Ngân hàng Tế bào Gốc đầu tiên của Việt Nam, MekoStem, đạt chuẩn quốc tế
Sau 15 năm thành lập, sản phẩm do Ngân hàng Tế bào Gốc đầu tiên của Việt Nam, MekoStem, tạo ra được quốc tế chấp nhận cho mục đích điều trị cũng như nghiên cứu.
Ngân hàng Tế bào Gốc MekoStem vừa tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thành lập. Lễ kỷ niệm do Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar TP.HCM (Mekophar) tổ chức.
Theo DS Huỳnh Thị Lan, Tổng giám đốc Mekophar, năm 2008, UBND TP.HCM cho phép thành lập Ngân hàng tế bào gốc MekoStem. Đến năm 2009, MekoStem chính thức được khai trương. Đơn vị đã mời các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật liên quan đến TBG.
Dùng tế bào gốc cuống rốn điều trị bệnh Thalassemia
“Xây dựng ngân hàng tế bào gốc dây rốn khu vực miền Nam và ứng dụng điều trị bệnh ở người - MekoStem” được triển khai. Đây là đề tài độc lập cấp Nhà Nước với thời gian thực hiện 36 tháng (tương đương 3 năm).
Ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,6 tỷ đồng. Lúc đó, Chủ nhiệm đề tài DS. Đặng Thị Kim Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar, Phó Chủ nhiệm đề tài là TS. Lê Văn Đông, Học viện Quân y. Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu thành công đề tài này.
Không chỉ thành lập Ngân hàng Tế bào gốc dây rốn khu vực miền Nam, đề tài nghiên cứu phải chứng minh hiệu quả ứng dụng tế bào gốc (TBG) điều trị bệnh trên người.
Vì vậy, MekoStem đã hợp tác với Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác để đánh giá tác dụng của TBG tách từ màng lót dây rốn trong điều trị vết thương bỏng trên động vật thực nghiệm; cùng Trung tâm Công nghệ Sinh học nghiên cứu biệt hóa TBG tách từ màng lót dây rốn thành 2 loại tế bào dạng thần kinh và dạng cơ tim.
Ngoài ra, MekoStem đã cùng Viện Y học Cổ truyền Việt Nam đánh giá tác dụng của TBG từ màng lót dây rốn trong điều trị vết loét lâu liền ở động vật thực nghiệm có tăng đường máu; cùng Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM đánh giá tác dụng của TBG máu dây rốn trong điều trị mặt bệnh Thalassemia.
Sau 15 năm thành lập, DS Huỳnh Thị Lan, Tổng giám đốc Mekophar, cho biết, MekoStem hiện lưu giữ thành công khoảng 11.000 mẫu máu và 9.000 mẫu màng/mô, 1.146/11.259 khách hàng quay lại gởi mẫu.
Đồng thời, đội ngũ MekoStem đang phát triển các sản phẩm nghiên cứu về huyết tương máu dây rốn và tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn trong điều trị bệnh lý để chuẩn bị cho những bước áp dụng tiếp theo nếu được Bộ Y tế cho phép.
Ngoài việc lưu giữ tế bào gốc, MekoStem cần đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm lưu giữ cho khách hàng và người thân, đòi hỏi MekoStem phải đầu tư lớn để nghiên cứu và hợp tác với các đơn vị thử nghiệm lâm sàng để ứng dụng thực tế.
“Đến tháng 8/2015, ca ghép tế bào gốc thành công cho bệnh nhân sinh năm 2005 tại Yên Bái. Bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), cần truyền máu 2 lần/tháng. Mẹ bệnh nhân mang thai lần hai năm 2009 và được tư vấn kiểm tra sức khỏe thai nhi và lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn nếu không mắc bệnh. Thai nhi khỏe mạnh và TBG máu dây rốn được thu thập và lưu trữ bởi MekoStem vào tháng 9/2009”, GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu đã dùng tế bào gốc lưu giữ của người em ghép cho người anh, ca ghép thành công, các xét nghiệm đã chứng minh tất cả tế bào máu mới trong cơ thể người anh đều là từ tế bào gốc của người em. Sau ghép, người anh đã khỏi bệnh hoàn toàn không cần truyền máu, sức khỏe ổn định, sinh hoạt và học tập bình thường. Hiện tại, cậu bé đã là sinh viên năm 2 tại ĐH Luật Hà Nội.
Theo GS Phạm Mạnh Hùng, dân số Việt Nam là 96,2 triệu người, trong đó 13,8% mang gene Thalassemia. Bên cạnh việc chẩn đoán gene để phát hiện người mang gene bệnh và tư vấn tiền hôn nhân, TBG trở thành một phương pháp điều trị triệt để cho người mắc bệnh Thalassemia.
MekoStem: Ngân hàng tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép
Theo GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng, tại thời điểm 2006 ghép tế bào, mô, cơ quan đã trở thành một biện pháp điều trị thường quy được áp dụng rộng rãi trên thế giới và ở Việt Nam. Trong khi thế giới có nhiều trung tâm lưu trữ tế bào và mô (còn gọi là ngân hàng mô), Việt Nam còn rất ít.
“TBG có tiềm năng hình thành nên các tế bào somatic, tế bào sinh dưỡng là bất kỳ tế bào nào của cơ thể sinh vật đa bào, ngoại trừ tế bào mầm, tế bào sinh dục và TBG, để thực hiện các chức năng cụ thể Lưu giữ TBG là một dạng bảo hiểm sinh học, cơ hội hiếm hoi trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ và cả gia đình. Số lượng phụ nữ sinh đẻ hằng năm rất lớn trong khi nhau thai, dây rốn là rác thải y tế”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
MekoStem là ngân hàng tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép thành lập và Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Đây cũng là đơn vị đầu tiên hợp tác với các bệnh viện phụ sản trên cả nước, cung cấp dịch vụ lưu giữ tế bào gốc cho sản phụ như “bảo hiểm sinh học”.
MekoStem đạt chứng nhận quốc tế AABB 3 lần liên tiếp cho toàn bộ quy trình từ thu thập, xử lý, bảo quản đến phân phối. Theo PGS.TS.BS Lê Văn Đông, Học viện Quân Y, AABB (Association for the Advancement of Blood & Biotherapies) là Hiệp hội quốc tế phi lợi nhuận đại diện cho các cá nhân và tổ chức tham gia vào lĩnh vực y học truyền máu và liệu pháp sinh học
Thành viên của AABB có mặt tại hơn 80 quốc gia bao gồm bác sĩ, y tá, nhà khoa học, quản trị viên, chuyên gia công nghệ y tế và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe; và AABB công nhận các tổ chức tại hơn 50 quốc gia.
“Sau khi gia nhập AABB, MekoStem được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Sản phẩm do MekoStem tạo ra được quốc tế chấp nhận cho mục đích điều trị cũng như nghiên cứu”, PGS.TS.BS Lê Văn Đông khẳng định.
Thời điểm này, ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn, quy định trong nước, MekoStem đã tham gia và đạt được tiêu chuẩn quốc tế nên có thể hội nhập và đáp ứng mỗi khi khách hàng có nhu cầu muốn đem mẫu đi điều trị ở nước ngoài.
Trong trình bày báo cáo "Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 với tế bào gốc", theo GS Phạm Mạnh Hùng, trong thời gian tới, TBG máu dây rốn sẽ được tiếp tục nghiên cứu để ghép và điều trị các bệnh về máu đặc biệt là Thalassemia; ứng dụng TBG trung mô để cải thiện sức khỏe cho người cao tuổi và điều trị một số bệnh suy cơ quan mạn tính trên cơ sở điều biến miễn dịch
“Kết hợp tế bào gốc với công nghệ in 3D để tạo ra các mô và cơ quan; thay cho cơ thể bệnh nhân hoặc người tình nghuyện để thử thuốc trên lâm sàng từ đó tiết kiệm rất nhiều về tiền của và thời gian; tạo ra các cơ quan để khắc phục tình trạng khan hiếm cơ quan ghép”, GS Phạm Mạnh Hùng trình bày.
GS Phạm Mạnh Hùng cho rằng Nhà nước phải có một đơn vị điều phối về nghiên cứu của từng nhóm và loại công nghệ trong tổ hợp 4.0, trong đó có tế bào gốc: Vừa điều phối trong lĩnh vực của nhóm vừa phối hợp với các nhóm (ví dụ phối hợp giữa Biopriting 3D với tế bào gốc, phối hợp giữa công nghệ nano và tế bào gốc....).
Ngoài ra, các cấp quản lý nhanh chống tìm cách tháo gỡ rào cản pháp lý trong nghiên cứu và áp dụng tế bào gốc trong đó có cả việc quản lý truyền thông về quảng cáo thẩm mỹ bằng tế bào gốc… Cùng với đó, Nhà nước có chính sách về phối hợp tài chính để đột phá một số đề tài mau đến thành công và phát triển áp dụng: công tư phối hợp chứ không thể một mình nhà nước hoặc một mình tư nhân…
Những ưu việt của TBG dây rốn (Umbilicord Stem Cells)
- Thu hoạch dây rốn không gây xâm lấn.
- Dây rốn là rác thải y tế.
- Số lượng tế bào gốc rất lớn và có nhiều loại tế bào gốc (máu, mô, màng).
- Thuộc loại tế bào gốc không quá non mà lại chưa trưởng thành.
- Cơ thể trẻ sơ sinh là cơ thể non trẻ.
- Không có tính sinh miễn dịch cao và không gây thải ghép
- Có thể tận dụng các sản phẩm khác ngoài tế bào gốc: plasma, mô mỡ chứa nhiều collagen