Công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại cơ quan Nhà nước

Võ Liên 22/10/2024 - 15:30

Ngày 22/10, tại TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức lớp tập huấn "Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan Nhà nước".

Tại chương trình, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên phổ biến và được ứng dụng trong nhiều ngành nghề. AI có những tác động tiêu cực lẫn tích cực vào đời sống.

ong-pham-binh-an-bai-ai.jpg
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - phát biểu tại chương trình.

Theo ông An, sau khi kết thúc Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024 với chủ đề chuyển đổi công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan dự kiến chủ đề năm tới sẽ xoay quanh AI.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các viện, các chuyên gia để tập huấn đẩy mạnh việc ứng dụng AI trong việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn TP.HCM", ông An chia sẻ.

ts-tran-quy-bai-ai-22-10.jpg
TS Trần Quý - Viện Trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam.

Theo TS Trần Quý - Viện Trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, việc ứng dụng AI tốt sẽ giúp một bộ phận công chức, viên chức giải quyết tốt các việc soạn thảo văn bản, xử lý số liệu.

Tại TP.HCM, có nhiều địa phương đã áp dụng mô hình AI vào quá trình tiếp dân, xử lý hồ sơ. Theo đánh giá của ông Quý, những mô hình này có mang lại hiệu quả, tuy nhiên vẫn đang ở bước thử nghiệm và tự phát mà chưa có chính sách chung.

Ông Quý dẫn chứng, nếu như trước đây, khi có vấn đề, người dân phải đến trực tiếp các cơ quan Nhà nước để làm việc với cán bộ thì giờ đây AI đã có thể giải đáp các thắc mắc của người dân. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay là chưa có sự đồng bộ nên số liệu, dữ liệu chưa chuẩn, vì vậy mô hình này vẫn mang tính cá nhân.

Để triển khai tốt việc ứng dụng AI ở các quận, huyện, TP.HCM phải có kịch bản, thiết kế chính sách đồng bộ trên toàn các địa phương vì dịch vụ hành chính công chỉ có một, phải chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và câu lệnh. Bên cạnh đó, TP nên xây dựng cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức một AI đại diện.

"Khi một cán bộ đi vắng, người dân gọi vào để hỏi các thắc mắc thì AI có thể trả lời. Mỗi người có một tài khoản AI, tài khoản đó sẽ đồng bộ với dữ liệu chung. Hiện nay, một số nước khác đang làm rất tốt điều này", ông Quý nói.

Cũng theo ông Quý, AI phát triển mạnh dẫn đến hai trào lưu. Trong đó, một bộ phận chống lại AI bằng cách không sử dụng vào trong công việc vì lo lắng mất việc. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, AI được ứng dụng nhiều đã giúp giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả. Điều này dẫn đến độ chênh giữa khối công chức và khối doanh nghiệp.

Ông Quý nhận định, độ chênh này có mặt tích cực, bởi chính nỗi lo của khối công chức nên việc học cách sử dụng AI ngày càng cần thiết và phổ biến. Với những nước tiên tiến, họ xem đây là động lực để con người, đặc biệt là khối công chức hoàn thiện các kỹ năng, không bị thất thế hay đào thải bởi công nghệ AI.

"AI phát triển để hỗ trợ con người làm tốt, nhanh hơn công việc mỗi ngày chứ không phải thay thế con người", ông Quý nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Quý còn lưu ý, việc sử dụng AI công cộng phải cẩn thận vì dữ liệu chưa được kiểm chứng và độ chính xác chưa cao. Do đó, các công chức, viên chức... phải hiểu sâu để sử dụng mà không có phản ứng ngược.

Võ Liên