Nhiều sản phẩm công nghệ xanh góp mặt tại Chợ công nghệ và thiết bị 2024
Sự kiện năm nay chú trọng các công nghệ, thiết bị ứng dụng góp phần thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp xanh trên địa bàn TP.HCM.
Ngày 21/9, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức sự kiện Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart 2024) thường niên với mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tạo điều kiện đưa công nghệ mới ứng dụng trong sản xuất.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động "Không gian giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh TPHCM lần thứ hai năm 2024 (GRECO 2024)", được tổ chức từ ngày 21-25/9 tại đường Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM).
Techmart 2024 thu hút hơn 100 công nghệ của 50 doanh nghiệp, trường, viện tham gia trưng bày quảng bá và xúc tiến thương mại. Trong đó, nhiều giải pháp thuộc các lĩnh vực, như: khảo sát đánh giá hiện trạng năng lượng; công nghệ chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành; lĩnh vực năng lượng tái tạo; kiểm soát, xử lý nước thải, khí thải…
Đặc biệt, sự kiện lần này chú trọng vào các công nghệ, thiết bị ứng dụng góp phần thúc đẩy phục vụ chuyển đổi công nghiệp xanh trên địa bàn TP.HCM. Đây là những giải pháp tự động hóa hiện đại, sử dụng ít năng lượng, giảm lượng chất thải và ô nhiễm.
Tại sự kiện, các chuyên gia từ các viện nghiên cứu và trường đại học sẽ tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến các các công nghệ hiện có và giới thiệu các công nghệ mới tại Việt Nam, sẵn sàng hợp tác và chuyển giao cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu.
Bên cạnh đó, tại Techmart chuyên ngành "Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP.HCM" còn giới thiệu 13 chuyên đề hội thảo về các lĩnh vực: Công nghệ xanh - Năng lượng tái tạo - Công nghệ thiết bị xử lý môi trường.
Ông Nguyễn Vũ Duy Thông - Trưởng phòng Kinh doanh Công nghệ, Công ty TNHH Ca An Tech cho biết, công ty đem đến sự kiện công nghệ vi bọt khí được áp dụng trong việc cải thiện kênh rạch, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu nông nghiệp. Công nghệ này hiện được áp dụng phổ biến trong môi trường thủy sản như nuôi tôm.
"Việc áp dụng công nghệ vi bọt khí trong vùng nuôi tôm sẽ giải quyết vấn đề điện năng. Nếu sử dụng công nghệ cũ, bong bóng lớn, máy phải chạy liên tục thì với công nghệ vi bọt khí, bóng bóng nhỏ hòa tan trên mặt nước nên tạo lượng oxi dư, dự trữ. Thứ hai, công nghệ vi bọt khí cũng chuyển hóa giúp cho tôm hấp thụ tốt hơn. Thứ ba, công nghệ này giúp tăng 90% lượng oxi hòa tan trong nước so với phương pháp truyền thống", ông Thông nói.
Theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, các đơn vị tham gia trưng bày còn được tạo cơ hội thực hiện trình diễn và giới thiệu các mô hình, giải pháp công nghệ xanh, bền vững và các sản phẩm mới nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp trong không gian tương tác trải nghiệm. Đây sẽ là cầu nối, tăng cường hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các nhà đầu tư, kinh doanh tiềm năng, khách tham quan trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối kinh doanh, phát triển sản xuất và xuất khẩu.