Kinh doanh

Cần chung tay giúp nông dân trồng dừa vượt qua thách thức từ sâu đầu đen

Thượng Vượng 17/09/2024 - 17:49

Vừa được công nhận là cây công nghiệp chủ lực quốc gia, ngành dừa Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn từ sự trở lại của sâu đầu đen.

Loài sâu hại này đang hoành hành tại các tỉnh trồng dừa trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế của nông dân và ngành công nghiệp chế biến dừa địa phương.

Sâu đầu đen: Kẻ thù số một của cây dừa đã trở lại

Sâu đầu đen (Opisina arenosella Walker) là loài sâu ăn lá dừa, tấn công toàn bộ tàu lá, làm giảm năng suất và có thể gây chết cây. Loài sâu này từng gây hại nặng nề cho ngành dừa ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Sri Lanka và Thái Lan.

Các chuyên gia cảnh báo, khi sâu bùng phát trên diện rộng, hàng nghìn cây dừa có thể bị tàn phá, hoa và trái non rụng hàng loạt, năng suất giảm tới 50%. Nghiên cứu cho thấy dừa non dễ chết khi bị sâu tấn công mạnh, và sâu thường tấn công dừa già hơn là dừa non.

sau.jpg
Sâu đầu đen ăn lá dừa –ảnh: Internet

Theo chuyên gia, nắng nóng đầu năm 2024 đã tạo điều kiện thuận lợi cho sâu đầu đen phát triển, đồng thời gây bất lợi cho các loài thiên địch như ong ký sinh.Tại Tiền Giang, tính đến đầu tháng 8/2024, hơn 200ha dừa bị sâu tấn công, ảnh hưởng nặng nề nhất xã Xuân Đông với hơn 181ha (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Cùng chung số phận, tại Bến Tre, "thủ phủ dừa" của Việt Nam, diện tích nhiễm sâu đầu đen đã tăng lên 615,99ha trong 7 tháng đầu năm 2024. Tại Trà Vinh, theo dự báo trong năm 2024 toàn tỉnh Trà Vinh có khoảng 100ha dừa bị nhiễm sâu đầu đen với mức độ gây hại từ nhẹ, trung bình và nặng.

Khi cây công nghiệp chủ lực đứng trước mối nguy lớn

Đây không phải lần đầu tiên sâu đầu đen hoành hành, gây ảnh hưởng đến canh tác của bà con nông dân. Năm 2022, Bến Tre từng phải "gồng mình" chống dịch sâu đầu đen với cao điểm lên đến 1.000ha trên tổng số 70.000ha vườn dừa trên địa bàn tỉnh nhiễm bệnh, khiến nhiều nhà vườn bị thua lỗ.

sau2.jpg
Sâu đầu đen tàn phá vườn dừa ở xã Minh Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre –ảnh: Tuấn Vũ

Sự trở lại của sâu đầu đen đặt ra một mối đe dọa trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của ngành dừa tại địa phương, đặc biệt trong bối cảnh năm 2024 dừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là cây công nghiệp chủ lực quốc gia. Cụ thể, tỉnh Bến Tre đã đặt mục tiêu phát triển ổn định 79.000 ha dừa trong giai đoạn 2024 - 2025, xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao và chế biến sâu các sản phẩm dừa. Kế hoạch cũng nâng giá trị ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm; kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, hướng đạt khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sự bùng phát của sâu đầu đen có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về sản lượng và chất lượng dừa, đe dọa trực tiếp đến những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng này.

sau3.jpg
Nhiều cây dừa đã chết vì sự tàn phá của sâu – Nguồn ảnh: Tuấn Vũ

Sâu đầu đen không chỉ gây thiệt hại về sản lượng và chất lượng dừa, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị của ngành. Diện tích trồng dừa thực tế có thể giảm do cây chết hoặc bị đốn hạ, khiến mục tiêu 79.000 ha trở nên khó khăn hơn. Nông dân mất niềm tin, chuyển đổi sang cây trồng khác gây mất cân bằng trong quy hoạch nông nghiệp. Chi phí phòng trừ sâu bệnh tăng cao, làm giảm lợi nhuận và khả năng tái đầu tư của nông dân.

Đối với các doanh nghiệp, sâu đầu đen ảnh hưởng đến cả sản lượng và chất lượng dừa, gây khó khăn cho việc chế biến sâu và nâng cao giá trị sản phẩm. Chuỗi cung ứng dừa có thể bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu, làm giảm sức cạnh tranh của ngành dừa trên thị trường quốc tế.

Thách thức này đòi hỏi sự chung tay của các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp và người nông dân. Cần triển khai các biện pháp phòng trừ và kiểm soát sâu bệnh hiệu quả, đồng thời hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất ổn định. Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ mới có thể bảo vệ cây công nghiệp chủ lực này và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành dừa Việt Nam.

Thượng Vượng