Y học

Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO: Chú trọng nghiên cứu khoa học và đào tạo bác sĩ trẻ

Võ Liên 05/10/2024 - 05:21

Hơn 23 năm hình thành và phát triển, Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO được định vị là bệnh viện tư chuyên điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp. Tại đây, hội đồng khoa học giữ vai trò tư vấn chuyên môn cho sự định hình và phát triển của bệnh viện.

bs-le-chi-dung-4-10(1).jpg
PGS.TS.BS Lê Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO.

Ở tuổi lên 10 của Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận (thuộc Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO), Tạp chí Khoa học phổ thông có buổi trò chuyện với PGS.TS.BS Lê Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO, về vai trò của hội đồng này.

Lấy người bệnh làm trung tâm

Phóng viên: Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận đã đạt những thành tựu gì trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình, thưa bác sĩ?

- PGS.TS.BS Lê Chí Dũng: Tại Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận cũng như trong Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO, nhiệm vụ cơ bản của bệnh viện là chăm sóc sức khỏe và điều trị cho bệnh nhân gặp các vấn đề cơ xương khớp, trong đó có mảng về chấn thương, gãy xương và các bệnh lý khác. Song song đó, bệnh viện cũng chú trọng vào nghiên cứu khoa học, đồng thời tham gia các công tác giảng dạy.

Trong môi trường của bệnh viện, mục tiêu hàng đầu là thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân. Bệnh nhân của Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận tương đối đa dạng, chia làm 3 mảng chính: (1) gãy xương, trật khớp của tứ chi và cột sống bao gồm chấn thương do thể thao như đứt dây chằng gối, cổ chân (y học thể thao là một mảng chuyên ngành lớn đang phát triển); (2) bệnh lý: viêm nhiễm, thoái hóa khớp, u bướu, loãng xương, rối loạn nội tiết…; (3) chăm sóc sức khỏe cơ xương khớp người nhiều tuổi.

Ngoài ra, bệnh viện còn điều trị các ca chấn thương, gãy xương, bệnh lý cơ xương khớp ở trẻ em, với cách điều trị rất khác biệt vì "trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ",...

Bệnh viện thăm khám, tư vấn, điều trị cho người bệnh theo lộ trình cá nhân hóa. Ở mỗi lứa tuổi đều có một bài học riêng trong vấn đề chăm sóc xương khớp. Ở lứa tuổi học sinh, các cháu phải ngồi học ngay ngắn, thường xuyên tập thể dục, tham gia các hoạt động thể thao thích hợp cho tuổi trẻ để phát triển cơ thể. Đối với người trong lứa tuổi lao động, phải lao động đúng cách, đặc biệt phải tập thể dục giữa giờ. Việc tập thể dục giữa giờ giúp máu lưu thông để nuôi dưỡng các tế bào, đồng thời loại bỏ chất thải, làm sạch môi trường sống của tế bào, từ đó tế bào xương, khớp khỏe mạnh. Đối với người già phải tập thể dục, thể thao, tránh béo phì, té ngã,...

Trong những năm qua, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận đã phối hợp điều trị thành công cho bệnh nhân như thế nào? Bác sĩ có thể chia sẻ một vài trường hợp ấn tượng?

- Những năm qua, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận thăm khám, điều trị cho nhiều đối tượng bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp là người bệnh lớn tuổi, gãy xương kèm theo nhiều bệnh lý nền phức tạp, đó là một thách thức lớn với bệnh viện. Dù vậy bệnh viện vẫn tiếp nhận và nỗ lực điều trị, giúp người bệnh hồi phục. Các bác sĩ tại bệnh viện đã tập trung cùng nhau bàn bạc kĩ, giải quyết từng trường hợp một, từ đó có kinh nghiệm điều trị những trường hợp khó.

Nếu để nói về một ca bệnh điển hình thì khó để kể vì gần như mỗi bác sĩ đều có ca thành công của riêng mình. Chúng tôi thường đề nghị ban giám đốc và hội đồng quản trị thưởng cho bác sĩ thực hiện tốt những ca khó để khích lệ họ.

Cho tới nay, Bệnh viện Sài Gòn ITO vẫn tự hào là đơn vị điều trị chuyên sâu cho những trường hợp gãy xương, bệnh lý cơ xương khớp ở người già, người mắc các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường,… Thời gian qua, nhiều người bệnh đã tìm đến bệnh viện để được khám, điều trị, hầu hết đều thành công.

bs-le-chi-dung-4-10.jpg
PGS.TS.BS Lê Chí Dũng thăm khám bệnh nhân.

Tôi còn nhớ, một nữ bệnh nhân (94 tuổi, TP.HCM) bị gãy cổ xương đùi, được chuyển tới bệnh viện khi chỉ còn cách Tết Nguyên Đán khoảng nửa tháng, người bệnh gặp tai nạn té ngã trong lúc trang hoàng nhà cửa. Khi vào bệnh viện gặp tôi, bệnh nhân bày tỏ ước muốn được chữa trị kịp thời để về nhà đón Tết. Nhưng khi làm các xét nghiệm tầm soát, chúng tôi phát hiện bà có có nhiều bệnh nền như: thiếu máu cơ tim, tiểu đường,... Lúc đó, tôi phải hội chẩn cùng với các bác sĩ nội khoa về tim mạch, tiểu đường, gây mê hồi sức,... để tìm ra giải pháp điều trị tối ưu, cân nhắc sử dụng thuốc gì, gây mê hay gây tê,… Mọi thứ được tính toán cẩn thận và chính xác để phẫu thuật nhanh nhất có thể. Nhờ bàn bạc và chuẩn bị kỹ lưỡng, cuộc mổ diễn ra suôn sẻ. đúng như mong ước của gia đình và tôi là kịp để bệnh nhân hồi phục, về nhà ăn tết.

"Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO kiên trì với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm. Trong đó, bác sĩ phải chú ý đến những diễn biến về mặt tâm sinh lý của bệnh nhân, đồng thời dựa trên nền bệnh lý của bệnh nhân để có biện pháp, kế hoạch giúp họ sớm trở lại sinh hoạt bình thường. Các bệnh nhân được sắp xếp nằm cùng phòng với các bệnh nhân có tinh thần tích cực, phục hồi tốt để từ đó tạo động lực cho bệnh nhân tập đi lại sớm".

PGS.TS.BS Lê Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO - chia sẻ.

Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận có trung tâm điều trị đau. Trung tâm này có đặc thù như thế nào trong lĩnh vực cơ xương khớp?

- Người gặp phải chấn thương hay mắc các bệnh lý cơ xương khớp luôn luôn có triệu chứng đau. Đau thì đa dạng, đau là cảm nhận mang tính chủ quan của từng cá nhân. Đối với người Việt Nam, chữ đau được nâng lên gần như bằng chữ bệnh. Như vậy, mình phải làm cho bệnh nhân hết đau.

Xét rộng hơn, theo Tổ chức Y tế Thế giới, đau còn liên quan đến nhân quyền. Mọi người đều có quyền hết đau. Trong tất cả các chấn thương và bệnh lý cơ xương khớp đều có đau. Như vậy, bác sĩ phải làm sao cho hết đau.

Đau rất đa dạng, ảnh hưởng tới tâm lý, nội tiết, do đó cần phải có một trung tâm, trong đó có những bác sĩ chuyên về lĩnh vực đau để giảm đau cho bệnh nhân. Trung tâm đau của bệnh viện thành lập trên cơ sở như vậy.

Trung tâm được thành lập ngay sau khi Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận ra đời với các bác sĩ gây mê hồi sức, nội khoa,.. Sau đó, bệnh viện phối hợp tổ chức hội thảo với các chuyên gia điều trị giảm đau của Đại học Harvard. Thời gian qua, trung tâm này phát triển tương đối tốt.

Chú trọng công tác đào tạo bác sĩ trẻ

Từng tham gia giảng dạy, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng ở các bệnh viện lớn, thời điểm nào ông chọn về làm việc tại Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO? Và vì sao ông lại chọn công tác tại Bệnh viện SAIGON-ITO mà không phải nơi khác?

Trước khi chính thức về Bệnh viện Sài Gòn ITO, tôi đã có cộng tác một thời gian, nên biết được hoạt động của bệnh viện. Dù trước đó, tôi có nhiều lời mời hợp tác từ nhiều bệnh viện khác nhưng vẫn chọn về Bệnh viện SAIGON-ITO bởi đơn giản tôi người muốn làm việc trong phạm vi chuyên môn của mình, giúp đỡ cho bệnh nhân, tiếp tục công việc đào tạo giảng dạy cho thế hệ trẻ. Sau khi nghỉ hưu, từ năm 2013, tôi chọn về Bệnh viện SAIGON-ITO.

Điều quan trọng nhất là tôi nhìn thấy được tâm huyết của các anh chị trong hội động quản trị. Là những nhà đầu tư vào môi trường y tế, ban lãnh đạo chú trọng vấn đề chuyên môn, đào tạo mang lại lợi ích tốt nhất vì sức khỏe người bệnh. Dù ở vị thế lãnh đạo, các anh chị luôn đối xử tốt với mọi người và trân trọng từng thành quả lao động. Tôi nhận ra được sự trân trọng đó, nên quyết định làm việc tại bệnh viện này.

Tại đây, các bác sĩ phục vụ hết mình vì người bệnh, không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng. Tinh thần học hỏi đó rất đáng trân trọng, vì vậy tôi nghĩ mình cần giúp các bạn phấn đấu để đi lên. Các điều dưỡng, hộ lý làm việc chuyên nghiệp, ai cũng mong muốn phát triển bản thân nên đáng quý. Khi tôi về đây cũng có tâm nguyện góp phần xây dựng tập thể y bác sĩ gắn bó với nhau cùng làm việc.

Hằng năm, vào dịp đầu năm, tôi thường được giao nói về định hướng phát triển của năm đó. Chẳng hạn, vào năm con hổ, tôi sẽ nói về đặc tính của hổ. Con hổ dũng mãnh, nhưng săn mồi một mình làm sao đạt được thành công. Học theo đó, anh em phải rèn luyện kĩ năng tác chiến sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, chung quy lại, tập thể của Bệnh viện SAIGON-ITO đang đi chung một con thuyền, mà để tồn tại và phát triển, mọi người phải đoàn kết. Do đó, việc phát triển yếu tố cá nhân phải gắn liền với việc duy trì sự đoàn kết. Có như thế, toàn bệnh viện mới có thể phát triển bền vững.

Trước khi tôi về, nhiều bác sĩ chưa nghĩ tới việc đi học thêm. Năm 2015, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận chỉ có 16 bác sĩ, nhưng đến năm 2023, số bác sĩ đã tăng lên 32. Trong đó, tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa II đã tăng từ 2 lên 10; thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I từ 12 tăng lên 18. Bên cạnh đó, số điều dưỡng có trình độ đại học đã từ 0 vào năm 2015 tăng lên 31 vào năm 2023, trong khi điều dưỡng trình độ cao đẳng cũng tăng từ 2 lên 27.

Có thể nói, khi nhìn về tương lai của bệnh viện là nhìn về đội ngũ nhân viên y tế, trong đó xem hệ thống bác sĩ và điều dưỡng đều được đào tạo bài bản.

Hội đồng khoa học Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO đã hoạt động như thế nào? Hội đồng khoa học có vai trò như thế nào tại bệnh viện, ai sẽ được tham gia vào? Đã có những thành tựu gì?

- Tại Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO, đội ngũ hội đồng khoa học được dẫn dắt bởi TS.BS Nguyễn Vĩnh Thống - Chủ tịch hội Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy; TS Lê Phúc nguyên Chủ tịch Hội Thay khớp khu vực Đông Nam Á (2010 - 2015) và tôi. Ngoài ra còn có các anh chị trong ban giám đốc, các trưởng khoa, bác sĩ là thư ký chuyên trách,...

Hoạt động của hội đồng khoa học tương đối đa dạng. Trước hết là tư vấn cho hội đồng quản trị, ban giám đốc về sự định hình, phát triển của hệ thống bệnh viện trong tương lai. Hằng năm, luôn có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.

Về nhân sự, thứ nhất xây dựng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, trong đó có vấn đề về đào tạo, thành lập tổ chuyên khoa sâu về thay khớp, nội soi, cột sống,... Thứ hai là chú trọng đào tạo, tạo điều kiện để bác sĩ học lên chuyên khoa II, tiến sĩ, học thêm ở nước ngoài trong những năm tới.

Bên cạnh đó, hội đồng khoa học cũng xây dựng, hoàn chỉnh các phác đồ điều trị để chuẩn hóa các vấn đề nội khoa cho tới ngoại khoa, từ đó tạo ra một quy trình thống nhất. Đồng thời, xây dựng về cung cách phục vụ của bác sĩ.

Hằng năm, bệnh viện tổ chức thi bác sĩ giỏi cho các bác sĩ trẻ. Mỗi năm, bệnh viện có một chủ đề thi khác nhau. Chẳng hạn, bệnh viện muốn góp phần phục vụ bệnh nhân về phong cách của bác sĩ trong tiếp xúc với bệnh nhân nên đã tổ chức thi cách tư vấn của bác sĩ cho bệnh nhân về mổ hay điều trị nội khoa. Từ đó, người bệnh hiểu và hợp tác điều trị. Một chủ đề khác như bình bệnh án, mục tiêu là ngoài vấn đề chuyên môn còn rèn luyện cho các bác sĩ, tác phong nghề nghiệp, cách thức trình bày một bài khoa học.

Ngoài ra, hội đồng khoa học cũng tổ chức 2 tuần một lần để bác sĩ trình bày chủ đề mới, khuyến khích sử dụng ngoại ngữ để nâng cao trình độ. Không chỉ vậy, hằng năm, hội đồng khoa học tổ chức hội nghị mời các chuyên gia nước ngoài, các bệnh viện khác tham gia, tiếp thu các đề tài hay và mới, trên cơ sở đó, rèn luyện cho các bác sĩ qua các hội nghị trong và ngoài nước.

Hiện tại, Bệnh viện SAIGON-ITO có cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia đông đảo, sự phát triển này có ý nghĩa như thế nào?

- Ngoài cơ sở vật chất, bệnh viện muốn phát triển phải có tay nghề cao, đoàn kết lẫn nhau. Chẳng hạn, trong giao ban mỗi buổi sáng, tất cả những trường hợp ca mổ nhỏ hay lớn đều phải trình bày lại. Từ đó, các bác sĩ nhìn ưu điểm, khuyết điểm để hoàn thiện hơn trong vấn đề khám, chữa bệnh và tự học tập lẫn nhau. Do đó, tay nghề được nâng cao lên từng ngày và thông tin minh bạch hơn.

Hơn thế nữa, các bác sĩ phải có tình cảm gắn bó với hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO - điều này quan trọng vì chúng ta cùng trên một con thuyền nên phải cùng chèo chống để đi lên. Con thuyền đi lên, bản thân đi lên, từ đó bác sĩ cùng Bệnh viện SAIGON-ITO sẽ đi lên. Vì vậy, thời gian qua, gần như các bác sĩ làm việc tại bệnh viện gắn bó rất lâu, hiếm trường hợp nào xin đi khỏi bệnh viện. Như vậy, tập thể ngày càng gắn bó cùng chuyên môn ngày càng giỏi, chắc chắn hệ thống bệnh viện sẽ phát triển.

Dịch vụ từ tâm

Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO nói chung, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận nói riêng sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?

- Trong thời gian tới, hệ thống tiếp tục có hai bệnh viện hoạt động song song và hợp nhất. Mong muốn của tôi là tham gia điều trị tất cả những chấn thương, bệnh lý cơ xương khớp của người lớn cũng như trẻ em.

Xét về chuyên môn chấn thương chỉnh hình, bệnh viện đều có thể thực hiện điều trị các mặt bệnh nhưng số giường bệnh còn hạn chế. Tương lai, bệnh viện sẽ có thêm khoa chuyên điều trị bệnh lý về chấn thương, gãy xương; khoa bệnh lý cột sống vì bệnh lý cột sống ngày càng đông, con người ngày càng lớn tuổi, mắc bệnh lý liên quan tới tuổi già, thoái hóa; khoa chỉnh hình nhi; khoa chuyên về bệnh lý viêm nhiễm, các khối u; đặc biệt là khoa nội chuyên về khớp, sâu hơn là chuyên về chăm sóc người cao tuổi.

bs-le-chi-dung-tham-kham-benh-nhan.jpg
Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO kiên trì với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm.

Hiện nay, các kỹ thuật điều trị trong ngành chấn thương chỉnh hình Việt Nam nói chung, bệnh viện nói riêng đều có thể làm được, thậm chí nhanh hơn, tốt hơn, chi phí thấp hơn ở nước ngoài. Tuy nhiên, ở nhiều nước, nhờ chất lượng phục vụ tốt nên người bệnh hài lòng dù có thể hóa đơn thanh toán khổng lồ. Do đó, Bệnh viện SAIGON-ITO cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ bên cạnh chuyên môn, để từ đó bệnh nhân yên tâm điều trị.

Cuối cùng, ông có lời gì nhắn nhủ cho đội ngũ trẻ khi Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận tròn 10 tuổi?

- Đối với lực lượng trẻ, tôi mong muốn các bạn luôn giữ lửa trong trái tim để phục vụ cho bệnh nhân. Muốn phục vụ tốt cho bệnh nhân, phải luôn học tập, bác sĩ xem mình là sinh viên, học tập suốt đời để nâng cao tay nghề về chuyên môn, kỹ năng, kỹ thuật nghệ thuật giao tiếp,... Nghề y có đối tượng là người bệnh nên nghệ thuật giao tiếp đóng vai trò quan trọng.

Đối với bác sĩ trẻ, cần luôn xây dựng mục tiêu của cuộc sống, trong từng giai đoạn như 5-10 năm. Đi cùng với mục tiêu là lên kế hoạch cụ thể để hoàn thành từng bước. Bên cạnh đó, tôi mong muốn các bác sĩ lấy tinh thần phục vụ bệnh nhân làm trọng tâm, qua đó sẽ có được hạnh phúc và được bệnh nhân tin yêu, lựa chọn.

Bản thân bác sĩ phải làm công tác nghiên cứu khoa học, luôn luôn có tinh thần sáng tạo tìm ra cái mới, từ đó góp phần xây dựng bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, các bác sĩ ít nhiều phải truyền đạt kinh nghiệm về chuyên môn cho lớp trẻ sau, bởi đào tạo không chỉ trong trường đại học mà còn trong bệnh viện.

Tôi hi vọng người trẻ sẽ giỏi hơn những người thầy, người đi trước - đó cũng là tâm nguyện của tôi.

Xin cảm ơn PGS.TS.BS Lê Chí Dũng.

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Lê Chí Dũng hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học Hệ thống Bệnh viện SAIGON-ITO.

Ông là nguyên Trưởng Khoa Bệnh học cơ-xương-khớp, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.

Bên cạnh đó, PGS.TS.BS Lê Chí Dũng từng tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM và Trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ở nhiều bộ môn như Chấn thương chỉnh hình, Giải phẫu bệnh,…

Ngoài ra, ông là nguyên Chủ tịch Hội Nội soi Cơ xương khớp TP.HCM; nguyên Chủ tịch Hội Nội soi khớp Đông Nam Á; nguyên Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.

Võ Liên