Kinh doanh

Nhiều sáng kiến tạo động lực chuyển đổi công nghiệp cho TP.HCM

Võ Liên 24/09/2024 16:44

Chương trình "Đối thoại hữu nghị TP.HCM" lần thứ hai được tổ chức tại TP.HCM đã có hàng chục quốc gia đến thảo luận hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp của thành phố.

Hơn 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.HCM đã thảo luận về chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác".

doi-thoai-huu-nghi.jpg
Nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp cho TP.HCM.

Trong đó, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở địa phương; những đổi mới về công nghệ,… Đồng thời, các đại biểu đã nêu ra những khó khăn, thách thức của TP.HCM trong quá trình chuyển đổi công nghiệp và đề xuất các nhóm lĩnh vực có thể hợp tác với thành phố.

Chuyển đổi công nghiệp: hành trình không thể thực hiện đơn lẻ

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TP.HCM và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, chúng ta buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.

Ông Mãi cũng khẳng định, việc chuyển đổi công nghiệp là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ.

"Tôi tin rằng, thông qua những nỗ lực chung, chúng ta có thể phát triển các giải pháp sáng tạo cho những thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghiệp. Dù đó là việc chuyển giao công nghệ, đầu tư vào hạ tầng xanh và kỹ thuật số hay thúc đẩy liên kết, liên doanh trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, chúng ta đều có rất nhiều cơ hội để hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững", ông Mãi nói.

Chủ tịch TP.HCM cam kết thành phố sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới.

ba-nguyen-minh-hang-thu-truong-bo-ngoai-giao.jpg
Bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - cho rằng đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp, trọng tâm là số hóa, tự động hóa và xanh hoá là giải pháp then chốt giúp các quốc gia nâng cao khả năng phục hồi trước các cú sốc toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên hữu hạn, tạo ra sự phát triển bứt phá để vươn lên.

Cũng theo bà Hằng, cần phải chú trọng đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực, coi công nghệ và phát triển nguồn nhân lực là con đường chủ đạo để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", coi con người là nhân tố trung tâm của công cuộc chuyển đổi công nghiệp.

"Tôi rất mong qua hội nghị, các thành phố đối tác sẽ chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn và thúc đẩy các ý tưởng hợp tác mới với TP.HCM để đưa chuyển đổi công nghiệp trở thành một động lực tăng trưởng của thành phố trong giai đoạn tới", bà Hằng chia sẻ.

Nhiều sáng kiến hợp tác

Tại hội nghị, ông Stefano Lo Russo - Thị trưởng Thành phố Torino (Ý) - cho rằng vai trò của thành phố có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực đổi mới công nghệ và phát triển bền vững. Thành phố có thể vượt qua nhiều thách thức, vì thành phố gần gũi với người dân, hiểu được người dân và có thể hành động nhanh chóng để xây dựng chính sách có mục tiêu.

Các thành phố không thể hành động một mình, sự hợp tác giữa tổ chức công và tư sẽ thúc đẩy sự bền vững. Sự hợp tác có thể biến ý tưởng thành hành động cụ thể và giúp cho TP kiên cường và cạnh tranh hơn.

Ông Stefano Lo Russo dẫn chứng quá trình chuyển đổi công nghiệp của thành phố Torino (Ý) có thể diễn ra được là nhờ các cuộc đối thoại không ngừng của chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức giáo dục,... từ đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án đổi mới, chiến lược như ngành công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo và năng lượng bền vững.

Tương tự, TP.HCM là đô thị lớn và sôi động đang đối mặt với thách thức về tăng trưởng và phát triển đô thị bền vững. Do đó, Torino và TP.HCM có thể trao đổi kiến thức và giải pháp, điều này không chỉ củng cố mối quan hệ giữa các thành phố mà còn giúp cả quốc gia phát triển.

Theo ông Komura Masahiro - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hiện tại Nhật Bản và Việt Nam có quan hệ rất tốt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh,... Trên phương diện kinh tế, Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn cho các công ty Nhật Bản.

Một trong những lĩnh vực hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam được nhiều công ty Nhật Bản quan tâm là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Cụ thể, với chuyển đổi xanh, Nhật Bản có khoảng 90 dự án hợp tác giảm phát thải carbon với Việt Nam. Ông Komura Masahiro cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác cùng Việt Nam ở lĩnh vực này trong tương lai.

Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ gia tăng hơn nữa, trao đổi và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản, giúp những người trẻ Việt Nam tại Nhật được tiếp thu kiến thức, kĩ năng mới thông qua học tập, đào tạo và trở về Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Võ Liên