Đô thị

4 lợi ích từ bảng giá đất TP.HCM vừa ban hành

Võ Liên 22/10/2024 - 16:57

Chiều 22/10, UBND TP.HCM tổ chức họp báo về công bố quyết định số 79/2024 ngày 21/10/2024 của UBND TP.HCM về sửa đổi, bổ sung quyết định số 02/2020 ngày 16/1/2020 của UBND TP.HCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - nhấn mạnh quyết định số 79/2024 về bảng giá đất là quyết định quan trọng, có tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của TP.

Bảng giá đất phù hợp với thực tế

Theo ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc xây dựng bảng giá đất theo quyết định 02 bị giới hạn bởi các quy định tại điểm 6 Phụ lục IX Nghị định 96/2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất (tối đa 162 triệu đồng/m2) nên phải thực hiện điều chỉnh so với thông tin thị trường đã thu thập được.

hop-bao-bang-gia-dat-22-10.jpg
Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - phát biểu tại buổi họp báo chiều 22/10.

Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, bảng giá đất của TP theo Luật Đất đai 2013 trong nhiều năm gần đây không còn phù hợp, không phản ánh đúng tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Từ đó, UBND TP.HCM nhận thấy sự cần thiết, xem xét điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế.

"Đến nay, việc xây dựng bảng giá đất trên địa bàn TP đã cơ bản hoàn thiện. TP xây dựng bảng giá đất trên cơ sở các nội dung tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của hội đồng thẩm định,… Bên cạnh đó, TP.HCM đã lắng nghe nhiều ý kiến của doanh nghiệp, người dân, báo chí trên địa bàn quan tâm và phản ánh trong thời gian qua”, ông Bùi Xuân Cường cho biết.

Đánh giá lợi ích của bảng giá đất, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - cho biết quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ là căn cứ để áp dụng cho 12 trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 111 và khoản 1 Điều 159. Lợi ích của bảng giá đất sau điều chỉnh tập trung chủ yếu ở các nội dung:

Thứ nhất, các khoản lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất, bao gồm các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là hộ gia đình, cá nhân được công khai minh bạch và công bằng.

Thứ hai, các khoản xử phạt hành vi vi phạm về đất đai thay đổi theo hướng tăng. Điều này góp phần răn đe và làm giảm các hành vi vi phạm, làm trong sạch và phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh.

Thứ ba, việc xác định giá khởi điểm để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật được thực hiện nhanh hơn và tạo điều kiện cải thiện việc tiếp cận đất đai của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Thứ tư, đối với người có đất thu hồi, việc xác định giá tái định cư sẽ công khai, minh bạch và nhanh hơn so với trước đây, đảm bảo công bằng trong giá thu hồi đất và giá bán nền tái định cư.

Theo ông Thắng, bên cạnh các tác động có tính tích cực nêu trên, việc điều chỉnh bảng giá đất có tác động đến nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của một số người dân trên địa bàn TP.

Để giải quyết nội dung tác động nêu trên, theo quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất được quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các trường hợp chưa được quy định tại khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai 2024, trong đó có trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.

Giá đất cao nhất là 687,2 triệu đồng/m2

Sáng ngày 22/10, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 79 về sửa đổi, bổ sung quyết định số 02 năm 2020 quy định về Bảng giá đất trên địa bàn. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

bang-gia-dat-22-10.jpg
Giá đất cao nhất ở đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1) có giá lên đến 687,2 triệu đồng/m2.

Theo đó, giá đất cao nhất ở đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1), có giá lên đến 687,2 triệu đồng/m2, tăng hơn 4 lần so với bảng giá chưa sửa đổi.

Đường Hàm Nghi, đường Hàn Thuyên (Quận 1) cũng có mức giá khoảng 430 triệu đồng/m2, tăng khoảng 4 lần so với bảng giá cũ.

Ở các huyện vùng ven có sự thay đổi mạnh nhất. Cụ thể, đường Song Hành quốc lộ 22 giá cao nhất là 32 triệu đồng/m2, hay đường Đặng Công Bình là 18,5 triệu đồng/m2.

Giá đất ở khu vực Cần Giờ tương đối thấp hơn ở một số quận, huyện khác. Điển hình tại khu dân cư ấp Thiềng Liềng có giá là 2,3 triệu đồng/m2 , khu dân cư Thạnh Bình, khu dân cư Thạnh Hòa có giá là 3 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, giá đất nông nghiệp được phân làm 3 khu vực và 3 vị trí để tính. Trong đó khu vực 1 gồm: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 10, Quận 11, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận.

Khu vực 2 gồm Quận 7, Quận 8, Quận 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, TP. Thủ Đức.

Khu vực 3 gồm huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.

Giá đất nông nghiệp trong Quyết định được điều chỉnh bằng cách lấy giá đất nông nghiệp theo Quyết định 02/2020 nhân với hệ số từ 2,5 - 2,7.

Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM, giá đất nông nghiệp tại TP đã được điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho ngành sản xuất nông nghiệp thành phố ổn định và phát triển đảm bảo chiến lược về an ninh lương thực thực phẩm.

Võ Liên