Y học

Thói quen lấy ráy tai gây nhiều nguy hiểm

HỒNG DUNG 17/09/2024 19:23

Ngày 17/9, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM (BVTMH) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bị cây lấy ráy tai bằng kim loại dài gần 6 cm xuyên thủng màng nhĩ vào hòm nhĩ.

cac-bac-si-chia-se-tai-hop-bao.jpg
Các bác sĩ chia sẻ tại buổi họp báo

Bệnh nhân là chị Đ.T.T.V. (25 tuổi, ngụ Đồng Nai), nhập viện cấp cứu với dị vật là thanh kim loại nhỏ nằm trong ống tai. Theo lời kể bệnh nhân, chị đang ngồi ngoáy tai bên trái bằng cây lấy ráy tai bằng kim loại, thì bị người nhà va trúng tay, khiến nó đâm sâu vào trong, bệnh nhân cảm giác rất đau và khó chịu, được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, sau đó được chuyển đến BVTMH TP.HCM.

cay-ray-tai-bang-kim-loai-xuyen-tai-benh-nhan-khi-nhap-vien.jpg
Cây ráy tai bằng kim xuyên thủng màng nhĩ

Tại đây, qua thăm khám lâm sàng, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không chóng mặt, không liệt mặt. Kết quả CT Scan cho thấy, bên tai trái bệnh nhân có dị vật là kim loại dài gần 6 cm ở ống tai – tai giữa trái, nằm trước chuỗi xương con, đầu trong chạm đến ống động mạch cảnh trong (không thấy vỡ xương rõ rệt), không gián đoạn xương con. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi lấy dị vật.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, không chóng mặt, liệt mặt, hay chảy máu. Ống tai và màng nhĩ còn nề, đọng ít máu đông. Điều đáng mừng là thính lực đồ tai trái bình thường.

TS.BS. CK2 Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc BVTMH nhận định: “Trường hợp trên, nhờ có trang thiết bị hiện đại, nên việc lấy dị vật tai không quá phức tạp nhưng nguy hiểm nhất là, chỉ còn 2 mm nữa thanh ráy tai có thể xuyên thủng động mạch cảnh. Khi động mạch cảnh bị thủng, máu sẽ chảy ồ ạt, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Chúng tôi muốn cảnh báo đến người dân, hãy từ bỏ thói quen lấy ráy tai không đúng phương pháp, sẽ rất nhiều nguy hiểm”.

kiem-tra-tai-benh-nhan1.jpg
Bác sĩ kiểm tra tai bệnh nhân

Theo BS.CK2 Dương Thanh Hồng, Trưởng khoa Tai – Tai thần kinh cho biết, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 1 ca bị dị vật tai, đa phần là người bệnh có thói quen ráy tai gây chấn thương tai.

Việc lấy ráy tai không đúng cách gây nguy cơ nhiều bệnh lý như xước ống tay, gây viêm nhiễm. Khi vết thương xuất hiện trên da, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng. Ngoài ra còn làm nhiễm khuẩn ống tai ngoài, tai sẽ đau nhức, chảy mủ, ù tai, nghe kém…

Bên cạnh đó, ngoáy tai có thể đưa thêm vi khuẩn, nấm từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào da ống tai. Chảy máu tai do rách da ống tai ngoài là một trong những tai biến hay gặp nhất của việc ngoáy tai; có thể vô tình làm thủng màng nhĩ không chỉ gây mất thính lực mà nếu để lâu ngày sẽ gây viêm xương; nguy hiểm hơn, nếu cây ráy tai vô tình bị lực tác động mạnh có thể đi sâu vào động mạnh cảnh...

Các chuyên gia TMH khuyến cáo không nên dùng các cây ngoáy tai có đầu cứng, sắc, nhọn để lấy ráy tai; không nên đưa cây cây ngoáy tai (gồm cả bông tăm) sâu vào trong ống tai; không nên ngồi ngoáy tai ở chỗ có người hoặc vật qua lại dễ dẫn đến va chạm làm cây lấy ráy đâm vào tai.

BS.CK2 Dương Thanh Hồng lưu ý, người dân nên bỏ thói quen lấy ráy tai. Nhiều người cho rằng, sau tắm hoặc bơi tai bị ướt hoặc nước vô tai nên thường xuyên sử dụng tăm bông vệ sinh vào sâu bên trong để làm khô tai – đây là phương sai khoa học, sẽ gây ra nhiều tai hại như nói trên. Vì vây, sau bơi hay tắm, nước đọng trong tai sẽ tự chảy ra ngoài và tự khô, không cần can thiệp. Tùy theo cơ địa mỗi người, trường hợp nhiều ráy tai có thể nhỏ nước muối sinh lý vào tai, nước muối sẽ làm mền ráy tai và tự động chảy ra ngoài, khi đó dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng ở vành tai và vùng cửa tai. Tuyệt đối, không sử dụng bất cứ vật gì đưa vào tai.

HỒNG DUNG