy trình sản xuất Nhiên – da phân hủy sinh học bằng cách tận dụng nước dừa phế thải của nhóm “Golden Flames”.
hinh-3.jpg
Mô hình kinh doanh do nhóm “Golden Flames” đề xuất.

Nhiên có tiềm năng tác động đáng kể lên cộng đồng địa phương và môi trường. Bằng cách tận dụng nước dừa phế thải, Nhiên giúp giảm chất thải công nghiệp ở các vùng sản xuất dừa. Việc sản xuất ra Nhiên có thể tạo việc làm mới ở khu vực nông thôn, đặc biệt là cho nông dân trồng dừa và nghệ nhân địa phương. Là giải pháp thay thế phân hủy sinh học cho da, Nhiên giải quyết được những lo ngại về tác động môi trường của cả việc sản xuất da động vật lẫn các chất thay thế tổng hợp không phân hủy sinh học.

Thành viên nhóm hiện đang học ngành Tài chính - Bùi Gia Linh cho biết: “Chúng tôi không chỉ tạo ra một sản phẩm, chúng tôi đề xuất một cách tư duy mới về tài nguyên và tiêu dùng. Nhiên là bước tiến hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và bền vững hơn”.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một mô hình có thể thích ứng với phế thải từ các dòng sản phẩm nông nghiệp khác nhằm nhân lên tác động của dự án”, Trần Ánh Dương - thành viên hiện đang học ngành Kinh doanh quốc tế chia sẻ.

Thành viên hiện đang học ngành Truyền thông chuyên nghiệp - Nguyễn Yến Ngọc nhấn mạnh vào một tầm nhìn rộng hơn: “Qua dự án này, chúng tôi học được cách cân bằng giữa thân thiện môi trường với sở thích của người tiêu dùng, đặc biệt khi nhắm đến thị trường ngách ‘Green Localista’ gồm những người coi trọng cả tính thẩm mỹ lẫn tác động môi trường. Dự án còn giúp chúng tôi nâng cao kỹ năng tiếp thị cho sản phẩm sinh thái, đặc biệt là về cách truyền đạt giá trị sản phẩm theo cách hấp dẫn, đồng điệu với người tiêu dùng có ý thức về môi trường. Chúng tôi cũng có được những hiểu biết giá trị về quản lý chuỗi cung ứng, phát triển sản phẩm và những thách thức của việc mở rộng quy mô sản phẩm bền vững”.

Trong tương lai, nhóm dự kiến hợp tác với các nhà sản xuất dệt may địa phương, đồng thời tìm sự hỗ trợ từ các phòng ban liên quan tại RMIT để đưa túi xách và túi tote bền vững của Nhiên ra thị trường. Họ cũng đang tìm kiếm cơ hội kết hợp với nông dân trồng dừa địa phương để tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững và gọi được vốn đầu tư mạo hiểm.

HOÀNG NGUYỄN