Giáo dục

Chuyên gia khuyên sinh viên học tập để sử dụng AI chuyên nghiệp

Võ Liên 16/10/2024 - 17:18

Trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế con người nhưng người biết sử dụng AI lại có thể thay thế người khác, do đó sinh viên nên liên tục học tập, cập nhật kiến thức để không bị thay thế.

Đó là chia sẻ của ThS. Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII), Ủy viên Ban Chấp hành Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) - tại buổi nói chuyện với chủ đề “Hệ thống tên lửa đẩy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo”, ngày 16/10.

sinh-vien-tham-du.jpg
Học sinh, sinh viên hào hứng tham gia chương trình.

Đây là một trong những chương trình thuộc chuỗi những bài giảng công chúng do Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM tổ chức dành cho học sinh, sinh viên các trường kể từ năm 2019.

40% việc làm sẽ bị ảnh hưởng bởi AI

Theo ThS. Đào Trung Thành, AI là một lĩnh vực nghiên cứu trong khoa học máy tính mô phỏng trí tuệ con người, như suy nghĩ, lập luận giải quyết vấn đề, giao tiếp, học tập và tự thích ứng.

ThS. Thành cho biết, AI được phân làm ba loại. Trong đó, trí thông minh hẹp (ANI) là máy có thể thực hiện một nhiệm vụ cụ thể tốt hơn so với con người, nghiên cứu hiện tại về AI hiện đang ở cấp độ này. Cấp độ tiếp theo là trí thông minh tổng quát (AGI), AI đạt đến trạng thái chung khi nó có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ sử dụng trí tuệ nào có cùng độ chính xác như con người. Cao hơn là siêu AI (ASI), lúc này, AI có thể vượt khả năng của con người trong nhiều nhiệm vụ cụ thể.

ong-dao-trung-thanh.jpg
ThS. Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII), Ủy viên Ban Chấp hành Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) - chia sẻ về tầm quan trọng của AI.

AI có khả năng thay thế con người trong lĩnh vực sản xuất ô tô, lắp ráp; các dịch vụ chăm sóc khách hàng, robot cũng được sử dụng nhiều; khả năng nhập liệu. Theo dự báo, có khoảng 40% việc làm sẽ bị ảnh hưởng bởi AI.

Theo ThS. Thành, khi một công nghệ mới ra đời, con người thường lo lắng về khả năng mất việc làm. Tuy nhiên, công nghệ cũng đã tạo ra ngành nghề mới. Do đó, con người phải nắm bắt được các kĩ năng hiện nay AI chưa nắm bắt được.

Bên cạnh đó, ThS. Thành cũng lưu ý, các vấn đề sáng tạo, tranh vẽ nghệ thuật, con người chưa từng nghĩ AI có thể vẽ tranh nhưng thật sự AI đã làm được.

ThS. Thành khuyên các sinh viên luôn cởi mở với sự thay đổi và thích ứng trong công nghệ, phát triển các kỹ năng mềm, không sợ thất bại và đặc biệt là học tập suốt đời.

“Chúng ta phải học tập liên tục, không phải đạt được một thành tích, học vị, hay một giấy chứng nhận mà dừng lại việc học. AI không thể thay thế các bạn nhưng người sử dụng AI chuyên nghiệp có thể thay thế các bạn, do đó phải học tập liên tục”, ThS. Thành nói.

Vai trò của AI trong hệ thống tên lửa đẩy

Tại chương trình, GS Bruce Vũ - nguyên Kỹ sư hàng không vũ trụ tại Trung tâm Không gian Marshall (NASA’s Marshall Space Flight Center), tiểu bang Alabama (Mỹ) từ năm 1989 đến 2000 - cung cấp cho học sinh, sinh viên nhiều kiến thức mới về hệ thống tên lửa đẩy. Mỗi hệ thống đều có những lợi thế và thách thức cụ thể tùy thuộc vào yêu cầu của nhiệm vụ.

Theo GS Bruce Vũ, hệ thống tên lửa đẩy vũ trụ (space launch) có vai trò quan trọng trong quá trình du hành, thám hiểm không gian, giữ cho vệ tinh đi đúng quỹ đạo và giúp khám phá thiên văn.

bruce-vu.jpg
GS Bruce Vũ - nguyên Kỹ sư hàng không vũ trụ tại Trung tâm Không gian Marshall (NASA’s Marshall Space Flight Center) - chia sẻ tại chương trình.

Trong thám hiểm không gian, với những hành tinh xa xôi của hệ mặt trời cách trái đất 4,5 - 6 tỷ km, một khoảng cách rất lớn. Nếu muốn thám hiểm thực tiễn thì cần có hệ thống đẩy tiên tiến hơn. Còn hệ thống chúng ta đang có hiện nay là hệ thống sử dụng nhiên liệu hóa học.

GS Bruce Vũ cho biết, từ đây tới sao hỏa là hành tinh gần trái đất của chúng ta, khoảng cách trung bình 225 triệu km, tên lửa của NASA phải mất từ 6 - 9 tháng để đến sao hỏa. Nếu có động cơ dùng phản ứng hạt nhân, tên lửa có thể bay với vận tốc 30 km/giây.

Chia sẻ cụ thể về vai trò AI trong động cơ tên lửa, ThS. Thành cho rằng AI có thể điều chỉnh tỷ lệ nhiên liệu và chất oxy hóa để tối ưu quá trình đốt, dự đoán và mô phỏng tính chất vật liệu chịu nhiệt và áp suất cao, sử dụng các thuật toán máy học để tìm ra cấu hình động cơ tối ưu, dự đoán các sự cố,…

Theo TS. Phan Hiền Vũ - Phó Trưởng Bộ môn Vật lý, Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM, nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện nhằm mang lại kiến thức cho cộng đồng, đặc biệt là các học sinh, sinh viên.

“Chúng tôi mong sao kiến thức khoa học sẽ được phổ quát đến các em học sinh, sinh viên và công chúng nhiều hơn nữa. Đặc biệt, với chủ đề lần này liên quan đến trí tuệ nhân tạo và hệ thống tên lửa, chúng tôi mong muốn sẽ phần nào góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tính sáng tạo của các bạn trẻ, giúp các bạn phát triển nghề nghiệp phù hợp với bối cảnh của thế giới”, TS. Phan Hiền Vũ chia sẻ.

Võ Liên