Giáo dục

Nhà sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab đánh giá cao sự phát triển năng động của TP.HCM

Đỗ Phương 06/10/2024 - 15:52

Sáng 6/10, UBND TP.HCM đã tổ chức chương trình talkshow truyền cảm hứng giữa giới trẻ với giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Chương trình nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần 5 năm 2024 (HEF 2024).

Với chủ đề: “Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”. Sự kiện diễn ra tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM thu hút đông đảo sinh viên từ các trường Đại học tại TP.HCM.

Phát biểu tại chương trình, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Thành phố đang trên đà thực hiện mục tiêu kép là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng. Do đó, chủ đề trao đổi hôm nay rất thiết thực vì thông qua hoạt động đối thoại này sẽ góp phần đưa ra các giải pháp cần cho sự phát triển của thành phố".

z5901828611924_72098136b3648abcf36da01a71cae2da.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Đỗ Phương

Thông qua Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR), TP.HCM mong muốn học hỏi, áp dụng thành tựu khoa học xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng TP.HCM thành thành phố toàn cầu, học tập, là trung tâm đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á và châu lục.

“Hơn ai hết, thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam. Mỗi bước đi của các bạn, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vào sự thịnh vượng chung. Đất nước đang cần những cá nhân có bản lĩnh, có trí tuệ và lòng yêu nước để xây dựng và đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng trong tương lai”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định

Trong chương trình, giáo sư Klaus Schwab đã chia sẻ bức tranh tổng quan về nền kinh tế tri thức (KTTT) gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới và tại Việt Nam. Qua đó nhìn nhận những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam trong việc phát triển nền KTTT.

z5901809005587_09600f4ee7ff6899ae8ef32146e9044c.jpg
Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới nói chuyện với doanh nghiệp trẻ TP.HCM. Ảnh: Đỗ Phương

“Việc xây dựng và phát triển nền KTTT không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết, cần tiến hành song song, gắn liền với quá trình chuyển đổi công nghiệp, nhằm trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để nắm bắt cơ hội và đối mặt với thách thức của thời đại", Giáo sư Klaus Schwab khẳng định.

Qua đó, giáo sư Klaus Schwab đánh giá cao sự phát triển năng động của TP.HCM, hân hạnh là một phần trong sự phát triển của TP.HCM, Trung tâm C4IR là cơ hội để WEF và TP.HCM có cơ hội tăng cường hợp tác, đặc biệt trong việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và chuyển đổi xanh. Nhân dịp này, ông Schwab bày tỏ mong muốn lãnh đạo TP.HCM đến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos năm 2025.

Cùng tham dự đối thoại, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết những chia sẻ của giáo sư Klaus Schwab sẽ giúp giới trẻ tiếp cận tầm nhìn của một chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu về KTTT. Giới trẻ TP hiểu rõ hơn vai trò của nguồn nhân lực, của công nghệ trong sự phát triển kinh tế. Đồng thời, là cơ hội để sinh viên và doanh nhân trẻ nắm bắt những cơ hội toàn cầu, giúp giới trẻ Việt Nam kết nối với thế giới và ngược lại trong xu thế phát triển của nền KTTT.

z5901807339448_0760261453aaedbe2942600f404c5094.jpg
Lãnh đạo TPHCM chụp hình lưu niệm cùng Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF. Ảnh: Đỗ Phương

Giáo sư Klaus Schwab - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF - là bậc thầy nổi tiếng về kinh tế học và khoa học kỹ thuật (KHKT), người đã tạo nên những thay đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội toàn thế giới thông qua tổ chức WEF. Việc TP tổ chức thành công HEF 2024, cũng như sự ra đời của Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM là cơ duyên lớn để giáo sư Klaus Schwab trở lại thăm Việt Nam sau 15 năm, và đồng ý làm diễn giả trong talkshow truyền cảm hứng.

Đỗ Phương