Kinh doanh

Việt Nam cần tăng cường hiệu quả Logistics trước thị trường kinh tế số 2 nghìn tỷ USD

Ngọc Duy 10/10/2024 - 19:13

Việt Nam cần đầu tư, tăng cường hiệu quả trong ngành logistics, để thấy được lợi ích to lớn của thương mại điện tử.

Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại cuộc bàn tròn trực tuyến về chủ đề "Việt Nam trước cơ hội hợp tác kinh tế số ASEAN", nhân ngày Chuyển đổi số Quốc gia (ngày 10/10).

Tại đây, các chuyên gia đã đề cập đến cơ hội và thách thức của Việt Nam khi hội nhập vào nền kinh tế số khu vực thông qua Hiệp định khung ASEAN về kinh tế số (DEFA). Hiệp định dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025.

Ông Jason Bay - Giám đốc Quốc gia (thị trường Việt Nam) Tập đoàn Sea Limited nói về lợi thế, thách thức của Việt Nam trong môi trường thương mại số, thương mại điện tử.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách quan hệ Việt Nam với các nước Đông Nam Á, nguyên Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, hiệp định này không chỉ tạo nền tảng pháp lý cho thương mại số mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng đột phá của nền kinh tế số trong khu vực.

Dựa trên tính toán, mức kinh tế tự nhiên hiện tại khoảng 300 triệu USD trong ASEAN có thể tăng lên 1 tỷ USD vào năm 2030. Nếu các quốc gia ASEAN bắt đầu ngay bây giờ, con số này có thể gấp đôi lên đến 2 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế số.

Ông Jason Bay - Giám đốc Quốc gia (thị trường Việt Nam) Tập đoàn Sea Limited cho biết, một trong những điểm mạnh của Việt Nam là nền kinh tế số đang phát triển rất nhanh với dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ. Điều này tạo ra cơ hội lớn để phát triển thương mại điện tử và các hoạt động kinh tế số.

Việt Nam còn có lợi thế về sản xuất và tìm nguồn cung ứng rất cạnh tranh. Các nhà bán hàng thương mại điện tử địa phương thực sự có lợi thế về chi phí khi đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là khách hàng trong khu vực nhạy cảm với giá cả.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số. Các chỉ thị mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất và phát triển thị trường nội địa thông qua công nghệ số và thương mại điện tử là những bước đi cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số.

0e686562-4337-4dc5-9054-9e4981b18db6.jpeg
Việt Nam cần đầu tư, tăng cường hiệu quả Logistics.

Mặc dù có nhiều cơ hội, Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức trong quá trình tham gia nền kinh tế số khu vực và thương mại điện tử, nổi bật là logistic. Địa lý Việt Nam với chiều dài lớn, tạo ra những khó khăn hơn trong việc vận chuyển hàng hóa.

Một nghiên cứu của một công ty Parcel Monitor chỉ ra rằng, khi nghĩ đến thương mại điện tử, logistics giao nhận bưu phẩm thực sự rất quan trọng. Đến 91% người tiêu dùng trực tuyến cho biết họ sẽ chuyển sang đối thủ cạnh tranh nếu gặp phải dịch vụ giao hàng kém. Đa số các nhà bán hàng đều quan tâm đến chất lượng dịch vụ giao hàng của họ.

Khoảng 80% người mua sẽ có xu hướng sử dụng thương mại điện tử nhiều hơn nếu ngày giao hàng dự kiến của họ chính xác và đáng tin cậy. Hơn 1/3 người tiêu dùng thương mại điện tử cho biết họ sẽ bỏ giỏ hàng nếu thời gian giao hàng không đủ nhanh.

"Điều này ảnh hưởng đến cả thương mại điện tử trong nước lẫn xuất khẩu. Nhưng nếu có thể giải quyết vấn đề này và thực sự đầu tư để tăng cường hiệu quả trong ngành logistics tại Việt Nam, thì chúng ta sẽ thấy được lợi ích của thương mại điện tử", ông Jason Bay chia sẻ.

Ngọc Duy