Công an TP.HCM cảnh báo thủ đoạn giả mạo hình ảnh hóa đơn để lừa đảo
Đối với thủ đoạn tạo hình ảnh giả mạo hóa đơn chuyển tiền, Công an TP.HCM nhận định đây là phương thức các đối tượng thường sử dụng kèm kịch bản mạo danh pháp nhân, cá nhân liên hệ doanh nghiệp, hộ kinh doanh để đặt mua hàng hóa nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ngày 24/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Kịch bản lừa đảo liên tục thay đổi
Theo Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu - Công an TP.HCM, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng gia tăng và phát sinh một số diễn biến phức tạp.
Thủ đoạn của tội phạm thường sử dụng là tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh tổ chức ngân hàng và các tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán. Sau đó, các đối tượng này tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức như chạy quảng cáo, phát tán tin nhắn mạo danh ngân hàng hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho nạn nhân và thực hiện kịch bản lừa đảo.
Thượng tá Nguyễn Thăng Long cho biết, nội dung kịch bản lừa đảo liên tục thay đổi để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền cảnh báo người dân.
Công an TP đã ghi nhận một số kịch bản lừa đảo thường được đối tượng sử dụng như mời nâng cấp thẻ tín dụng, vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp, thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ, hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản… Sau đó, các đối tượng thao túng và yêu cầu nạn nhân làm theo yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và đặc biệt là mã OTP xác thực.
Đáng chú ý, hiện nay đối tượng dẫn dụ nạn nhân cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại thông minh. Các ứng dụng này có chứa mã độc và chiếm quyền điều khiển điện thoại để đánh cắp thông tin sau đó thực hiện việc chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Đối với thủ đoạn tạo hình ảnh giả mạo hóa đơn chuyển tiền, Thượng tá Nguyễn Thăng Long nhận định đây là phương thức các đối tượng thường sử dụng kèm kịch bản mạo danh pháp nhân, cá nhân liên hệ doanh nghiệp, hộ kinh doanh để đặt mua hàng hóa.
Sau đó, các đối tượng sử dụng hình ảnh giả mạo hóa đơn (bill) chuyển tiền thành công với số tiền lớn hơn số tiền mua hàng thực tế và đưa ra nhiều lý do để lý giải cho việc đã chuyển khoản nhưng nạn nhân chưa nhận được tiền vào tài khoản.
Các đối tượng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân bằng việc chiếm đoạt số hàng đã mua hoặc thông báo việc chuyển dư tiền để nhờ nạn nhân mua giúp các loại hàng hóa ở các doanh nghiệp khác, kèm số điện thoại liên hệ (nhưng thực chất là do các đối tượng đóng giả).
Bên cạnh đó, hàng hóa nhờ mua giúp có giá tiền cao hơn rất nhiều so với giá trị niêm yết để kích thích "ham muốn có lời" khi mua giúp. Khi nạn nhân chuyển tiền sẽ bị các đối tượng chiếm đoạt.
Không truy cập vào đường link không rõ nguồn gốc
Trước thực trạng này, Công an TP.HCM khuyến cáo người dân một số nội dung sau đây để phòng tránh bị lừa đảo trực tuyến, cần lưu ý các vấn đề thường xuyên nâng cao nhận thức về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến.
Cần chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia các hoạt động trên môi trường mạng, tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn (link) website không rõ nguồn gốc, chỉ cài đặt các ứng dụng trực tuyến từ các nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại như: Appstore của IOS hay CH Play của Android.
Theo Thượng tá Nguyễn Thăng Long, qua thực tiễn có thể thấy rằng các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau và liên tục thay đổi kịch bản nhưng mục đích cuối cùng vẫn là tiền trong các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến… của nạn nhân.
"Khi gặp những tình huống yêu cầu thực hiện các hoạt động liên quan các loại tài khoản hay cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại dùng để đăng ký tài khoản và yêu cầu chuyển khoản… thì phải hết sức cảnh giác, lưu ý, kiểm tra kỹ tất cả các thông tin liên quan trước khi thực hiện việc giao dịch", Thượng tá Nguyễn Thăng Long nhấn mạnh.
Tháng 7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM (Phòng PC02) đã phát hiện và bắt giữ 1 đối tượng lừa đảo có sử dụng hình ảnh giả mạo hóa đơn (bill) chuyển tiền (fake bill).
Mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ các đối tượng đã bán hình ảnh giả mạo hóa đơn (bill) chuyển tiền.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM (Phòng PC02) đã ra khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng liên quan về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét tất cả các đối tượng có liên quan xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.