Kinh doanh

Việt Nam vẫn là nhà nhập khẩu bông lớn thứ 3 thế giới

HOÀNG NGUYỄN 15/10/2024 - 17:20

Nguồn cung bông ở các nước xuất khẩu lớn đang tăng ở mức kỷ lục và theo các chuyên gia, Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng nhẹ nhập khẩu bông, vẫn là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới.

Bông là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp xơ sợi và dệt may của Việt Nam. Là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 thế giới, giá bông, sợi thế giới ảnh hưởng rõ nét đến các doanh nghiệp ngành sợi và dệt may Việt Nam. Trong bối cảnh năm nay, sự gia tăng đáng kể về nguồn cung bông toàn cầu trong khi cầu chưa khởi sắc nên còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

bong.jpg
Bông là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp xơ sợi và dệt may của Việt Nam.

Tại hội thảo “Cập nhật thị trường bông và dự báo xu hướng tương lai” vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia đã thảo luận về những biến động quan trọng của thị trường bông toàn cầu trong năm 2024 và 2025. Ông Jon Devine - Chuyên gia kinh tế cấp cao của Cotton Incorporated; ông Jud Griffin - Chuyên gia kinh tế của Cotton Incorporated và bà Angela Chen - Giám đốc truyền thông của Cotton Incorporated đã chia sẻ những dự đoán và phân tích về cung - cầu bông trong tương lai, cũng như xem xét tác động của các yếu tố bên ngoài đến thị trường bông.

Nguồn cung bông xuất khẩu dồi dào

Theo các chuyên gia, vụ mùa năm nay, giống như hầu hết các năm trước, sản xuất bông, hoặc canh tác sẽ chỉ tập trung ở một vài quốc gia lớn. Chỉ bốn quốc gia sẽ sản xuất hơn 70% lượng bông của thế giới. Các quốc gia xuất khẩu lớn là Mỹ và Brazil; quốc gia vừa sản xuất vừa tiêu dùng là Ấn Độ và Trung Quốc.

Từ tháng 1/2023, giá bông thế giới dao động trong khoảng từ 75 đến 90 cent/lb. Đến nửa đầu năm 2024, giá bông quốc tế sau một thời gian dài dao động quanh mức 80-85 cent/lb đã tăng vọt lên trên 100 cent/lb vào đầu tháng 3/2024. Giá bông đạt đỉnh do lo ngại về nguồn cung bị thiếu hụt (do Trung Quốc nhập khẩu 3,2 triệu tấn bông - một khối lượng nhiều hơn gấp đôi so với nhập khẩu của năm trước) nhưng sau đó nhanh chóng giảm mạnh xuống mức thấp nhất 70 cent/lb và hiện giao dịch quanh mức này do cầu thực tế còn yếu.

Trong khi đó, dù bị ảnh hưởng bởi một vài cơn bão nhưng thị trường đang chứng kiến nguồn cung dồi dào, kỷ lục từ các quốc gia xuất khẩu bông lớn như Mỹ, Úc, Brazil,…

Đặc biệt, năm ngoái, niên vụ 2023-2024, Brazil lần đầu tiên sản xuất vượt qua Hoa Kỳ khi tăng hơn gấp đôi sản lượng bông trong mười năm qua (đạt mức kỷ lục 14,6 triệu bao, mỗi bao khoảng 226,5 kg) do canh tác hai vụ thành công. Lượng bông xuất khẩu ra khỏi Brazil cũng tăng đều đặn, cho phép quốc gia này vượt qua Mỹ để trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trong niên vụ 2023-2024 và năm nay, họ có thể sẽ dẫn đầu thế giới về xuất khẩu bông một lần nữa.

Kỳ vọng tăng nhập khẩu, tiêu thụ bông

Theo các chuyên gia, năm ngoái, Trung Quốc ước tính đã tiêu thụ 8,2 triệu tấn bông. Sản xuất trong nước không thể đáp ứng nhu cầu nên Trung Quốc nhập khẩu từ các nhà xuất khẩu hàng năm. Tuy nhiên, năm ngoái, quốc gia này đã mua quá mức khoảng 940.000 tấn, nhập khẩu nhiều hơn đáng kể so với dự kiến. Vì vậy, các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc đang có nguồn dự trữ dồi dào và khả năng nhập khẩu bông trong thời gian tới không còn mạnh.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính Trung Quốc nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn bông, tương đương với khoảng cách sản xuất - tiêu thụ, nhưng nếu dự trữ được sử dụng thay vì nhập khẩu, con số này có thể thấp hơn.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng có mối đe dọa tồn kho ở các nước xuất khẩu, dẫn đến áp lực giá bông. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng thị trường bông vẫn có hy vọng hồi phục khi các quốc gia nhập khẩu lớn (Bangladesh, Pakistan và Việt Nam,…) sẽ tăng nhập khẩu trong thời gian tới và Ấn Độ - một quốc gia hiện có thể đang chuyển từ xuất khẩu bông sang nhập khẩu nhiều hơn.

ong-jon-devine.jpg
Ông Jon Devine - Chuyên gia kinh tế cấp cao của Cotton Incorporated chia sẻ tại hội thảo.

“Không giống như Brazil và Úc, vụ mùa của Ấn Độ đang phải vật lộn với thời tiết, mùa mưa của họ quá ẩm ướt, ảnh hưởng đến sản xuất do trì hoãn trồng. Năng suất ở Ấn Độ đã giảm đều đặn trong mười năm qua. Hiện họ thu hoạch trung bình 445 kg bông/ha. Điều này khá kém hiệu quả so với năng suất 2.000 kg/ha của Úc và Trung Quốc. Để bù đắp cho vụ mùa nhỏ hơn trong năm nay, Ấn Độ dự kiến sẽ nhập khẩu nhiều bông hơn, thường chủ yếu là Pima.

USDA ước tính chính phủ Ấn Độ nhập khẩu bông sẽ tăng gấp đôi trong năm nay, nhưng đó vẫn là một khối lượng nhỏ so với lượng sản xuất lớn của họ. Ngoài vụ mùa nhỏ hơn, một yếu tố khác ảnh hưởng đến nhập khẩu bông của Ấn Độ là giá quốc tế thấp hơn. Nhập khẩu bông ở Ấn Độ hiện rẻ hơn so với mua trong nước do trợ cấp của chính phủ hay còn gọi là giá hỗ trợ tối thiểu”, ông Jon Devine chia sẻ.

Theo ông Jon Devine, do bất ổn chính trị gần đây, nên chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Bangladesh đã bị gián đoạn, tuy nhiên, nhập khẩu và tiêu thụ bông được dự báo sẽ cao hơn một chút. Pakistan cũng dự kiến sẽ nhập khẩu nhiều bông hơn trong niên vụ này, cao hơn khoảng 280.000 tấn so với niên vụ năm trước do dự báo sản lượng thấp hơn.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng nhẹ nhập khẩu bông trong niên vụ này (tăng 3% lên 1,4 triệu tấn trong năm 2024-2025) và dự kiến sẽ vẫn là nhà nhập khẩu lớn thứ ba trên thế giới. Một động lực chính cho nhu cầu sợi của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu sợi từ Trung Quốc. Năm 2023, xuất khẩu sợi sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm trước (23%) nhưng khối lượng vẫn thấp so với mức phổ biến trước Covid-19. Nhu cầu bông của Việt Nam được dự báo sẽ lớn hơn trong niên vụ này do nhu cầu toàn cầu về dệt may dự kiến sẽ phục hồi trước khi kết thúc niên vụ hiện tại.

nhap-khau-bong-viet-nam.png
Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhẹ nhập khẩu bông trong niên vụ 2024-2025. Nguồn: Cotton Incorporated.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm. Nước ta cũng là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới và là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.

Tính đến năm 2021, lượng bông Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ chiếm 25% tổng sản lượng xuất khẩu của Mỹ và là quốc gia nhập khẩu bông từ Mỹ nhiều nhất thế giới. Đến năm 2023, Úc vượt qua Mỹ trở thành nhà cung cấp bông lớn nhất cho Việt Nam. Tính đến hết tháng 12/2023, Việt Nam nhập từ Úc 467.718 tấn bông với trị giá hơn 1,01 tỉ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ là nhà cung cấp lớn thứ 2 của Việt Nam với 416.505 tấn bông, trị giá đạt hơn 912 triệu USD. Ấn Độ là nhà cung cấp bông lớn thứ 3 với 61.126 tấn, trị giá hơn 91 triệu USD.

HOÀNG NGUYỄN