Tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị hở van động mạch phổi
Hở van động mạch phổi (PVR), một trong bệnh lý thường gặp nhưng ít được chú ý và chưa được đề cập nhiều trong các hội nghị chuyên ngành.
Vừa qua, tại Tuần lễ cập nhật kiến thức y khoa liên tục 2024 do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BVĐHYD) tổ chức, chủ đề Tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị hở van động mạch phổi , là một trong những đề tài được báo cáo tại hội nghị, nhằm nhấn mạnh những bước tiến mà ngành y tế Việt Nam đang thực hiện trong việc cải thiện chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp.
Phát hiện giai đoạn sớm ngăn ngừa tình trạng suy tim
Hở van động mạch phổi xảy ra khi van động mạch phổi trong tim không đóng kín hoàn toàn giữa các nhịp đập, khiến máu trào ngược qua van theo hướng ngược lại. Khi dòng hở nhỏ, tình trạng này thường không gây ra vấn đề gì.
Tuy nhiên, khi hở van động mạch phổi ở mức độ trung bình hoặc nặng, nó có thể làm hư hại tâm thất phải và gây suy tim phải, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng trong điều trị .
TS. BS. Cao Đằng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em, BVĐHYD nhìn nhận, trong lĩnh vực tim mạch, hở van động mạch phổi (PVR) là một tình trạng bệnh thường gặp nhưng hiện ít được chú ý của các bác sĩ lâm sàng, dẫn đến việc phát hiện và điều trị trễ.
Chính lý do trên, BVĐHYD đã chủ động triển khai các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến để chẩn đoán sớm và có phương án điều trị phù hợp.
Bằng cách, sử dụng các phương pháp như siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI), và thử nghiệm gắng sức tim phổi (CPET), bệnh viện đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc phát hiện sớm và điều trị PVR.
“Chẩn đoán sớm là yếu tố quyết định sự thành công của điều trị. Do đó, chúng tôi luôn cố gắng phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất để ngăn ngừa tình trạng suy tim phải không thể hồi phục, một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của PVR", TS BS. Cao Đằng Khang nhấn mạnh.
Bước tiến lớn trong điều trị PVR tại Việt Nam
TS BS. Cao Đằng Khang cho biết, việc áp dụng phương pháp thay van động mạch phổi qua da (PPVI), đánh dấu một bước tiến lớn trong điều trị PVR tại Việt Nam.
Kỹ thuật này cho phép thay thế van động mạch phổi bị bệnh thông qua một vết mổ nhỏ ở vùng bẹn, thay vì phải phẫu thuật mở ngực kinh điển. Quy trình này ít xâm lấn hơn, giảm thời gian nằm viện và giảm thiểu các biến chứng sau phẫu thuật.
TS BS. Cao Đằng Khang chia sẻ: “Phương pháp thay van động mạch phổi qua da đã mở ra thêm một chọn lựa mới trong quản lý PVR. Chúng tôi đã thực hiện thành công nhiều ca và đã thấy những cải thiện đáng kể trong chất lượng cuộc sống của người bệnh".
Phương pháp điều trị PVR
Theo TS. BS Cao Đằng Khang, hiện nay tại BVĐHYD TP.HCM đang triển khai hai phương pháp điều trị chính cho PVR là phẫu thuật thay van và phương pháp can thiệp thay van động mạch phổi qua da.
Phương pháp phẫu thuật thay van động mạch phổi là phương pháp thường quy, sử dụng van nhân tạo, có thể áp dụng cho hầu như tất cả các dạng giải phẫu và có thể cùng lúc xử lý các tổn thương kèm theo như hở van ba lá, hẹp nhánh động mạch phổi… nhưng có những rủi ro nhất định vì người bệnh cần phải gây mê và dùng máy tim phổi nhân tạo khi mổ.
Phương pháp thay van động mạch phổi qua da, được áp dụng gần đây. Ưu điểm, ít xâm lấn và cho phép hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, phương pháp này có thể không áp dụng được cho một số dạng giải phẫu phức tạp, chi phí cao và yêu cầu trình độ tay nghề của đội ngũ bác sĩ can thiệp.
Tại BVĐHYD, tỷ lệ thành công của cả hai phương pháp phẫu thuật và can thiệp là ngang tầm với các trung tâm tim mạch lớn trên thế giới, cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong chăm sóc y tế tại Việt Nam.
TS. BS Cao Đằng Khang cho rằng, quản lý hở van động mạch phổi đòi hỏi bác sĩ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc chẩn đoán sớm và chọn phương pháp điều trị tối ưu, yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên khoa như nội tim mạch, tim mạch can thiệp, chẩn đoán hình ảnh tim mạch và phẫu thuật/can thiệp tim mạch.
Tầm quan trọng của hội chẩn và thảo luận nhóm để đưa ra quyết định điều trị tốt nhất cho từng bệnh nhân. Điều trị chuyên sâu đồng thời phối hợp các chuyên khoa để có kế hoạch toàn diện, cá thể hóa điều trị từng trường hợp.
"Khoa Phẫu thuật tim bẩm sinh cũng dự định phát triển đơn vị chuyên biệt về Bệnh tim bẩm sinh ở người lớn, nhằm cải thiện chăm sóc sức khỏe suốt đời cho người bệnh", BS. Cao Đằng Khang cho biết thêm.
Hở van động mạch phổi là tình trạng rất phổ biến, xảy ra ở khoảng từ 30% đến 75% dân số. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp hở van đều quá nhỏ để phát hiện ra các triệu chứng. Đa số người bệnh không hề biết mình mắc phải tình trạng này trừ khi họ thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh.