TP.HCM sẽ hỗ trợ hết mình cho Trung tâm C4IR
Sáng 25/9, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM đã tổ chức lễ khánh thành.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trung tâm C4IR tại TP.HCM sẽ tăng cường hợp tác với các trung tâm C4IR trên thế giới để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của Thành phố, của vùng Đông Nam Bộ phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế, huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng đây là Trung tâm của quốc gia đặt tại TP.HCM. Bản thân tổ chức và hoạt động Trung tâm vừa học hỏi, tham khảo kinh nghiệm các trung tâm C4IR đã có trên thế giới, vừa vận dụng sáng tạo vào điều kiện của Việt Nam, thể hiện rõ nét tính chất hợp tác công tư. TP.HCM sẽ cử nhân lực, đóng góp một phần tài chính tham gia ban đầu, nhưng các hoạt động của Trung tâm sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp với nguồn lực, kinh nghiệm quản trị của khu vực tư.
Trung tâm có 10 thành viên sáng lập, trong đó có Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu Công nghệ cao TP.HCM, Đại học Công nghệ Sài Gòn, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn CMC, Công ty Công nghệ viễn thông Sài Gòn, các ngân hàng Techcombank, HDBank…
TP.HCM sẽ nhanh chóng hoàn thiện quy chế hoạt động của Trung tâm, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, thực hiện hiệu quả nhất theo tinh thần 20 chữ mà Thủ tướng gửi gắm.
Các sáng lập viên sẽ đóng góp tài chính, nhân sự để tham gia quản trị, điều hành và tổ chức các hoạt động theo tiêu chuẩn thế giới (trước mắt mỗi năm khoảng 10 hoạt động).
Đại diện các sáng lập viên, lãnh đạo Tập đoàn Viettel bày tỏ sự kiện này đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của TP.HCM trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Viettel cũng cho biết, sang năm, Tập đoàn sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu lớn ở Củ Chi, TP.HCM; đồng thời kiến nghị ưu tiên đầu tư phát triển các nền tảng công nghệ do Việt Nam sản xuất, giảm phụ thuộc công nghệ ngoại nhập, tăng tính tự chủ, đổi mới sáng tạo; khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ lớn thế giới vào Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Group, cho biết tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, tập đoàn đã triển khai nhiều dự án lớn gồm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo - Galaxy Innovation Hub, Trung tâm Công nghệ Hàng không - Học viện Hàng không Vietjet, Ngân hàng số Vikki… Sovico cũng triển khai Quỹ Đầu tư mạo hiểm trị giá 150 tỷ đồng và Quỹ Hỗ trợ phát triển công nghệ cao trị giá 100 tỷ đồng.
Trong kế hoạch phát triển giai đoạn tới, với vai trò là thành viên sáng lập Trung tâm, Sovico cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các dự án công nghệ cao, hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế; cam kết tạo ra một không gian kết nối các tổ chức đổi mới sáng tạo trong nước và mục tiêu thu hút nguồn lực quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững, dựa trên khoa học, công nghệ và sáng tạo; cam kết tăng cường nguồn vốn tài trợ và cung cấp các giải pháp tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, doanh nghiệp giảm phát thải carbon, đặc biệt là các dự án chuyển đổi và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong kinh tế tuần hoàn; cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ xanh, tạo ra các giải pháp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.