Y học

Tiến bộ trong ghép gan: Bệnh nhi vẫn sống tốt suốt 19 năm

An Quý - Trúc Nhã 21/10/2024 12:50

Lên bàn mổ khi mới 11 tháng tuổi vì bị teo đường mật bẩm sinh và là bệnh nhi thứ hai ở phía Nam được ghép gan; sau 19 năm ghép gan, Thanh Gi. hiện khỏe mạnh và trở thành sinh viên năm hai ngành marketing.

Bệnh viện Nhi đồng 2 là một trong các bệnh viện nhi đầu tiên tiến hành ghép thận và ghép gan cho trẻ em, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện từ năm 2004 và ghép gan từ năm 2005. Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện thành công 32 ca ghép thận và 42 ca ghép gan cho bệnh nhi.

Lựa chọn đúng đắn để giành lấy sự sống cho con

Tại buổi cung cấp thông tin ghép gan và ghép thận của Bệnh viện Nhi đồng 2 ngày 17/10, bà Trúc Thư (mẹ Thanh Gi.), ngụ TP.HCM, chia sẻ rằng vào năm 2006, bà đã vô cùng ngỡ ngàng và sốc khi biết tin con mình vừa chào đời đã bị teo đường mật bẩm sinh, cùng với các hội chứng vàng da, chướng bụng, sức khỏe ngày càng yếu ớt và diễn tiến xơ gan giai đoạn cuối. Sau đó, Thanh Gi. được các y bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 chỉ định ghép gan. Tại thời điểm đó, bà Thư vô cùng lo lắng khi nghe chỉ định của bác sĩ vì không có nhiều thông tin về ghép tạng như hiện nay.

“Tuy nhiên, sau khi trao đổi, gia đình đã đặt niềm tin vào các y bác sĩ. Lúc tôi quyết định ghép gan như lựa chọn cuối cùng để con có thể sống tiếp và có cuộc sống tốt đẹp. Trong quá trình ghép, hậu phẫu, gia đình luôn nhận được sự hỗ trợ lớn từ các bác sĩ đã giúp gia đình cảm thấy yên tâm hơn. Hiện nay bé đã trưởng thành, sinh hoạt bình thường, hòa nhập cuộc sống. Nhìn con hồi phục, có thể sinh hoạt bình thường, có cuộc sống bình thường như các bạn, tôi cảm thấy quyết định ngày xưa là một lựa chọn đúng đắn và vô cùng hạnh phúc”, bà Trúc Thư chia sẻ.

z5940183484612_5eb0b78e844397881c2e20f4b5b02cf6.jpg

TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết thời điểm năm 2006, việc ghép gan vẫn còn là chuyện rất lớn, ít thông tin, phải giải thích cho người nhà rất nhiều. Quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng gặp nhiều vất vả, các y bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm, phải cẩn trọng trong mọi công tác, hoạt động.

3 ca ghép gan được thực hiện trong tuần

BS.CKII Nguyễn Hồng Vân Khánh - Phó trưởng khoa Khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan - Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết kể từ khi được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện tự chủ ghép tạng, trong 3 năm 2021- 2024, bệnh viện đã tăng số ca ghép gan lên 28 ca, cao gấp đôi so với 15 năm trước đó là 13 ca. Hiện nay, mỗi năm bệnh viện ghép được từ 10 -14 ca. Về phần ghép thận, trung bình mỗi năm, bệnh viện thực hiện từ 6 - 8 ca.

“Hiện nay nhu cầu chờ ghép tạng vẫn còn rất nhiều. Theo thống kê, bệnh nhân có chỉ định 100 ca chờ ghép gan, 70 ca chờ ghép thận. Mỗi tháng trung bình có 2 bé tử vong trong thời gian chờ ghép. Dự kiến trong tháng 11 tới, bệnh viện sẽ chuẩn bị 8 trường hợp chờ ghép để tiến hành thực hiện ghép chính thức từ 3- 4 ca”, bác sĩ Vân Khánh bày tỏ.

Đặc biệt trong tháng 8/2024, lần đầu tiên bệnh viện thực hiện 3 ca ghép gan liên tục trong vòng một tuần. Cụ thể là bệnh nhi N.H.P (2 tuổi, ngụ Hậu Giang); K.M.K (3 tuổi, ngụ Gia Lai); N.N.T.Y (7 tuổi, ngụ Bình Dương). Tất cả các bệnh nhi đều bị teo đường mật, tăng áp động mạch. Sau phẫu thuật, hiện 3 bệnh nhi đều xuất viện, không còn nhiễm trùng, có thể ăn bằng đường miệng hoàn toàn và đáp ứng tốt sau ghép gan.

hinh-2-1-.jpg
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đến hỏi thăm bệnh nhi sau ca ghép thận. Ảnh tư liệu

TS.BS Trần Thanh Trí cho biết bệnh viện thực hiện 3 ca ghép gan liên tục trong vòng 4 ngày từ 26 - 30/8/2024. Để thực hiện được điều này đòi hỏi có sự phối hợp tốt trong công tác điều động nhân sự, mời chuyên gia hội chẩn, chuẩn bị trang thiết bị, phòng mổ, hồi sức tích cực, chăm sóc sau phẫu thuật… Tất cả quy trình đều được chuẩn hóa. Đây cũng giống như cuộc tập dượt trước để phòng các trường hợp ghép gan cấp cứu cho nhiều trường hợp cùng lúc có thể xảy ra sau này.

Cũng theo bác sĩ Trí, hiện bệnh viện không chỉ tăng tốc về số lượng ca ghép, các bác sĩ còn làm chủ nhiều kỹ thuật mới và mở rộng chỉ định ghép tạng. Trong tương lai gần, bệnh viện dự kiến sẽ mở rộng chương trình ghép gan cho trẻ mắc ung thư gan và những trường hợp suy gan cấp cứu.

Hiện, Bệnh viện Nhi đồng 2 đặt mục tiêu, cố gắng thực hiện được tổng cộng 50 ca ghép gan trước 30/4/2025. Trung bình, chi phí một ca ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 sau khi trừ bảo hiểm y tế, dao động khoảng 300 - 500 triệu đồng.

Theo bác sĩ Phan Tấn Đức, Trưởng khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, khó khăn lớn nhất trong ghép tạng hiện nay vẫn là thiếu nguồn tạng hiến. Hiện tại Việt Nam đã có luật về người cho chết não là người lớn, nhưng chưa có quy định về nguồn tạng hiến từ người cho chết não là trẻ em. Theo đó, nếu nguồn hiến phong phú, bảo hiểm y tế chấp nhận chi trả tất cả chi phí liên quan đến ghép tạng, công tác ghép tạng mới càng phát triển từ đó nhiều bệnh nhân sẽ có cơ hội được cứu sống.

“Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện là Bệnh viện Nhi khoa duy nhất tại khu vực phía Nam làm công tác: ghép gan; ghép thận và ghép tế bào gốc. Ghép gan là giải pháp duy nhất cứu sống trẻ suy, xơ gan giai đoạn cuối để tăng số ca ghép, giảm số trẻ qua đời vì mòn mỏi chờ gan. Còn đối với phần ghép thận, trước nay bệnh viện thường thực hiện các ca ghép ở người cho sống. Nguồn tạng nói chung và thận nói riêng từ người cho chết não là vô cùng quý báu, đồng thời là xu hướng chung trên thế giới. Điều này nên được duy trì và phổ biến trong văn hóa hiến tạng ở Việt Nam”. - TS.BS Trần Thanh Trí - Trưởng Khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2.

An Quý - Trúc Nhã