Giáo dục

Sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM hài lòng với cuộc sống đại học

Ngọc Duy 20/10/2024 - 15:34

Theo khảo sát, đa số sinh viên ĐHQG TP.HCM vẫn cảm thấy hài lòng với cuộc sống đại học, đặc biệt là sự cân bằng giữa học tập và các hoạt động ngoại khóa, giải trí.

Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) vừa chia sẻ kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rảnh rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống đại học của sinh viên tại ký túc xá ĐHQG TP.HCM, tại buổi Khai khóa năm 2024, sáng 20/10.

z5948726410010_548314d54adf1b396ef73b339fe783d6.jpg
ĐHQG TP.HCM vừa chia sẻ kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rảnh rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống đại học của sinh viên tại ký túc xá ĐHQG TP.HCM.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo - Trường ĐH Quốc tế, cho biết khảo sát được thực hiện trên hơn 21.655 câu trả lời từ sinh viên thuộc các trường đại học thành viên ĐHQG TP.HCM đang sống tại ký túc xá.

Điểm trung bình đánh giá (ĐTB) được tính cho mỗi yếu tố, và mức "trung lập" xác định tại ĐTB 3,0.

Sinh viên chủ yếu dành thời gian rảnh để giải trí

Khảo sát cho thấy phần lớn sinh viên có thời gian rảnh từ 2 - 4 giờ mỗi ngày (chiếm 66,7%); 22,9% sinh viên có thời lượng thời gian rảnh rỗi từ 1 - 2 giờ mỗi ngày; 10% sinh viên có ít hơn 1 giờ rảnh rỗi.

Sinh viên chủ yếu dành thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí bằng các hoạt động như xem phim, nghe nhạc, sử dụng mạng xã hội. Đây là hoạt động được lựa chọn nhiều nhất, cho thấy nhu cầu thư giãn và giảm stress sau những giờ học tập căng thẳng (ĐTB: 3.9).

Sinh viên cũng quan tâm đến việc phát triển bản thân, tuy nhiên, mức độ quan tâm này còn khá khiêm tốn so với các hoạt động khác. Việc mở rộng mạng lưới xã hội không được các bạn sinh viên chú trọng nhiều (ĐTB: 3.3).

z5948726375768_dcb140be913b47cd13c9941d02b49945.jpg
Đa số sinh viên dùng thời gian rảnh để sử dụng mạng xã hội.

Hiện nay, sinh viên dành phần lớn thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động giải trí đơn thuần hơn là các hoạt động có kế hoạch hoặc giúp phát triển bản thân.

Các con số cho thấy sinh viên ít khi đặt mục tiêu rõ ràng, lập danh sách việc cần làm hoặc lên kế hoạch cụ thể cho thời gian rảnh rỗi của mình cũng như còn hạn chế trong việc quản lý thời gian, tìm hiểu sở thích và sắp xếp các hoạt động một cách hợp lý với ĐTB: 2.9 trên 5.0 cho từng hoạt động.

Sinh viên đánh giá cao cơ sở vật chất của trường và ký túc xá

Cũng theo khảo sát, sinh viên cảm thấy hài lòng với cuộc sống đại học hiện tại, đặc biệt là sự cân bằng giữa học tập và các hoạt động ngoại khóa.

Sinh viên đánh giá các hoạt động ngoại khóa ở mức khá (ĐTB: 3.5), cho thấy họ có đủ thời gian tham gia và hài lòng với điểm rèn luyện đạt được. Phần lớn sinh viên cũng cho rằng khối lượng học chính khóa phù hợp (ĐTB: 3.6), giúp họ cân bằng giữa học tập và các hoạt động khác.

Khảo sát cũng cho thấy, sinh viên đánh giá cao chất lượng cơ sở vật chất tại trường/ký túc xá với ĐTB 3.5. Sự hỗ trợ từ giảng viên được sinh viên đánh giá với ĐTB: 3.6. Bên cạnh đó, chất lượng thư viện, khu vực học tập cũng được sinh viên đánh giá tốt ở mức 3.5.

Các phân tích cho thấy việc sinh viên có mục đích tích cực đối với quỹ thời gian rỗi của mình đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức độ hài lòng về cuộc sống đại học.

Các sinh viên dành ưu tiên cho “Phát triển bản thân” sẽ có sự hài lòng đối với cuộc sống đại học cao hơn so với các sinh viên dành ít ưu tiên.

Sinh viên lo lắng khi so sánh với bạn bè và áp lực thi cử

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cho rằng, sinh viên đang dành nhiều ưu tiên cho các hoạt động giải trí, mà chưa tập trung các hoạt động phát triển bản thân.

Ngoài ra, sinh viên có tâm lý tự ti, lo lắng khi thấy bạn bè có thành tích học tập tốt và áp lực thi cử.

Thông qua khảo sát, nhóm nghiên cứu khuyến cáo sinh viên cần quan tâm đến việc cân bằng giữa nghỉ ngơi, giải trí và phát triển bản thân.

Các trường ĐH cần chú trọng đến sức khỏe tâm thần, tâm lý của sinh viên, đặc biệt phương án tiếp cận có hiệu quả đến tất cả sinh viên.

Ngọc Duy