Nhà văn Phương Huyền: Người xây dựng cầu nối văn hóa đọc đến cộng đồng
Vốn là người say mê đọc sách và có một tình yêu đặc biệt với văn học, nhận ra những giá trị mà sách mang lại, nhà văn Phương Huyền thực hiện nhiều dự án lan tỏa niềm yêu thích đọc sách và truyền cảm hứng văn học đến cộng đồng.
Nhà văn Phương Huyền đã chinh phục trái tim độc giả bằng những trang viết nhẹ nhàng, tinh tế và đầy cảm xúc. Đến nay, chị đã xuất bản hơn 10 đầu sách, mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn sâu sắc và riêng biệt. Bên cạnh sự nghiệp viết lách, Phương Huyền còn nổi bật với vai trò MC tại các sự kiện văn chương của TP.HCM, đồng thời là nhà báo, biên tập viên, phát thanh viên với gần 20 năm công tác ở Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) trong lĩnh vực văn học và tâm lý.
Dù công việc tại đài có phần bận rộn, nhà văn Phương Huyền vẫn tích cực tham gia các hoạt động như đến các điểm trường để chia sẻ và lan tỏa việc đọc sách cho các bạn học sinh, sinh viên. Những buổi giao lưu, trao đổi của nhà văn Phương Huyền phần nào gợi mở và truyền cảm hứng, xây dựng thói quen đọc sách và yêu thích văn học trong thế hệ trẻ.
Thúc đẩy văn hóa đọc lan tỏa trong cộng đồng
Từ năm 2016, sau khi ra mắt tác phẩm “Cái tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú”, Phương Huyền bắt đầu hành trình đầy tâm huyết trong việc đi đến các trường để lan tỏa văn hóa đọc. Những hoạt động giao lưu và chia sẻ sách của Phương Huyền bắt đầu từ các điểm trường ở TP.HCM, dần dà sau khi hoạt động được nhiều người biết đến, chị bắt đầu mở rộng đến các tỉnh thành như: Gia Lai, Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Huế, Bến Tre… đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Trong năm học 2023 - 2024, nhà văn Phương Huyền đã tham gia rất nhiều sự kiện liên quan đến văn hóa đọc. Khi được hỏi về nguồn cảm hứng cho các dự án này, Phương Huyền tâm sự: “có lẽ, tất cả đều khởi nguồn từ ‘tình yêu’ và “lòng biết ơn” với sách. Và tôi cũng chỉ mong sao sẽ góp một phần nhỏ bé để truyền tải và lan tỏa tình yêu và lòng biết ơn ấy đến với nhiều người hơn”.
Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các buổi giao lưu tại các điểm trường, nhà văn Phương Huyền còn mở rộng chương trình chia sẻ đến nhiều địa điểm khác trong cộng đồng như: thư viện, bệnh viện, mái ấm…
Khi đến các bệnh viện, nhà văn Phương Huyền thường mang đến những buổi đọc sách và giao lưu đặc biệt, nhằm đem lại sự thư giãn và niềm vui trong những thời điểm khó khăn của bệnh tật. Nhà văn Phương Huyền hy vọng sách có thể là liều thuốc tinh thần quý giá, giúp xoa dịu nỗi đau và nâng cao tinh thần cho những người đang chiến đấu với bệnh tật. Bất kể ở đâu, Phương Huyền luôn sẵn sàng có mặt với sự nhiệt huyết và chân thành.
Với những hoạt động tích cực và sôi nổi trong việc kết nối và lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng, nhà văn Phương Huyền được vinh danh là 1 trong 10 Đại sứ Văn hóa Đọc TP.HCM năm 2024.
Chị cho biết: “Tôi đã và đang làm khá nhiều hoạt động liên quan đến khuyến đọc suốt những năm qua. Tuy nhiên, khi đảm nhận vai trò này, tôi cảm nhận mình càng phải có trách nhiệm hơn trong việc lan tỏa văn hóa đọc. Dù đôi lúc có mệt mỏi hay gặp khó khăn nhưng với vai trò Đại sứ Văn hóa Đọc, tôi càng phải nỗ lực hơn để đi tiếp và hoàn thành tốt hành trình này”.
Bằng tình cảm và những việc làm thiết thực, nhà văn Phương Huyền vẫn đang từng ngày gieo mầm tình yêu sách, bền bỉ để sách là sợi dây kết nối cộng đồng, cầu nối thúc đẩy văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Phát triển văn hóa đọc từ chính “cái nôi” gia đình, trường học
Một trong những dự án quan trọng nhất mà nhà văn Phương Huyền tâm huyết thực hiện là khuyến khích các bậc phụ huynh đồng hành cùng con trong hành trình yêu thích đọc sách. Việc đọc sách cần được rèn luyện từ nhỏ và hơn ai hết, gia đình chính là cái nôi, nền tảng đầu tiên để hình thành văn hóa đọc cho trẻ. Sách khơi gợi trong trẻ sự tò mò về sự vật, hiện tượng trong cuộc sống và tri thức từ sách cũng là lời giải đáp cho trẻ. Đồng thời, sách mở ra cánh cửa cho trí tưởng tượng và sự sáng tạo, giúp trẻ khám phá và hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống.
“Nhiều ba mẹ hay nói con mình không chịu đọc sách. Tuy nhiên, việc hình thành việc đọc sách phải bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ đọc sách và cùng con đọc hoặc kể chuyện cho các con, từ đó sẽ dễ dàng hình thành thói quen đọc sách và dần dần rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ”, nhà văn Phương Huyền bày tỏ.
Việc nuôi dưỡng tình yêu đọc sách không phải là một việc nhanh chóng, dễ dàng mà cần phải có một quá trình lâu dài và kiên trì. Nhà văn Phương Huyền cho rằng, để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của con, cha mẹ cần xây dựng thói quen đọc sách ngay từ nhỏ để giúp các con hiểu được việc đọc sách giúp ích gì cho mình và nhận thấy đó là cần thiết.
Nhà văn gợi ý, các bậc phụ huynh nên dành thời gian đưa con đi nhà sách, đường sách để các con tự chọn theo sở thích đọc cá nhân. Từ đó, phụ huynh có thể hiểu được nhu cầu đọc của con và có thể tìm hiểu, gợi ý thêm cho trẻ những cuốn sách hay cùng chủ đề. Việc hiểu con và xây dựng việc đọc sách là bước đầu trên hành trình nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho trẻ.
Hành trình lan tỏa văn hóa đọc rất dài, chỉ mong các bạn đọc sách nhiều hơn, mong ba mẹ cùng con đọc sách nhiều hơn” nhà văn Phương Huyền.
Cùng với gia đình, nhà trường chính là nơi lý tưởng để “ươm mầm” thói quen đọc sách cho trẻ. Phát triển văn hóa đọc trong trường học không chỉ thúc đẩy quá trình học tập và nghiên cứu của học sinh mà còn tạo ra môi trường khuyến khích khám phá tri thức. Trong những năm gần đây, nhiều trường học đã bắt đầu chú trọng đến việc phát triển văn hóa đọc trong không gian học tập của mình.
Để phong trào đọc sách trong trường học ngày càng thu hút các bạn học sinh, nhà văn Phương Huyền đề xuất: Nhà trường có thể tổ chức cuộc thi review về sách, lồng ghép việc đọc sách vào những tiết hoạt động ngoại khóa… Những hoạt động này sẽ tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận nhiều loại sách khác nhau, đồng thời phát triển kỹ năng tư duy và sáng tạo. Ngoài ra, việc xây dựng tủ sách, thư viện sách tại không gian trường học cũng là một cách hiệu quả để giới thiệu sách đến với các em học sinh.
Việc phát triển văn hóa đọc cho các em học sinh trong nhà trường và từ gia đình chính là cơ sở ban đầu để các em yêu thích đọc sách, từ đó hướng đến xây dựng một xã hội văn minh và phát triển.
Kết nối và sẻ chia những điều tốt đẹp
Bên cạnh vai trò là một nhà văn, nhà báo và MC, Phương Huyền còn dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động mang tính cộng đồng. Chị thường xuyên tham gia và tổ chức các chương trình thiện nguyện, thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề xã hội và nỗ lực góp phần làm cho cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.
Một minh chứng rõ nét cho hoạt động thiện nguyện của Phương Huyền là trong đợt dịch Covid-19, khi toàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội và mọi người phải ở nhà để phòng chống dịch, chị đã chuẩn bị các xe hàng, nhu yếu phẩm, thực phẩm cần thiết để chuyển đến cho những người cần trợ giúp.
"Ngày đó, do tính chất công việc ở nhà đài nên tôi vẫn đi làm, trên các tuyến đường, nơi đâu cũng giăng dây, mọi người đều ở trong nhà để thực hiện giãn cách. Lúc đó Phương Huyền nghĩ trước tình hình này nếu mình không làm gì lại cảm thấy áy náy và không yên tâm. Sau khi nhận được sự ủng hộ và động viên từ mọi người, tôi bắt đầu thực hiện và tìm mọi cách để có thể đưa nhu yếu phẩm và thực phẩm đến tận tay những người cần giúp đỡ", Phương Huyền chia sẻ.
Phương Huyền tâm sự: “Có lẽ vì xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn nên tôi dễ dàng đồng cảm với những số phận kém may mắn. So với nhiều người khác, công việc thiện nguyện của bản thân tôi rất nhỏ bé nhưng nó mang lại hạnh phúc cho chính tâm hồn mình về sự sẻ chia và yêu thương”.
Ban đầu, các hoạt động thiện nguyện của Phương Huyền chủ yếu tập trung vào dịp Tết, sau đó đến những đợt phát quà cho các em nhỏ đêm Noel, giúp đỡ bà con vùng lũ lụt…, rồi cứ thế, các chương trình thiện nguyện của chị ngày càng phong phú hơn, được nhân rộng và trở nên thường xuyên.
Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, nhà văn Phương Huyền đã vận động quyên góp để mua tập cho học trò được hơn 100 triệu đồng.
Những đóng góp của nhà văn Phương Huyền không chỉ mang lại niềm vui và hy vọng cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, góp phần vào việc xây dựng một xã hội ngày càng nhân văn và tốt đẹp hơn.
Trò chuyện với tương lai
Bên cạnh việc chia sẻ về văn hóa đọc, nhà văn Phương Huyền còn phối hợp với các điểm trường tổ chức chương trình “Trò chuyện với tương lai” để giao lưu, hướng nghiệp về kỹ năng sống, định hướng ước mơ, nghề nghiệp cho các bạn học sinh. Một trong những hoạt động nổi bật của chương trình là các bạn học sinh viết thư gửi cho chính mình trong tương lai để giúp các bạn có được mục tiêu và thực hiện kế hoạch đó.
Bạn Thanh Nhã - Lớp 9 Trường THCS, THPT Đặng Chí Thanh, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận - chia sẻ: “Cảm ơn cô đã phần nào thắp sáng lên những câu hỏi mà chúng con chưa tìm được câu trả lời. Đối với riêng con, chương trình đã giúp con vẽ cụ thể hơn về ước mơ của mình. Và với câu hỏi là “Liệu con làm việc đó có hạnh phúc không?”, con tin ước mơ mang con chữ về làng là điều giúp con hạnh phúc trong hành trình cuộc sống này”.