Y học

Phình mạch máu não: Phát hiện sớm để giảm nguy cơ đột quỵ

Thu Ngân 10/10/2024 - 10:05

Theo thống kê từ Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), thế giới hiện có khoảng 2 - 4% dân số gặp phải tình trạng túi phình mạch máu não, với các nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, như đột quỵ xuất huyết não. Đáng lo ngại, các triệu chứng của bệnh thường không biểu hiện rõ ràng cho đến khi túi phình đủ lớn hoặc vỡ, do đó việc chủ động tầm soát và phát hiện sớm là rất quan trọng.

Tháng 8/2024, Đơn vị Đột quỵ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiếp nhận và điều trị thành công cho một người bệnh 35 tuổi với túi phình động mạch cảnh trong kích thước lớn. Người bệnh nhập viện vì đau đầu, được chụp MRI sọ não phát hiện túi phình động mạch cảnh trong trái kích thước lớn, nguy cơ vỡ túi phình gây xuất huyết dưới nhện cao. Bác sĩ đã tiến hành điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch xâm lấn tối thiểu, đặt các vòng xoắn kim loại (coil) vào trong túi phình, bít kín hoàn toàn túi phình. Sau 3 ngày nằm viện, các triệu chứng đau đầu cải thiện đáng kể, người bệnh có thể trở về với cuộc sống sinh hoạt, làm việc bình thường như trước.

Nhận biết tình trạng túi phình mạch não bị vỡ

Túi phình mạch máu não là một bệnh lý mạch máu vùng não. Khi chưa vỡ, túi phình mạch máu não thường không có triệu chứng, dấu hiệu rõ ràng, nên ít được quan tâm.

Theo các bác sĩ, phình mạch máu não hình thành do các lớp của thành mạch máu bị tổn thương dẫn đến phình, giãn khu trú. Dưới tác dụng của áp lực lên thành mạch máu, túi phình có thể gia tăng kích thước theo thời gian, gây chèn ép các tổ chức quan trọng xung quanh. Những vị trí thường gặp của túi phình mạch mão bao gồm động mạch cảnh trong, động mạch não giữa, động mạch thông trước và sau… Bệnh lý này có thể gặp ở người bệnh thận đa nang, tăng huyết áp, thói quen hút thuốc lá nhiều, yếu tố gia đình (người thân đã mắc túi phình).

Khi túi phình mạch não bị vỡ sẽ gây nên tình trạng xuất huyết dưới nhện, với các triệu chứng điển hình như: đau đầu đột ngột dữ dội với cường độ rất mạnh (thường được gọi là đau đầu sét đánh), kèm theo buồn nôn, nôn mửa, ý thức chậm chạp, lơ mơ, nói khó, sụp mi, nhìn đôi, nhạy cảm với ánh sáng, cứng cổ, co giật,... Một số trường hợp có thể xảy ra tình trạng yếu liệt tay chân một bên.

Các biến chứng cấp tính của của bệnh gồm: gây giãn não thất cấp, co thắt mạch máu não, dẫn đến tử vong hoặc về lâu dài người bệnh có thể bị tàn phế, liệt nửa người, suy giảm nhận thức.

Các phương pháp điều trị túi phình mạch não

ThS.BS. Phạm Định Chương, Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (BV. HMSG) cho biết, với những trường hợp phát hiện túi phình mạch não chưa vỡ, các bác sĩ sẽ xem xét trên nhiều yếu tố, bao gồm: kích thước túi phình (lớn hay nhỏ), vị trí, hình dáng túi phình (bờ đều hay không đều, có nhú hay không), tiền sử bản thân hoặc gia đình có xuất huyết dưới nhện trước đó, sau đó sẽ quyết định điều trị tắc túi phình hoặc theo dõi định kỳ.

a1.jpg
Can thiệp túi phình mạch não với hệ thống DSA 2 bình diện tại BV. Hoàn Mỹ Sài Gòn

Những phương pháp can thiệp tắc túi phình hiện nay bao gồm: can thiệp đặt coil (vòng xoắn kim loại) vào túi phình, đặt stent chuyển dòng, bóng trợ coil, stent trợ coil. Ngoài ra, với những trường hợp phức tạp, khó can thiệp, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật kẹp clip, kết hợp điều trị hồi sức tích cực xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình.

Chẩn đoán và điều trị túi phình mạch não tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Hằng năm, Đơn vị Đột quỵ tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận hơn 1.500 trường hợp và điều trị thành công hàng trăm ca can thiệp đột quỵ, mang lại hi vọng sống cho người bệnh đột quỵ với dịch vụ chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đa phần các trường hợp được tiếp nhận và điều trị là người bệnh đã khởi phát cơn đau đầu đột ngột, dữ dội, cơn đau tăng nặng kèm theo các triệu chứng khác. Số liệu thực tế tại bệnh viện cho thấy, độ tuổi mắc túi phình mạch não ngày càng trẻ hóa, đặc biệt có trường hợp nhập viện vì vỡ túi phình ở tuổi hơn 30 dù không có yếu tố nguy cơ gì trước đó.

a2.jpg
BS. Chương thăm khám cho người bệnh trước khi xuất viện

Hiện nay, với sự hỗ trợ của phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại, túi phình mạch máu não hoàn toàn có thể tầm soát phát hiện từ giai đoạn sớm. Bệnh viện đã đưa vào ứng dụng hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla Signa™ Hero đầu tiên tại Việt Nam của GE Health care (Hoa Kỳ) nhằm đem đến giải pháp tầm soát và chẩn đoán đột quỵ tối ưu, có khả năng phát hiện túi phình mạch máu não có kích thước rất nhỏ, chỉ một vài milimet.

a3.jpg
Hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla Signa™ Hero giúp phát hiện sớm túi phình mạch máu não có kích thước rất nhỏ.

Bác sĩ Chương cho biết, túi phình là một bệnh lý có yếu tố gia đình, do đó việc tầm soát phát hiện sớm túi phình mạch máu não có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa diễn tiến vỡ phình. Bệnh viện cũng trang bị hệ thống DSA 2 bình diện hiện đại, có khả năng tái tạo hình ảnh không gian 3 chiều (3D) giúp quá trình can thiệp trở nên hiệu quả, nhanh chóng. Do đó, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm và chủ động trong việc điều trị tốt các bệnh lý liên quan, có khả năng gây tổn thương mạch máu não như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá.

Thu Ngân