Cơ hội và thách thức trong xuất bản sách điện tử
Sáng 8/10, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức tọa đàm chuyên đề “Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức của hoạt động xuất bản hiện nay”.
Hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2024) và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10.
Chương trình là một trong những hoạt động điểm nhấn trong khuôn khổ Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên dự và chủ trì tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Lê Hoàn - Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM cho biết, sự phát triển nhanh về số lượng nhà xuất bản được phát hành sách điện tử cho thấy chuyển đổi số đang là lựa chọn được quan tâm nhất hiện nay. Nhiều sản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là áp dụng AI vào công tác này đã đem lại hiệu quả ấn tượng. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất bản các tác phẩm điện tử với sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp công nghệ đã cho thấy hiệu quả không nhỏ.
"Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Mối quan ngại lớn nhất là vi phạm bản quyền, sách giả, sách lậu trên nền tảng mạng. Do vậy hôm nay tại tọa đàm, chúng ta sẽ cùng nhận diện và phát huy tốt nhất yếu tố thuận lợi, tích cực và chung tay tháo gỡ khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, phát hành sách", ông Lê Hoàn chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, xuất bản điện tử đã và đang trở thành một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của ngành, có thể thấy rõ nhất qua sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng xuất bản phẩm điện tử.
"Cách đây 9 năm (năm 2015) mới có hơn 1 nghìn đầu sách điện tử được xuất bản thì năm 2022, toàn ngành có 3.200 đầu sách và năm 2023 là 4.600 đầu sách điện tử được xuất bản. Số lượt nghe sách nói năm 2023 đạt 40 triệu lượt, tăng 25% so với năm 2022", bà Quỳnh Nga chia sẻ.
Tương tự, bà Ông Thị Ngọc - Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cho biết, sự phát triển của công nghệ số giúp đơn vị xuất bản mở rộng thị trường, phá vỡ mọi rào cản địa lý khi sách điện tử, sách nói dễ dàng tiếp cận độc giả trên toàn thế giới. Trong khi các nền tảng thương mại điện tử giúp khách hàng thoải mái lựa chọn, so sánh giá cả và đặt mua sách nhanh chóng, tiện lợi; đồng thời giúp đơn vị xuất bản giảm chi phí vận hành, tăng cường tương tác với khách hàng.
Tuy nhiên, theo bà, chuyển đổi số trong xuất bản còn gặp khó khăn trong việc xây dựng một hệ thống dữ liệu đồng bộ và hạ tầng kỹ thuật hiện đại (đòi hỏi đầu tư lớn) và vấn nạn vi phạm bản quyền nhức nhối nhiều năm qua.
Bà Phan Thị Thu Hà - Tổng biên tập, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ cũng cho rằng, hiện nay các hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số có thể chia thành các loại, như sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, mạng xã hội và ứng dụng di động, để vừa kinh doanh vừa ẩn dưới danh nghĩa phục vụ bạn đọc miễn phí. Một số nền tảng ngang nhiên đổi tên người dịch để tránh bị phát hiện. Hay bán sách lậu, sách giả thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử và phát sóng trực tiếp (livestream) đọc sách trên mạng xã hội để tăng tương tác...
"Công tác bảo hộ bản quyền trên không gian mạng vẫn gặp nhiều khó khăn. Bất chấp những nỗ lực từ cơ quan quản lý, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi", bà Thu Hà chia sẻ.
Theo thống kê từ cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT&TT), cả nước có 57 nhà xuất bản trực thuộc các cơ quan chủ quản. Trong đó tại TP.HCM có 2 đơn vị trực thuộc thành ủy và UBND Thành phố, 28 chi nhánh nhà xuất bản, 4 văn phòng đại diện nhà xuất bản trong và ngoài nước, cùng 4 nhà xuất bản đại học. Đến nay có hơn 20 nhà xuất bản, đơn vị được cấp phép phát hành sách điện tử.