Khoa học

Hai tác giả trẻ tạo máy tính cầm tay cho người khiếm thị

Ngọc Duy 20/09/2024 - 12:00

Thiết bị cùng lúc có thể giải quyết bốn nhu cầu cấp thiết của người khiếm thị là học chữ braille, gõ văn bản, tính toán và trợ lý ảo tương tác.

Không để người khiếm thị bị “bỏ lại” trong kỷ nguyên bùng nổ khoa học kỹ thuật, hai tác giả trẻ Phạm Mai Mẫn Nhi và Đào Anh Hào đã tạo ra thiết bị máy tính cầm tay, sau 4 năm nghiên cứu.

Với giá trị ứng dụng thực tiễn, tính mới, tính sáng tạo cùng hàm lượng khoa học, giải pháp là một trong 18 dự án, ý tưởng khởi nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh năm 2023. Đồng thời được hỗ trợ vay vốn ưu đãi đến 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng nằm trong Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025.

Giải pháp thiết thực cho người khiếm thị học chữ nổi

Ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay ở các Hội người mù vẫn chỉ sử dụng bàn phím gõ máy tính, laptop thông thường. Khi sử dụng, người khiếm thị buộc phải thuộc lòng vị trí của từng phím để đánh chữ. Lúc gõ chữ, máy sẽ đọc lại để biết chính xác vị trí phím và sửa lỗi chính tả. Điều này gây khó khăn cho những người mới bắt đầu học, đặc biệt là trẻ em bị khiếm thị.

1.jpg
Bạn Phạm Mai Mẫn Nhi và ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng thử nghiệm sản phẩm.

Giải pháp khác là sử dụng màn hình chữ nổi của các hãng lớn, nhưng khá đắt tiền với hàng chục ngàn USD. Nếu muốn mua phải liên hệ với Hội Người mù Việt Nam, tuy nhiên chưa có ngân sách hỗ trợ. Đối với địa phương, kinh phí hỗ trợ cho hội người mù còn thấp và khó khăn, những khoản đầu tư các phương tiện hỗ trợ người mù hòa nhập chưa nhiều.

Hiểu được những khó khăn đó, năm 2020, từ nguồn kinh phí 7,8 triệu đồng do Quỹ Tâm Nguyện Việt tài trợ, nhóm đã nghiên cứu và phát triển ra máy tính cầm tay cho người khiếm thị. Máy đã được thử nghiệm tại Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng và được đánh giá là thiết bị hỗ trợ đắc lực cho người mù học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, hòa nhập cộng đồng.

Theo ông Trường, ý tưởng máy tính cầm tay cho người khiếm thị là giải pháp rất thiết thực, hữu ích, nhất là sử dụng cho người mới bắt đầu học chữ nổi, không chỉ riêng trẻ em mà còn cả người khi lớn mới bị mù. Cũng giống như người bình thường, để sử dụng thành thạo cần có thời gian sử dụng và bàn phím nổi sẽ giúp giai đoạn này trở nên dễ dàng hơn.

Sản phẩm đã nhận được 80% đánh giá tích cực về tính năng sử dụng bởi người khiếm thị. Khi hoàn thiện có thể triển khai sản xuất đại trà, mỗi tháng cung cấp hơn 10 sản phẩm.

Ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng

Học chữ nổi, gõ văn bản, tính toán và trợ lý ảo tương tác

Chia sẻ với PV Tạp chí Khoa học phổ thông, bạn Phạm Mai Mẫn Nhi - sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (chủ nhiệm) cho biết, máy tính có thể dễ dàng sử dụng cho tất cả người khiếm thị. Đối với trẻ em khiếm thị chưa biết chữ nổi Braille có thể sử dụng máy tính để học và làm các phép toán từ đơn giản đến phức tạp. Đối với người lớn có thể sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản trên máy vi tính rất tiện lợi, có hai chế độ gõ là Telex và VNI.

Máy sẽ phát âm từng ký tự để người sử dụng biết được chính xác chữ cần gõ. Khi hết một câu máy tính sẽ phát âm lại toàn bộ nguyên văn bằng tiếng Việt qua loa, hỗ trợ người mù có thể soạn thảo chính xác. “Chức năng độc đáo nhất của máy tính là trợ lý ảo tích hợp xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Người khiếm thị có thể dễ dàng giao tiếp với máy bằng giọng nói, để có thể đọc báo điện tử, tra cứu thông tin…”, Mẫn Nhi nhấn mạnh.

2.png
Máy tính cầm tay cho người khiếm thị được thử nghiệm tại Hội Người mù Lâm Đồng và TP.HCM.

Để tạo thành thiết bị, nhóm đã sử dụng thiết kế hệ thống mạch chắc chắn, gia công gia công các nút bấm sử dụng keycap có độ bền cao, đảm bảo tuổi thọ đáp ứng yêu cầu sử dụng thường xuyên liên tục. Trên các nút bấm đều có ký tự chữ nổi Braille để người khiếm thị cảm nhận. Qua đó hỗ trợ tính toán và gõ chữ giúp người khiếm thị thực hiện các phép toán qua loa hoặc tai nghe. Trong máy tính còn có bộ điều khiển Raspberry Pi để thực hiện các chức năng trí tuệ nhân tạo trợ lý ảo giao tiếp với người dùng.

Đặc biệt, máy tính sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói để đọc to các kết quả phép tính và văn bản được soạn thảo. Vì vậy người dùng không cần nhìn màn hình (không thể nhìn) vẫn có thể thao tác chính xác. Bên cạnh đó, máy tính sử dụng màn hình có độ tương phản cao giúp người có thị lực kém vẫn nhận biết được.

"Thiết kế của máy tính tương tự bố cục của bàn phím thông thường, giúp người khiếm thị dễ dàng sử dụng và thích nghi nhanh hơn. Cùng thiết kế nhỏ gọn, máy tính có nhiều phiên bản, kích thước để thuận tiện cho người khiếm thị mang theo", Mẫn Nhi chia sẻ thêm.

Ngoài ra, phương pháp học chữ nổi và gõ bàn phím của người khiếm thị đòi hỏi cảm giác, xúc giác, sử dụng các bảng chuyên dụng, cần sự hỗ trợ từ giáo viên. Nhóm đã kết hợp nhiều kỹ thuật công nghệ như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông sáng tạo nên máy tính cầm tay cho người khiếm thị. Chỉ với một thiết bị gọn nhẹ tích hợp các tính năng có thể hỗ trợ người khiếm thị học chữ nổi, tính toán, gõ bàn phím và tương tác bằng giọng nói.

Sau khi tự mình thử nghiệm, ông Vũ Xuân Trường cũng có thêm 2 góp ý để thiết bị hoàn thiện hơn. Đầu tiên, nhóm cần bổ sung thêm chế độ đọc từng ký tự, từng từ và sau khi đọc hết ký tự, nhấn enter để đọc toàn câu. Đồng thời cần bổ sung gợn ở hai nút chuẩn F và J như bàn phím máy tính thông thường.

Máy tính cầm tay cho người khiếm thị là giải pháp sáng tạo kỹ thuật tiếp theo của nhóm tác giả. Trước đó, giải pháp Mắt kính thông minh cho người khiếm thị đã đoạt Giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, được đơn vị tài trợ nghiệm thu và đưa vào sản xuất tại Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng.

Nhờ đó, nhóm tác giả đã nhận được các nguồn đầu tư từ Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu nhà đầu tư Singapore tài trợ chi phí sản xuất giá trị 15.000 USD từ chương trình Techfest Connect 2021 và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng giới thiệu công trình sáng tạo khoa học và công nghệ để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.

Ngọc Duy