"Phải lòng" với công nghệ từ trường
Cầm những chiếc lá kiểng có độ sáng bóng bắt mắt trên tay, anh Lê Trung Hiếu khoe đã có nhiều doanh nghiệp trong ngành hoa đặt hàng ngay từ ngày đầu ra mắt vào giữa tháng 9. Nước bóng lá là giải pháp ứng dụng công nghệ từ trường giúp làm sạch vết phân, thuốc bám trên lá kiểng và tăng độ bóng của lá khi trưng bày.
Nước bóng lá là nghiên cứu mới nhất của anh Lê Trung Hiếu (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM), sau thiết bị xử lý cặn đường ống, nước dưỡng hoa và nước nhuộm hoa. Tất cả nghiên cứu này đều ứng dụng công nghệ từ trường.
Thích khám phá cái mới
Từng đảm nhiệm công việc trưởng bộ phận quản trị thiết bị cho công ty sản xuất đồ uống của Nhật tại Việt Nam với mức lương 2.000 USD, anh Hiếu vẫn quyết định nghỉ việc. Sau hơn 10 năm gắn bó với công ty, anh có nhiều cơ hội làm việc với các đối tác từ Nhật Bản và Hà Lan, tận mắt chứng kiến công nghệ từ trường được ứng dụng vào xử lý cáu cặn trong đường ống và nồi hơi. Phương pháp này không chỉ hiệu quả mà còn giúp giảm thiểu chi phí vận hành nhà máy, thay thế cho việc sử dụng hóa chất, vốn chiếm khoảng 5% tổng chi phí.
Lúc này, anh Hiếu tự đặt ra cho bản thân câu hỏi “tại sao nước ngoài làm được mà mình lại không”? Từ đó, các sáng chế, giải pháp hữu ích “made in Vietnam” từ công nghệ từ trường lần lượt ra đời như công nghệ từ trường xử lý cặn đường ống, nước dưỡng hoa, nước nhuộm hoa.
“Khám phá được nhiều cái mới, được ứng dụng vào thực tế đồng thời giúp tăng giá trị sản phẩm sau thu hoạch cho nông nghiệp Việt - đó là niềm vui và động lực lớn nhất”, anh Hiếu nói đó là lý do nước bóng lá được thương mại hóa ra thị trường.
Dựa trên công nghệ từ trường
Theo anh Hiếu, trước đây, chai xịt làm bóng lá có ga và cồn khiến lá dễ cháy, cồn khi phun xịt sẽ có mùi hôi. Bên cạnh đó, anh Hiếu phát hiện ra sẽ có những lá sau thu hoạch dính phân, bụi khiến việc làm sạch khi lau sẽ dễ tổn thương lá. Khắc phục nhược điểm đó, anh Hiếu tạo ra dung dịch phun trên lá kiểng nhằm làm sạch các vết dơ và an toàn cho người dùng.
Theo đó, nước bóng lá được tạo nên từ dầu thực vật, 90% là nước, không chứa cồn và ga. Ưu điểm khi sử dụng là làm cho lá bền hơn, không bám bụi, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.
Nước bóng lá có thành phần chính là dầu dừa, tuy nhiên dầu dừa lại không tan trong nước, do đó cần xử lý bằng từ trường và siêu âm để có thể hòa tan được. Theo anh Hiếu, điều khó khăn nhất là làm sao để hòa tan hoàn toàn dầu dừa vào nước, đồng thời phải cân chỉnh nồng độ phù hợp cho từng loại cây.
Anh Hiếu cho biết, để tạo nên một chai nước bóng lá với dung tích 0,5 lít tốn khoảng 1 trái dừa, giá thành bằng 80% so với hàng nước ngoài.
Thời gian để lá bóng lên mất khoảng 10-20 phút, tùy thuộc vào từng loại lá khác nhau. Độ bóng có thể kéo dài từ 3-4 tuần nếu cây kiểng được đặt trong nhà. Sản phẩm cũng tạo một lớp phủ trên lá, giúp giảm thoát hơi nước, giữ cho cây tươi lâu hơn.
Anh Hiếu ví von: “Hãy hình dung một trái bơ khi chín thì nhìn vỏ bóng loáng, tạo nên một lớp sáp bên ngoài hấp dẫn côn trùng. Con người nhìn lá sáng bóng thì mới hấp dẫn và đẹp”.
Để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh, quá trình nghiên cứu của anh Hiếu cũng trầy trật trong vòng 15 tháng, không ít sản phẩm mẫu phải bỏ đi, thử nghiệm trên 1.000 lần ở các loại lá kiểng như: lá trầu bà và lá lan hồ điệp…
Lần đầu thí nghiệm, do sản phẩm chứa dầu dừa nên phát sinh vấn đề lá bị kiến ăn và bị nấm, anh Hiếu suy nghĩ tìm cách cải tiến lại, giúp lá không còn bán mùi khi được phun nước làm bóng, nhờ vậy không thu hút côn trùng, đồng thời, anh bổ sung chất kháng nấm từ nghiên cứu về ion đồng trong nước dưỡng hoa do chính anh sáng chế trước đó.
Lung linh sắc hoa nhuộm
Cũng từ công nghệ từ trường, những bông hoa được “khoác” lên mình cuộc đời mới với nhiều màu sắc khác nhau, đồng thời cũng giúp người nông dân có thêm thu nhập. Với hoa cúc mẫu đơn màu trắng, các nhà vườn thường chỉ bán phục vụ cho “thị trường hoa chia buồn”, thì giờ đây, hoa được nhuộm nhiều màu khác nhau, đáp ứng đa dạng nhu cầu người chơi hoa. Chẳng hạn, một cây mẫu đơn trắng giá dao động 8.000 - 10.000 đồng, khi nhuộm giá bán ra 14.000 - 15.000 đồng.
Với nước làm đổi màu hoa, anh Hiếu cho biết, các hạt màu hữu cơ to được hòa trộn với nước từ trường sẽ dễ dàng được cây hấp thụ, từ đó giúp cây hút nước và đổi màu nhanh. Đến nay anh Hiếu đã nghiên cứu và cho ra 130 màu nhuộm hoa.
Bên cạnh đó, anh Hiếu còn nghiên cứu dung dịch giúp hoa tươi lâu và không có mùi hôi. Từ 1 sản phẩm ban đầu thì đến nay đã có 6 sản phẩm cho từng công đoạn thu hoạch khác nhau của từng nhà vườn.
Nước dưỡng hoa và đổi màu hoa của anh Lê Trung Hiếu từng đoạt giải Nhất cuộc thi "Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2022" do Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tổ chức.
"Sản phẩm nước dưỡng hoa và nhuộm hoa đã thương mại hóa cách đây 3 năm, hiện tại đang được cải tiến liên tục phục vụ cho từng loại hoa khác nhau", anh Hiếu chia sẻ.
Hiện các sản phẩm này đã được xuất khẩu sang Malaysia, Hàn Quốc... Anh Hiếu cho biết thêm, vừa có đối tác tại Úc đặt hàng sản phẩm bảo quản cho 1 triệu cành hoa/1 tháng.
Tăng giá trị cho cây hoa
Theo ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hiện nay, một số màu hoa không có sẵn trong tự nhiên, bắt buộc phải dùng công nghệ nhuộm. Nghiên cứu của anh Lê Trung Hiếu là một trong những giải pháp tiên phong.
Công nghệ nhuộm hiểu đơn giản là dung dịch màu sắc được hấp thu qua tế bào của cây từ đó đưa lên cánh hoa làm hoa đổi màu, có màu sắc lạ và đẹp. Những sản phẩm này không chỉ dùng cho lan hồ điệp mà còn dùng cho hoa cúc trắng, hoa hồng, từ đó góp phần đa dạng sản phẩm và tăng giá trị cho cành hoa.
Trong thời gian tới, dự đoán công nghệ này sẽ phát triển. Hiệp hội sẽ vận động hội viên nếu sản xuất sản phẩm nhuộm phải đặt tiêu chí an toàn với môi trường và con người, đảm bảo độ bền cho hoa lên hàng đầu.