Công nghệ

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là trọng tâm để phát huy vai trò của C4IR

Ngọc Duy - Võ Liên 26/09/2024 - 09:47

Để phát huy tốt vai trò của C4IR cần huy động nguồn lực từ Tập đoàn Công nghệ lớn trong nước phối hợp với vai trò quản lý Nhà nước, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, lấy doanh nghiệp nhỏ và vừa làm trọng tâm.

Đây là chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Giám đốc Viettel Solution, tại hội thảo "Vai trò của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP.HCM gắn với chuyển đổi công nghiệp", sáng 25/9. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024.

z5868101991920_8ce4624284a43f71ae7efec8ac9d5833.jpg
Thượng tá Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Giám đốc Viettel Solution cho rằng, cần lấy doanh nghiệp nhỏ và vừa là trọng tâm để phát huy vai trò của C4IR.

Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Tuấn, tỉ trọng ngành công nghiệp trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng liên tục, đạt khoảng 37,2% vào năm 2023 (so với năm 2016 đạt 27,1%). Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ tại Hội nghị đối thoại hữu nghị lần 2 rằng, Thành phố mốn ngành ngành công nghiệp đạt 40% GRDP vào năm 2030.

Tuy nhiên, với nền công nghiệp hiện tại, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chú trọng vào thâm dụng lao động, tài nguyên, môi trường... Các doanh nghiệp này chưa có nhiều khả năng số hóa dữ liệu, mức độ ứng dụng các công nghệ trong tự động hóa sản xuất còn rất thấp và đặc biệt, phần lớn vẫn chưa trang bị kỹ năng đầy đủ cho người làm động.

Đây cũng là một trong những vai trò, sứ mệnh của Trung tâm C4IR. Để thực hiện tốt vai trò này, Thượng tá Nguyễn Hữu Tuấn đề xuất, cần huy động nguồn lực từ Tập đoàn Công nghệ lớn trong nước phối hợp cùng vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, lấy doanh nghiệp nhỏ và vừa làm trọng tâm.

"Các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cần thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, bắt kịp xu thế công nghệ hiện đại, như ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), mạng di động 5G dùng riêng và giải pháp số hóa và hỗ trợ quá trình sản xuất (MES, MOM, ERP...)", Thượng tá Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng rõ ràng về mục tiêu, tầm nhìn của Trung tâm C4IR, đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ 4.0. Đồng thời, cần ban hành các chính sách ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ vốn, chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách phát triển hạ tầng số.

z5868102034369_59bd40efc9f022c4d3410b3d6e1c3351(1).jpg
Bà Ellina Roslan, Giám đốc Điều hành cấp cao, C4IR Malaysia gợi ý về việc hợp tác với C4IR Việt Nam.

Bà Ellina Roslan - Giám đốc Điều hành cấp cao, C4IR Malaysia, cho rằng, việc C4IR Việt Nam vừa ra mắt, nhiều cơ hội hợp tác giữa Malaysia và Việt Nam đang mở ra. Cả hai quốc gia đều chia sẻ khát vọng trong việc tận dụng các thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển bền vững và sản xuất thông minh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

“Malaysia và Việt Nam có thể hợp tác phát hành các bài viết về tư tưởng lãnh đạo, tập trung vào các công nghệ mới nổi như AI, IoT và blockchain”, bà gợi ý. Đồng thời nhìn nhận cả hai Trung tâm có thể chia sẻ về phát triển chính sách và quản trị công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi năng lượng, và sản xuất thông minh.

Nội dung hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia, đặc biệt là trong việc phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi năng lượng và sản xuất thông minh.

z5868101977489_4f557c5c870a8e18184458abba0d336b.jpg
Các đại biểu giải đáp thắc mắc cho khách mời.

Chia sẻ tại diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 2, ông Phạm Phú Trường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn cũng đã chia sẻ, trong 2 cuộc Cách mạng Công nghiệp đầu tiên, thế giới chủ yếu tập trung vào tài nguyên, con người và quy mô. Đến lần thứ 3 hướng đến máy móc dần thay thế con người và lần thứ 4 là máy móc hoàn toàn thay thế con người.

"Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đều hướng tới tăng năng suất, hiệu quả và quy mô. Riêng cách mạng 4.0 sẽ có thêm tính linh hoạt, máy móc thông minh cá nhân hóa, hỗ trợ quyết định chính xác để tăng tính cạnh cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay. Việc tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 chính là mục tiêu lớn của chuyển đổi công nghiệp", ông nói.

Ngọc Duy - Võ Liên