Giáo dục

TP.HCM đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập

HOÀNG NGUYỄN 09/10/2024 - 18:16

Được công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là một bước ngoặt và TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập.

Ngày 9/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức tọa đàm “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TP.HCM”.

toa-dam.jpg
Toàn cảnh tọa đàm “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TP.HCM”. Ảnh: Dũng Phương

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ThS. Nguyễn Huy Cận - Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM cho biết, công tác khuyến học, khuyến tài của thành phố trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm từ Thành ủy, UBND TP.HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng hệ thống hội khuyến học các cấp. Được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, TP.HCM vừa được công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Tọa đàm được tổ chức để các đại biểu cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những cách làm hiệu quả; từ đó đề ra các giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại các cơ quan, đơn vị. Ban tổ chức đã nhận được 71 bài tham luận của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống hội khuyến học từ cơ sở đến thành phố, các đảng ủy cấp trên cơ sở, các cơ sở giáo dục, nhà khoa học, chuyên gia,…

TP Thủ Đức trao gần 56 tỷ đồng học bổng khuyến học, khuyến tài

Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ các giải pháp, cách làm hiệu quả của đơn vị trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập.

Tại TP Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Bé Hai - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức cho biết, các mô hình học tập như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” đã được triển khai rộng rãi và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hằng năm, đã có trên 80% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”. Đặc biệt, mô hình “Công dân học tập” đã được triển khai với sự tham gia tích cực của người dân và sự hỗ trợ của phần mềm quản lý. Hội khuyến học TP Thủ Đức được xây dựng đều khắp các cơ quan thành phố, phường, trường học, doanh nghiệp, tạo thành mạng lưới khuyến học ở từng địa bàn dân cư; huy động được nguồn lực, xây dựng quỹ hội từ thành phố đến các phường đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

TP Thủ Đức cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ giáo dục như cấp học bổng, miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên khó khăn và khuyến khích học sinh giỏi, phát triển tài năng. Từ năm 2019 - 2023, TP Thủ Đức và phường đã trao 42.829 suất học bổng khuyến học, khuyến tài với số tiền 55,919 tỷ đồng; Hội Khuyến học các cấp đã vận động hội viên thực hiện nuôi 800.105 heo đất khuyến học với tổng số tiền là 301,045 tỷ đồng. Ngoài ra, các chi hội, tổ hội, gia đình hội viên đã nuôi 7.591 con heo đất mỗi năm hoặc lập sổ tiết kiệm dành cho học tập, với số tiền hơn 22.738.565 đồng ủng hộ cho cho quỹ khuyến học để trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, học sinh khuyết tật, con em gia đình thương binh, chính sách khó khăn.

tp-thu-duc.jpg
Bà Nguyễn Thị Bé Hai - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Dũng Phương

“Năm 2023, 34/34 phường tiếp tục đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ mức độ 2, TP Thủ Đức tiếp tục được công nhận mức độ 2 về xóa mù chữ. Qua kiểm tra, đánh giá, công nhận gia đình học tập đạt tỉ lệ 65,04%; dòng họ học tập đạt tỉ lệ 72,73% và cộng đồng học tập đạt tỉ lệ 85,08%”, bà Nguyễn Thị Bé Hai cho biết.

Chú trọng xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập

Tương tự, tại quận 4 và huyện Củ Chi cũng có nhiều mô hình và cách làm hiệu quả trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Khuyến học quận 4 cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn quận luôn được tập trung đẩy mạnh đa dạng hình thức. Hội cũng phối hợp tổ chức vận động hỗ trợ phương tiện, dụng cụ học tập, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ. Trong 2 năm qua, quận 4 đã chăm lo 773 suất học bổng cho học sinh, sinh viên khó khăn vươn lên học khá, giỏi với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; 185 suất học bổng cho người lớn tuổi số tiền trên 790 triệu đồng và khen thưởng giáo viên, học sinh tài năng số tiền 230 triệu đồng.

Đến nay, quận 4 có 100% Đảng bộ, chi bộ cơ sở có tổ chức Hội; 100% phường có Hội khuyến học; 100% trường học cơ quan đơn vị, khu phố có chi hội khuyến học với 35.947 hội viên đạt tỷ lệ trên 18% tổng số dân đã tích cực tham gia phong trào thi đua cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn.

Bà Lê Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Củ Chi cho biết, Hội đã chú trọng công tác xây dựng “Gia đình học tập” vì muốn có một xã hội học tập thì không thể coi nhẹ yếu tố gia đình học tập. Từ việc xây dựng mô hình gia đình học tập, người dân đã ý thức, quan tâm hơn việc học tập chẳng những của con, cháu mà còn cả đối với người lớn; góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời tại địa phương. Các gia đình đã quan tâm đến việc học của con, cháu; xây dựng quỹ khuyến học gia đình qua chương trình tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học, đã góp phần hoàn thành tốt công tác phổ cập giáo dục, hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên nghỉ, bỏ học. Đến đầu năm 2024, toàn huyện Củ Chi có 71.462 gia đình được công nhận là “Gia đình học tập”, chiếm trên 63% so tổng hộ dân trên địa bàn.

Cùng với việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, các cấp khuyến học trong huyện Củ Chi còn đẩy mạnh phát triển cộng đồng học tập, xây dựng “Đơn vị học tập”, mô hình “Công dân học tập”. Đặc biệt, chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học” trong 5 năm (từ 2019 – 2023), các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Củ Chi đã nuôi 50.510 con heo đất, xây dựng 1.839 sổ tiết kiệm khuyến học với tổng số tiền trên 55 tỷ 630 triệu đồng để chăm lo cho học sinh, sinh viên địa bàn huyện.

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Lê Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM ghi nhận những kết quả tích cực và các cách làm hiệu quả của các địa phương; đồng thời khẳng định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Vì vậy, đây là công việc và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp đoàn thể. Theo ông Sơn, TP.HCM được công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là kết quả của một quá trình và là bước ngoặt quan trọng. Trong thời gian tới, để công tác khuyến học, khuyến tài phát huy hiệu quả, cần tăng cường tuyên truyền thông tin và chú trọng hiện đại hóa, số hóa để làm sao tiếp cận nhanh nhất với người học.

HOÀNG NGUYỄN