TP.HCM kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung với Quốc hội
Chiều 14/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM do ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND TP.HCM về tình hình hình kinh tế - xã hội, việc thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội và các nội dung đăng ký thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tiếp đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải cùng lãnh đạo các sở ban ngành Thành phố.
Tại buổi làm việc, đại biểu Hà Phước Thắng đã đặt vấn đề về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Với tỷ lệ giải ngân của Thành phố còn khiêm tốn, liệu có vướng mắc gì ở cấp Trung ương, các bộ, ngành hay không? Và ngoài những việc phối hợp mà TP.HCM đang thực hiện, thì cần có kiến nghị gì về giải pháp hỗ trợ, để thành phố có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trên địa bàn.
Báo cáo với đoàn về tình hình kinh tế - xã hội Thành phố 9 tháng đầu năm 2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, quý III năm 2024, Thành phố tiếp tục đà tăng trưởng của quý II, quý sau tích cực hơn quý trước nhưng chưa có đột phá… Về đánh giá khả năng hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, Thành phố có khả năng hoàn thành 19/22 chỉ tiêu, trong đó 12 chỉ tiêu sẽ đạt, 1 chỉ tiêu phấn đấu đạt, 6 chỉ tiêu cần nỗ lực lớn để đạt được, 3 chỉ tiêu không đạt.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo kết quả thực hiện 2 nghị quyết của Quốc hội là Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 57 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thay mặt lãnh đạo Thành phố kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung. Cụ thể, Thành phố kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nhằm cụ thể hóa mô hình thành phố thuộc thành phố, áp dụng vào thực tiễn tại thành phố Thủ Đức. Từ đó, làm cơ sở đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương đối với mô hình thành phố thuộc thành phố.
TP.HCM cũng kiến nghị Quốc hội xem xét tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM để làm cơ sở ban hành nghị quyết mới, toàn diện hơn, đồng thời đưa vào chương trình xây dựng pháp luật nội dung xây dựng Luật đô thị đặc biệt Thành phố.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM kiến nghị Quốc hội cho nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 98 về yêu cầu giải ngân vốn đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược để đảm bảo phù hợp với thực tiễn thực hiện.
Đối với dự án Vành đai 3, Thành phố kiến nghị Quốc hội ủng hộ việc cân đối nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ UBND tỉnh Bình Dương sớm nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng 15,3km đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (đi trùng với đường Vành đai 3) để khai thác đồng bộ, hiệu quả khi dự án Vành đai 3 TP.HCM đưa vào khai thác năm 2026.
Đối với Nghị quyết 131, Thành phố kiến nghị Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội cho phép đăng ký đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội nội dung dự án Luật Đô thị đặc biệt, trong đó có quy định đô thị đặc biệt cho TP.HCM.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho biết, TP.HCM sẽ báo cáo Quốc hội 3 nội dung là: dự án Vành đai 4; Đề án đường sắt đô thị; Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM. Đối với 3 nội dung này, TP.HCM kiến nghị Quốc hội ủng hộ các cơ chế đặc thù dự kiến sẽ đề xuất.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải cho biết, tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM khả quan; tăng trưởng quý III cao hơn quý II, nhưng vẫn còn một số khó khăn như dòng tiền vào thị trường, tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp,…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Dương Ngọc Hải cho rằng cần sự quyết tâm cao hơn của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm.