Đăng ký bảo hộ sáng chế - hoạt động cần thiết trong quá trình thương mại hóa
Lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế sao cho nổi bật tính mới, tính sáng tạo cũng như có phạm vi bảo hộ rộng nhất trong quá trình thương mại hóa là điều các cử tọa đặc biệt quan tâm tại Hội nghị tập huấn “Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức sáng nay ngày 11/10.
Cần nhận thức đủ về vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất và kinh doanh
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN TP.HCM) nhận định, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện vẫn chưa quan tâm nhiều đến tài sản trí tuệ, chưa nhận thức đủ về vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Theo đó, một số nguyên nhân của tình trạng này cũng được bà Nhung chỉ rõ là do nhu cầu đối với sáng chế ở nước ta chưa cao; năng lực nghiên cứu còn thấp; khả năng tiếp nhận sáng chế của doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế khuyến khích tạo ra sáng chế ở doanh nghiệp, viện, trường vẫn chưa thực sự hiệu quả ...
Mặt khác, những khó khăn khi viết bản mô tả sáng chế cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích tại các viện nghiên cứu, trường đại học còn khá khiêm tốn. Với các thực trạng vừa nêu, những sự kiện kết nối, tập huấn về sở hữu trí tuệ như Hội nghị lần này lại càng cần thiết.
Phạm vi bảo hộ của sáng chế rộng = lợi thế cao trong quá trình thương mại hóa
Tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Thanh (Trung tâm Thẩm định Sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ) đã trình bày các nội dung về tình hình đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích, các điều kiện bảo hộ, thủ tục đăng ký sáng chế, đồng thời nêu rõ những lợi ích, quy trình, kinh nghiệm… của việc đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích.
Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và nhiều quốc gia, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Đồng thời, một sáng chế được bảo hộ cần thỏa mãn các điều kiện như đúng với quy định Nhà nước; không trái với đạo đức xã hội và phương hại đến lợi ích công cộng; không gây hại cho an ninh quốc phòng.
Về bản chất, sáng chế có yêu cầu bảo hộ cao hơn do phải đáp ứng được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp so với giải pháp hữu ích vốn không cần tính sáng tạo; đi kèm với thời hạn bảo hộ dài hơn (sáng chế là 20 năm, trong khi đó, giải pháp hữu ích chỉ 10 năm). Vì thế, ông Thanh cho rằng cần tăng cường tương tác, trao đổi giữa người nộp đơn và thẩm định viên để xác định đúng bản chất vấn đề.
Thực tế cho thấy, việc bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường hay khi muốn áp dụng một công nghệ mới đều có liên quan mật thiết đến bảo hộ sáng chế hoặc nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp … Do vậy, ngoài việc cung cấp những kiến thức về sở hữu trí tuệ, Hội nghị lần này được tổ chức còn nhằm cập nhật nhiều điểm mới của các văn bản pháp luật liên quan đến xác lập quyền đối với sáng chế như thủ tục đăng ký bảo hộ, quy trình xử lý đơn, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hồ sơ và xử lý các vấn đề phát sinh đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế.
Cũng theo ông Thanh, khi mô tả sáng chế thì ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chí để cấp bằng sáng chế như tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp, còn cần phải nắm được văn phong, cách viết mô tả sáng chế theo Luật Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó còn phải biết cách tra cứu dữ liệu sáng chế để xác định tính mới và viết sao cho phạm vi bảo hộ của sáng chế rộng nhất có thể nhằm mang lại lợi thế trong quá trình thương mại hóa nếu xảy ra tranh chấp với các bên khác.
Thêm vào đó, toàn bộ quá trình tạo ra một sáng chế được bảo hộ từ hoạt động sáng tạo đến xác lập quyền đều liên quan đến khai thác thông tin sáng chế. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng vì nhờ thông tin này, nhà sáng chế sẽ biết được tình trạng kỹ thuật, các giải pháp kỹ thuật đang được quan tâm. Tra cứu thông tin sáng chế còn cho biết được nhiều thông tin hữu ích liên quan đến việc tạo ra một sáng chế có chất lượng. Hiện nay, doanh nghiệp và nhà sáng chế có thể khai thác thông tin một cách đầy đủ, dễ dàng thông qua cơ sở dữ liệu tra cứu sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ.
Trong khuôn khổ sự kiện, những kiến thức từ buổi tập huấn còn nhanh chóng được vận dụng vào thực hành. Các đại biểu đã được thực hành tra cứu thông tin nhằm đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thực hành lập hồ sơ đăng ký sáng chế, xử lý tình huống... Một số nhà nghiên cứu đã có ý tưởng muốn đăng ký bảo hộ sáng chế cũng được các chuyên gia nhiệt tình tư vấn tại Hội nghị tập huấn lần này.