Sống xanh

TP.HCM thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh

Thanh Minh18/09/2024 - 10:58

UBND TP.HCM ban hành Công văn số: 5469/UBND-DA về việc Tổ chức Chương trình Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư năm 2024 – Kỳ 2, chủ đề “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TP.HCM”.

Tổ chức Chương trình Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư

Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố chấp thuận đề nghị của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư về tổ chức Chương trình Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư năm 2024 – Kỳ 2, chủ đề “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TP.HCM”; giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư chuẩn bị bài phát biểu và các hoạt động của Lãnh đạo Thành phố tại Diễn đàn; các Sở ngành đơn vị liên quan cử đại diện Lãnh đạo tham dự Diễn đàn xuyên suốt, đầy đủ; đồng thời, phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư chuẩn bị kỹ nội dung thảo luận, đối thoại. Diễn đàn dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 20/9/ 2024 tại khách sạn Grand, số 08 Đồng Khởi, Quận 1.

Diễn đàn sẽ tập trung các nội dung chính: Báo cáo phân tích việc thực hiện quy định pháp luật trong đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và phương thức hợp tác giữa nhà đầu tư với nhà nước trong các dự án năng lượng tái tạo; Thảo luận về định hướng giải quyết thông qua hình thức đối thoại giữa các Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền và Nhóm chuyên môn; Cung cấp báo cáo về các vấn đề chưa và đã giải quyết để lấy ý kiến cho các kỳ Diễn đàn sau hoặc/ và gửi lên các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Việc tổ chức rất đúng thời điểm

Việc tổ chức diễn đàn về chủ đề này có thể nói là rất kịp thời. Trước đó tại tại diễn đàn tài chính xanh năm 2024, TS Cấn Văn Lực (Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia) chỉ rõ, tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, trong đó vấn đề vô cùng quan trọng cần phải nhắc tới đó là chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh.

Theo Th.S Lưu Đức Quang – Giảng viên trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, trong thiết kế chính sách, pháp luật cần có các cơ chế, chính sách công khai, minh bạch hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực với không gian, thời gian cụ thể, gắn với các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh có mục tiêu và nhiều công cụ tài chính khác mang tính chất chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Pháp luật càng công khai, minh bạch sẽ giảm thiểu chi phí xã hội cho sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo trong chuyển đổi xanh. Thể chế tốt sẽ góp phần giảm rủi ro trong đầu tư cho các ngành công nghiệp mới, nhất là đối với những người đi tiên phong.

TS Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh nhận định, nước ngoài cũng đang như ta, đang chạy đua đổi mới chính sách. Ai hơn ai là ở chỗ ai nhanh hơn.

Theo TS Tuấn, trong lĩnh vực kinh tế xanh này, năng lực nghiên cứu, triển khai, nguồn vốn, đều đã ít nhiều được một số tổ chức nước ngoài tài trợ cho các chuyên gia, DN, ngân hàng ngay ở nước họ. Nguồn lực có sẵn vì vậy có thể sẵn sàng được san sẻ với chi phí rất thấp cho Việt Nam, ví dụ các chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thị trường giao dịch carbon vừa thành lập ở Indonesia và Nhật, lý do lựa chọn của họ, thách thức v.v. Cũng có nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam ở nước ngoài có thể tận dụng nguồn tài trợ nghiên cứu trong đề án ở nước ngoài của họ để làm thêm một số nghiên cứu về Việt Nam mà phía Việt Nam chỉ cần hỗ trợ rất ít, ngoại trừ đầu mối liên lạc và tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu đến làm việc.

Ông K. Zé Liu - Viện tài nguyên thế giới cho biết, liên quan đến mô hình tài chính và chia sẻ rủi ro, ở các quốc gia khác trên thế giới có những mô hình tài chính có nhiều bên tham gia hơn chứ không chỉ đơn thuần là một bên tài trợ và một bên là DN. Cụ thể ở đây là có thể có thêm các bên liên quan khác để cùng nhau chia sẻ rủi ro vì lợi ích chung của cộng đồng. Khi có nhiều bên tham gia như vậy thì rủi ro có thể được phân bổ ở quy mô rộng hơn và việc quản lý rủi ro cũng được chia sẻ, từ đó làm tăng tính khả thi cho môi trường kinh doanh.

Cũng trong diễn đàn tài chính xanh năm 2024, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ một ngân hàng cũng chia sẻ, khó khăn thách thức hiện nay là quy định về phân loại xanh (Taxonomy) của Việt Nam chưa được ban hành, chính sách hỗ trợ chưa đủ lớn để thúc đẩy các DN tham gia chuyển đổi xanh.

Cùng quan điểm, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: “Theo tôi, việc phân loại xanh vẫn là yếu tố tiên quyết, bởi phải rõ ràng từ khâu phân loại, thì các khâu tiếp theo mới thuận lợi, trơn tru được”.

Thanh Minh