Kinh doanh

Khai mạc Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024

HOÀNG NGUYỄN 26/09/2024 - 13:29

Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024 với chủ đề “Kết nối trách nhiệm – Hướng đến Chuỗi cung ứng xanh” có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Sáng 26/9, Sở Công thương TP.HCM tổ chức khai mạc "Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024" tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (số 1 Lữ Gia, Phường 15, Quận 11).

Hội nghị có sự tham dự của ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM; lãnh đạo một số các tỉnh thành, các sở ngành, đại diện hợp tác xã và doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sau 12 năm tổ chức, hội nghị từng bước phát triển về quy mô, hoàn thiện về phương thức tổ chức; trở thành hoạt động xúc tiến định kỳ hàng năm của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung… là các địa phương tham gia xuyên suốt trong nhiều năm qua.

Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hàng Việt

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kích cầu tiêu dùng trong nước, ngành công thương đã tích cực kết nối để lưu thông, trao đổi hàng hóa trong nước; gỡ khó cho doanh nghiệp. Trong đó, Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024 có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển kinh tế của TP.HCM và các tỉnh, thành trong cả nước nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024, đồng thời triển khai nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới; hoàn thiện sản xuất trong nước.

ong-truong-thanh-hoai.jpg
Ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu.

Qua nhiều năm triển khai thực hiện từ năm 2022 đến nay, hội nghị ngày càng mở rộng, hàng hóa dồi dào, doanh nghiệp tham gia càng đông đảo, 700 gian hàng của hơn 2.000 doanh nghiệp, tạo cơ hội cho bên mua - bên bán, góp phần hình thành chuỗi cung ứng bền vững. Bên cạnh đó, hội nghị ngày càng đổi mới, triển khai các phương thức hiệu quả cao, giải quyết hiệu quả các vấn đền phát sinh trong hoạt động thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh thành; giúp doanh nghiệp tham gia tìm hiểu thị trường, tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao với giá cả hợp lý.

"Bộ Công thương luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ triển khai công tác kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường TP.HCM và các tỉnh thành", ông Trương Thanh Hoài khẳng định.

Nhằm phát huy các kết quả đạt được và khắc phục hạn chế tồn tại, đại diện Bộ Công thương, ông Hoài đề nghị UBND các tỉnh, thành phố; các sở công thương trực thuộc trung ương và các doanh nghiệp triển khai lưu ý: Tăng cường triển khai các giải pháp, đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam; đẩy mạnh thương mại điện tử, kết nối cung cầu; tập trung hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm bình chọn thương hiệu vàng, OCOP, nông sản đặc sản, ... đạt tiêu chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi cung ứng xanh.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị Sở Công thương và các đơn vị chức năng chú trọng phối hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa để đảm bảo tiêu chí mà chương trình đặt ra; kết hợp chặt chẽ triển khai kết nối cung cầu với chương trình bình ổn thị trường để tạo nguồn hàng giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường trong nước trước, trong và sau tết Nguyên đán sắp tới

Sự hài lòng của người tiêu dùng là quyết định tất cả

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2023, thành phố tập trung đẩy mạnh và đổi mới phương thức triển khai chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành thuộc 6 vùng miền trên cả nước. Theo đó, chương trình Kết nối cung cầu được nâng cấp trở thành sự kiện cấp vùng, với quyết tâm xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững từ nuôi, trồng, thu hoạch, lưu trữ, sơ chế, chế biến, sản xuất...

ong-vo-van-hoan-phat-bieu.jpg
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu khai mạc hội nghị.

"TP.HCM xác định để xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững cũng như để nâng chất các hoạt động kết nối thì việc kết nối không chỉ dừng lại là kết nối giữa người mua và người bán; mà phải là kết nối nâng cao trách nhiệm (trách nhiệm của nhà cung cấp; trách nhiệm của nhà bán lẻ; trách nhiệm của người tiêu dùng và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước).

Đó cũng chính là do mà TP.HCM chọn chủ đề hội nghị năm nay là 'Kết nối trách nhiệm - Xây dựng chuỗi cung ứng xanh' với nội dung trọng tâm là nhìn lại kết quả sau 6 tháng triển khai chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa với mục tiêu nhằm thay đổi nhận thức từ sản xuất đến phân phối; với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng; mở ra cơ hội phát triển thị trường cho sản phẩm 'Tick xanh trách nhiệm' và ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Và mong muốn của thành phố là không chỉ kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, kết nối trực tuyến 24/24, kết nối xây dựng thương hiệu... mà còn từng bước đặt nền móng để tiến tới chuỗi cung ứng An toàn - Bền vững - Trách nhiệm - Minh bạch", ông Võ Văn Hoan nói.

Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết, sau 12 năm tổ chức, Hội nghị Kết nối cung cầu năm 2024 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 700 gian hàng của hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, đi vào chiều sâu như các hoạt động kết nối B2B trực tiếp, tìm kiếm nguồn hàng của các chợ đầu mối. Hội nghị có sự tham gia của 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử; cùng với các hoạt động kết nối trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử và Không gian trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của 6 vùng miền trên cả nước kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội hợp tác thiết thực và trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng.

livestream.jpg
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM tham quan gian hàng đang Live-stream bán hàng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối, ông Võ Văn Hoan đề nghị Sở Công Thương TP.HCM tập trung các giải pháp sau kết nối. Theo đó, những sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn cần được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ cung ứng; giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho... Đồng thời, phải tổ chức thường xuyên hơn hoạt động kết nối trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp... có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sắc; đặc biệt là giúp doanh nghiệp nhận thức được tiềm năng, cơ hội phát triển thị trường thông qua kênh bán hàng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh, bán hàng thông qua mạng xã hội.

Đối với các doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoan đề nghị phải điều chỉnh phương pháp, cách thức để thích nghi và cần sự thảo luận, cam kết trách nhiệm bởi hoạt động kết nối cung cầu chỉ là khâu ban đầu. "Kết nối trách nhiệm, đã hứa cùng nhau chăm chút một sản phẩm tốt thì phải chăm chút đến cùng; một bên phải lo tư vấn hoàn thiện sản phẩm, nỗ lực đưa sản phẩm đến người tiêu dùng; một bên phải giữ ổn định chất lượng, ổn định sản lượng và không ngừng tiếp thu, nâng cấp sản phẩm. Suy cho cùng, sự hài lòng của người tiêu dùng là quyết định tất cả", Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nhắn nhủ doanh nghiệp.

pho-chu-tich-vo-van-hoan.jpg
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cùng đại biểu thưởng thức đặc sản tại khu vực gian hàng các tỉnh duyên hải miền trung.

Nhiều hoạt động đổi mới phong phú, thực tiễn đối với doanh nghiệp

Với chủ đề “Kết nối trách nhiệm – Hướng đến Chuỗi cung ứng xanh”, "Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024" diễn ra từ ngày 26/9 đến 29/9/2024 tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (số 1 Lữ Gia, Phường 15, Quận 11). Hội nghị năm nay có nhiều hoạt động đổi mới thiết thực, phong phú, thực tiễn đối với doanh nghiệp.

Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đây là nội dung mới, được Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ tháng 3/2024. Chương trình nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường (đại diện là các hệ thống bán lẻ) với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng; qua đó đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu đến các thị trường khó tính.

Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hướng đến chuỗi cung ứng Bền vững - An toàn -Trách nhiệm - Minh bạch; góp phần đổi mới phương thức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam từ “vận động” người tiêu dùng sang “chinh phục” người tiêu dùng. Với ý nghĩa “Nâng trách nhiệm hôm nay - Mạnh thế hệ mai sau”; lãnh đạo TP.HCM, Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP.HCM, Lãnh đạo 8 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam xác định rõ cam kết, quyết tâm vượt mọi rào cản; kiên trì giải pháp nâng trách nhiệm của tất cả các bên.

Hoạt động kết nối B2B trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đến từ các tỉnh, thành trên cả nước: 1 phiên kết nối tập trung ngày 26/9/2024 và 6 phiên kết nối chuyên đề ngày 27/9/2024.

ket-noi-cung-cau.jpg
Khu vực kết nối của doanh nghiệp tại sự kiện.

Hoạt động kết nối năm nay không chỉ dừng lại giai đoạn gặp gỡ giữa các bên; Sở Công Thương tập trung giải pháp “sau kết nối”. Theo đó, những doanh nghiệp có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn sẽ được hỗ trợ hoàn thiện về sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ cung ứng; giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho,… trong giai đoạn đầu.

Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, quy mô tương đương 700 gian hàng với nhiều không gian đặc sắc như: Không gian sản phẩm đặc sắc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải miền Trung; khu gian hàng các địa phương: Long An, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Quảng Nam,…

giang-hang-br-vt.jpg
Một gian hàng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành xem đây là cơ hội trình diễn sản phẩm tiêu biểu của địa phương đến hệ thống phân phối, người tiêu dùng TP.HCM; chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc ngay tại gian hàng. Điển hình như khu vực gian hàng Long An tái hiện không gian nhà tranh, xuồng chở trái cây, khu vực gian hàng Đắk Lắk tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, khu vực gian hàng Đồng Tháp tổ chức các buổi tập huấn và live-stream bán hàng,… Ngoài ra, chiến dịch “Siêu LIVE hàng Việt” được tổ chức từ 9:00 đến 23:00 ngày 26/9, thực hiện 19 phiên live được dẫn dắt bởi 19 nhà sáng tạo nội dung, quảng bá hơn 200 sản phẩm đến từ hơn 45 tỉnh thành.

Năm nay, hội nghị tiếp tục đặt ra yêu cầu hàng đầu là tạo điều kiện thuận lợi để bên mua - bên bán gặp gỡ, kết nối trực tiếp, trực tuyến; chia sẻ thông tin thị trường, tín hiệu thị trường, kinh nghiệm phát triển thị trường, quy chuẩn đưa sản phẩm vào kênh phối hiện đại, phương thức tham gia sàn thương mại điện tử, kênh phân phối truyền thống. Từ đó, góp phần tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, tiết kiệm chi phí tìm kiếm nhà cung ứng của doanh nghiệp phân phối, tiết kiệm chi phí đưa hàng vào kênh phân phối của doanh nghiệp cung ứng.

HOÀNG NGUYỄN