Giáo dục

TP.HCM ban hành bộ tiêu chuẩn công nhận trường học số

HOÀNG NGUYỄN 07/10/2024 - 19:20

UBND TP.HCM vừa ra quyết định về ban hành "Bộ tiêu chuẩn công nhận Trường học số trên địa bàn TP.HCM".

Để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), ngành GD&ĐT TP.HCM phấn đấu thực hiện thắng lợi công trình “50 trường học số chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

hoc-sinh-nam-sai-gon.jpg
Việc xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến là một trong những tiêu chí của trường học số. Ảnh: Học sinh lớp 2 Trường TH-THCS-THPT Nam Sài Gòn (Quận 7,TP.HCM) trong một giờ học.

Bộ tiêu chuẩn này là căn cứ để đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đạt chuẩn trường học số; là công cụ để cơ quan quản lý đánh giá thực trạng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục. Đây cũng là mục tiêu, định hướng để các cơ sở giáo dục triển khai chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại đơn vị.

Bộ tiêu chuẩn công nhận Trường học số áp dụng đối với các trường tiểu học, trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Bộ tiêu chuẩn gồm 6 tiêu chuẩn thành phần, cụ thể:

1. Thể chế số: đánh giá việc triển khai các quy định, quy trình và hướng dẫn nhằm đảm bảo triển khai và sử dụng công nghệ số trong giáo dục hiệu quả, an toàn, gồm các tiêu chí sau:

Tiêu chí 1.1: xây dựng và hoàn thiện quy chế, quy định quản lý liên quan đến hoạt động số trong nhà trường: quản lý, sử dụng, vận hành hệ thống quản trị nhà trường (con người, cơ sở vật chất, thiết bị); tổ chức dạy học trực tuyến; xây dựng, kiểm duyệt, quản lý học liệu số dùng chung; quản lý cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân; vận hành, quản trị hệ thống mạng, an toàn thông tin; vận hành, sử dụng hệ thống văn phòng điện tử và văn thư lưu trữ; quản lý, sử dụng hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số; quy định về các hành động, quy tắc ứng xử trên môi trường số.

Tiêu chí 1.2: xây dựng và ban hành các kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến (bao gồm hoạt động dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp, dạy học tích hợp công nghệ số trên lớp học) hàng năm; kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hàng năm.

Tiêu chí 1.3: xây dựng chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ liên quan công tác chuyển đổi số của trường.

Tiêu chí 1.4: kế hoạch sử dụng ngân sách phục vụ công tác chuyển đổi số tại trường.

Tiêu chí 1.5: ban hành các quyết định thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại trường; Ban biên tập, quản trị nội dung Cổng thông tin điện tử; Ban chỉ đạo, tổ công tác tổ chức dạy học trực tuyến và xây dựng học liệu số tại đơn vị.

2. Cơ sở vật chất, hạ tầng số: đánh giá việc trường thực hiện đảm bảo trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và các công nghệ cần thiết để hỗ trợ dạy, học hiệu quả trong thời đại số. Bao gồm trang bị đầy đủ thiết bị trong phòng học, xây dựng và vận hành các hệ thống quản lý và lưu trữ dữ liệu phục vụ cho các hoạt động học tập và giảng dạy trên môi trường số, gồm các tiêu chí sau:

Tiêu chí 2.1: Cơ sở vật chất
a) Tỉ lệ phòng học được trang bị đầy đủ thiết bị trình chiếu, máy tính cho

giáo viên và đảm bảo kết nối mạng Internet.

b) Tỉ lệ nhân sự, học sinh có trang thiết bị hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động trên môi trường số.

c) Đáp ứng yêu cầu thiết bị dạy tin học theo định hướng chuẩn quốc tế.

d) Phòng studio xây dựng học liệu số.

đ) Phòng học số.

e) Phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại, phòng STEM/STEAM, phòng thí nghiệm ứng dụng mô phỏng VR/AR.

Tiêu chí 2.2: Hạ tầng số

a) Hệ thống thư viện số, kho học liệu số.

b) Hệ thống mạng có dây cung cấp Internet đến toàn bộ các thiết bị trong trường (trừ các thiết bị liên quan đến bí mật nhà nước), mạng không dây phủ sóng toàn trường và đáp ứng yêu cầu truy cập của trường.

c) Dịch vụ lưu trữ đám mây phục vụ công tác lưu trữ, chia sẻ tài nguyên.
d) Máy tính trang bị phần mềm diệt virus và cài đặt hệ điều hành bản quyền.

3. Dữ liệu số: đánh giá việc quản lý, đảm bảo dữ liệu học sinh, nhân sự, trường học, cơ sở vật chất, học liệu số đạt yêu cầu “đúng, đủ, sạch, sống” làm nền tảng cho các hoạt động tổng hợp, phân tích, thống kê, báo cáo và hỗ trợ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, gồm tác tiêu chí sau:

Tiêu chí 3.1: tỉ lệ hoàn thành hồ sơ học sinh, nhân sự, trường học, cơ sở vật chất, học liệu số.

Tiêu chí 3.2: tỉ lệ xác thực dữ liệu học sinh, nhân sự với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tỉ lệ nhân sự có VNeID mức độ 2; tỉ lệ học sinh có căn cước, VNeID theo độ tuổi quy định.

Tiêu chí 3.3: triển khai công cụ thu thập dữ liệu hành vi của người dùng trên các hệ thống; cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh hoạt động thường xuyên trên các hệ thống của đơn vị.

Tiêu chí 3.4: phần mềm, hệ thống được kết nối với cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành GDĐT Thành phố.

Tiêu chí 3.5: phần mềm, hệ thống đăng nhập thông qua Single Sign-On (SSO).

4. Nhân lực số: đánh giá công tác đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết và được phân công tham gia hoạt động trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, gồm các tiêu chí sau:

Tiêu chí 4.1: tỉ lệ nhân sự tham gia bồi dưỡng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin.

Tiêu chí 4.2: tỉ lệ nhân sự được phân công chuyên trách, kiêm nhiệm công tác công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Tiêu chí 4.3: nhân sự chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về quản trị mạng, an toàn an ninh thông tin tại đơn vị.

Tiêu chí 4.4: tỉ lệ giáo viên tổ chức dạy học và hoạt động dạy học kết hợp trực tuyến, trực tiếp trên trên các hệ thống quản lý học tập (LMS).

Tiêu chí 4.5: tỉ lệ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên xây dựng, đóng góp học liệu cho kho học liệu số dùng chung.

5. Quản trị và điều hành số: đánh giá hiệu quả công tác quản lý thông qua việc giảm thiểu các quy trình thủ công; tích hợp các hệ thống thông tin trong trường học nhằm tạo ra môi trường làm việc thống nhất; triển khai hiệu quả các dịch vụ, thủ tục trên môi trường số; quản trị và điều hành dựa trên công nghệ, gồm các tiêu chí sau:

Tiêu chí 5.1: triển khai hệ thống văn phòng điện tử.

Tiêu chí 5.2: giải pháp triển khai các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của trường trên môi trường số. Tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của trường được giải quyết trên môi trường số.

Tiêu chí 5.3: triển khai cổng thông tin điện tử tại trường.

Tiêu chí 5.4: triển khai hệ thống quản trị nhà trường với đầy đủ các phân hệ quản lý nhân sự; quản lý học sinh; tuyển sinh đầu cấp; thu phí dịch vụ giáo dục không dùng tiền mặt; quản lý cơ sở vật chất, thiết bị; quản lý hồ sơ kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý thi đua khen thưởng; quản lý kết nối giữa gia đình và nhà trường, nhà trường và xã hội; quản lý thông tin y tế trường học, sức khoẻ học sinh.

Tiêu chí 5.5: triển khai các giải pháp đọc căn cước công dân trong nghiệp vụ, hoạt động cần định danh cá nhân tại đơn vị. Có triển khai ứng dụng điểm danh, quản lý học sinh qua ứng dụng công nghệ AI (nhận diện khuôn mặt, hành vi, ...).

6. Giáo dục số: đánh giá việc thực hiện tăng cường triển khai mô hình học tập kết hợp giữa phương pháp dạy học trực tiếp và trực tuyến thông qua môi trường số, gồm các tiêu chí sau:

Tiêu chí 6.1: triển khai hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) và đảm bảo đầy đủ các chức năng.

Tiêu chí 6.2: triển khai hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (LCMS) và đảm bảo đầy đủ các chức năng.

Tiêu chí 6.3: yêu cầu về số lượng/chất lượng/chủng loại học liệu số.

Tiêu chí 6.4: tỉ lệ học sinh tham gia vào các hoạt động giáo dục trực tuyến.

Tiêu chí 6.5: tỉ lệ giáo viên xây dựng bài giảng tương tác cho môn học/hoạt động giáo dục. Tỉ lệ môn học xây dựng các hoạt động giáo dục trên các hệ thống dạy học trực tuyến.

Tiêu chí 6.6: tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh thường xuyên bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống LMS; tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ trên máy tính, phần mềm có kết nối với hệ thống quản trị nhà trường.

Tiêu chí 6.7: triển khai trong tiết học các nội dung số, nền tảng số, công cụ số; các nội dung số cần ứng dụng công nghệ AI, AR/VR.

Tiêu chí 6.8: xây dựng, tổ chức dạy các chương về AI, kỹ năng số/công dân số trong nhà trường.

"Bộ tiêu chuẩn công nhận Trường học số trên địa bàn TP.HCM" có phụ lục hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn trường học số. Trong đó, tiêu chuẩn "Thể chế số" với những điều kiện bắt buộc và 5 tiêu chuẩn còn lại, trường học được chấm điểm dựa trên các tiêu chí cụ thể, mỗi tiêu chuẩn có số điểm tối đa là 200.

Đặc biệt, UBND TPHCM cũng ban hành phụ lục quy định về phòng studio xây dựng học liệu số; phòng học số (di động hoặc cố định); phòng thí nghiệm hiện đại, phòng thí nghiệm STEAM, ứng dụng thí nghiệm mô phỏng.

HOÀNG NGUYỄN