Cộng đồng

Tình quân dân ở xã đảo Thạnh An

Mai Lan 24/09/2024 - 16:52

Với tinh thần sẻ chia, Đồn Biên phòng Thạnh An (BĐBP TP.HCM) đã có nhiều việc làm thiết thực chung tay cùng chính quyền địa phương tập trung xây dựng xã Thạnh An ngày càng phát triển về mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho người dân xã đảo

Vượt sóng ra đưa “ánh sáng” đến với Thạnh An

Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 70 km, xa đất liền khoảng 7 km, được bao bọc xung quanh là biển. Đời sống của nhân dân xã đảo còn gặp nhiều khó khăn cả về phát triển kinh tế xã hội và đời sống văn hóa tinh thần đến.

Để đến được với xã đảo Thạnh An, phải di chuyển cả bằng đường bộ và đường thủy nên việc đi lại khá vất vả, từ đó kéo theo nhiều khó khăn, thiếu thốn khác như, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.

anh-1-.jpg
Trung tá Lê Việt Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thạnh An, thăm tặng quà gia đình khó khăn trên địa bàn.

Được biết, xã đảo Thạnh An hiện có gần 1.200 hộ với gần 5.000 người, trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn đến 5%, có thể xem là vùng đặc biệt khó khăn của TP.HCM. Hiện nay muốn ra đảo phải phụ thuộc những chuyến đò khách của người dân địa phương, được cải hoán từ phương tiện đánh cá, hoặc có một số ca nô chạy dịch vụ với giá thỏa thuận cao hơn các phương tiện khác. Một ngày có khoảng 12 chuyến đò chở người qua lại giữa thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ ra xã đảo Thạnh An và ngược lại. Mỗi chuyến đi mất khoảng 30-40 phút, giá vé từ 15.000 – 20.000 đồng/người.

Ông Phạm Minh Châu, Chủ tịch UBND xã Thạnh An cho biết: “Đến nay nhiều công trình được UBND TP.HCM đầu tư xây dựng như trường học, trạm y tế, đường sá, khu vui chơi giải trí…phục vụ người dân, tuy nhiên nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, người dân còn nghèo, mưu sinh hàng ngày chủ yếu là nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, nhưng phương tiện nhỏ, vốn đầu tư ít nên chưa phát triển rộng, bền vững. Người dân xã đảo mong muốn được các cấp, các ngành của TP.HCM quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân”.

Trung tá Lê Việt Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thạnh An cho biết: Góp phần xây dựng xã đảo Thạnh An, thời gian qua, Đồn Biên phòng Thạnh An đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực cùng chung tay với cấp ủy chính quyền địa phương triển khai nhiều công trình, phần việc, mô hình giúp dân, tiểu biểu như, công trìnhĐiểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng” được xây dựng hoàn toàn trong khuôn viên Đồn Biên phòng Thạnh An, có tổng diện tích hơn 350m2, bao gồm các hạng mục phòng đọc sách, khu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ với đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng; sân thi đấu bóng đá, bóng chuyền, tổ chức các trò chơi dân gian… với tổng trị giá gần 400 triệu đồng; công trình “Thắp sáng đường biên” có 120 trụ đèn sử dụng năng lượng mặt trời được lắp đặt chiếu sáng dọc đường bờ kè chắn sóng ven biển ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình dài khoảng 2 km và toàn bộ tuyến đường tại ấp đảo Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An dài 5 km, tổng kinh phí đầu tư 400 triệu đồng.

anh-2(1).jpg
Nhiều hoạt động của tuổi các đơn vị được tổ chức tại “Điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng” tại Đồn Biên phòng.

Ngoài tra, từ đầu năm 2024 đến hết tháng 8, Đồn Biên phòng Thạnh An cũng đã kêu gọi, vận động và phối hợp các đơn vị như: Đoàn Thanh niên Công an thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày hoạt động cao điểm “Chiến sĩ tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn xã đảo Thạnh An; phối hợp Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh, Huyện đoàn Cần Giờ, các đơn vị tình nguyện tổ chức Chương trình “Ngày hoạt động cao điểm chung tay xây dựng xã đảo Thạnh An”. Chuỗi hoạt động này đã hỗ trợ các gia đình chính sách, người dân và các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn những phần quà, suất học bổng, quần áo đồng phục, bàn ghế, quạt điện, xe đạp; khánh thành “Nhà tình bạn”, tết Trung thu…tổng trị giá các hoạt động hơn 500 triệu đồng.

Trao tặng sinh kế, giúp dân xóa đói giảm nghèo

Theo chân Trung úy K’ Lộc, Đội phó vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thạnh An xuống địa bàn thăm một số hộ dân. Trên đường đi K’Lộc cho biết, anh là người dân tộc Kơ Ho, quê ở Lâm Đồng, tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2022, tuy mới 2 năm gắn bó với địa bàn, nhưng có thể nói mọi ngóc ngách, địa chỉ từng hộ gia đình trên xã đảo này K’ Lộc đều nắm rõ. Điều đặc biệt, đi đến đâu người dân xã đảo cũng biết, cũng niềm nở vui vẻ dành cho K’ Lộc tình cảm quý mến.

K’ Lộc cho biết thêm, thời gian qua Đồn Biên phòng Thạnh An đã triển khai nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế nâng cao đời sống như: Trao tặng các sinh kế là xe ép nước mía, lưới cua, lưới ghẹ, lưới cá khoai, xuồng máy phương tiện đánh bắt thủy sản…

anh-3(1).jpg
Trung úy K’Lộc thường xuyên đến thăm động viên anh Nguyễn Văn Đang, ngụ tổ 4, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An tích cực lao động, vươn lên thoát nghèo

Câu chuyện bị cắt ngang khi K’ Lộc rẽ vào thăm nhà anh Nguyễn Văn Đang, ngụ tổ 4, ấp Thạnh Hòa (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Anh Đang sinh ra và lớn lên tại xã đảo Thạnh An này nhưng điều kiện gia đình khó khăn, không có cơ sở làm ăn, cuộc sống của bao thế trong gia đình đều nhờ vào nghề giăng câu, thả lưới, tìm kiếm những nguồn lợi thủy sản thiên nhiên ven biển Cần Giờ, hoặc đi làm thuê cho dân trong vùng để đắp đổi qua ngày.

Mới đây Đồn Biên phòng Thạnh An đã huy động nguồn lực từ các đơn vị tài trợ, cùng phối hợp hỗ trợ anh Đang 1 phương tiện sinh kế là xuồng máy trị giá 25 triệu đồng. Có phương tiện, anh Đang mua ngư cụ với hình thức trả góp để hoạt động nghề lưới đánh bắt ghẹ, tôm tít dọc ven mé biển Cần Giờ.

Thoăn thoắt vá lại mành lưới để ngày hôm sau tiếp tục ra biển, anh Đang phấn khởi cho biết: “Trước đây không có phương tiện, nên thường phải đi làm thuê trên các tàu đánh cá cho dân các xã Cần Thạnh, Long Hòa của huyện Cần Giờ; từ khi được Đồn Biên phòng hỗ trợ cho phương tiện, gia đình mừng lắm. Mỗi ngày 2 vợ chồng ra biển tích cực lao động, tùy vào thời tiết, sản lượng thu được, trừ chi phí cũng có thu nhập từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng; với mức thu nhập đều đặn như thế này ở xã đảo là ổn định cuộc sống rồi”.

anh-4.jpg
Đồn Biên phòng Thạnh An trao tặng quà cho các hộ dân trên địa bàn.

Một gia đình khác trên địa bàn là anh Lê Tấn Phước, ngụ ấp được hỗ trợ sinh kế là xe ép nước mía trị giá 8 triệu đồng. Điều kiện gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định, từ khi có xe ép nước mía, thu nhập ổn định mỗi ngày từ 200.000 đến 300.000 đồng, cuộc sống gia đình đã dần thoát khỏi khó khăn, chăm lo con cái học hành.

Được biết, tính đến tháng 8/2024, Đồn Biên phòng Thạnh An đã trao 18 phương tiện sinh kế hỗ trợ người dân trên địa bàn gồm: Xe ép nước mía, xuồng máy và ngư cụ để hoạt động các nghề đánh bắt cua, ghẹ, cá khoai…

Với những việc làm đầy ý nghĩa, thiết thực giúp dân chứa đựng biết bao tình cảm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đối với Nhân dân xã đảo Thạnh An, được chính quyền địa phương và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Mai Lan