Công nghệ

Sôi động startup trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Võ Liên - Ngọc Duy 13/09/2024 22:10

Trong những năm gần đây, các startup về trí tuệ nhân tạo lần lượt ra đời đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo ghi nhận từ nền tảng dữ liệu thị trường Tracxn, Việt Nam hiện có khoảng 278 startup về lĩnh vực này, cao gấp khoảng 4,5 lần so với năm 2021.

Đa ngành, đa lĩnh vực

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần xâm nhập vào các ngành nghề một cách mạnh mẽ như đô thị thông minh, y tế, tài chính và ngân hàng, giáo dục, tự động hóa công nghiệp, xuất bản…

Ra đời vào cuối năm 2022, dizim.ai là nền tảng tập trung vào việc phát triển và triển khai các mô hình học máy (machine learning) và học sâu (deep learning) để tự động hóa sản xuất video. Với công nghệ AI human (người ảo), nền tảng này giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo ra những video chất lượng cao với người ảo làm diễn thuyết. Các video này vẫn được trình bày một cách chân thực nhưng ít tốn thời gian và công sức thực hiện hơn.

1-11.13.38.jpg
Sergio - người dẫn chương trình ảo của dizim.ai tham gia dẫn chương trình.

Theo ông Nguyễn Như Khánh Hoàng - đồng sáng lập dizim.ai, người ảo được xây dựng với 60 ngôn ngữ, mở ra cơ hội tiếp cận cho đa dạng đối tượng khách hàng từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, với ngôn ngữ tiếng Việt, nhóm xây dựng AI có giọng nam và giọng nữ nói được nhiều giọng vùng miền khác nhau.

“Nếu sản xuất một video truyền thống cần tối thiểu 4 giờ để hoàn chỉnh từ khâu kịch bản đến quay dựng thì với dizim.ai, mỗi video chỉ mất 5 phút và chi phí khoảng 50 nghìn đồng. Trong khi đó, chất lượng video vẫn chuyên nghiệp như được thực hiện tại trường quay”, ông Hoàng chia sẻ.

Đến năm 2023, startup này thu hút hơn 10.000 người dùng, bao gồm các cá nhân lẫn doanh nghiệp, với doanh thu khoảng 4.000 USD/1 tháng.

Tại Việt Nam, startup về ứng dụng sách nói có bản quyền Voiz FM cũng sử dụng AI. Hiện doanh nghiệp này có 3,5 triệu người dùng.

Hay LovinBot cũng đã ra đời sau 4 tháng ChatGPT gây sốt toàn cầu vào năm 2023. Công ty này cung cấp Trợ lý viết nội dung (content) bằng AI đầu tiên của Việt Nam. LovinBot được huấn luyện tăng cường tiếng Việt dựa trên GPT-3.5 Turbo và GPT-4 của Open AI, chuyên dùng trong lĩnh vực Marketing, như viết bài quảng cáo, SEO, kịch bản… với tốc độ cao và khả năng sử dụng ngôn ngữ chính xác hơn so với các sản phẩm nước ngoài. Nhờ đó, LovinBot đã nhanh chóng đạt mức tăng trưởng hơn 200%/tháng. Sau 1 năm có hơn 50.000 khách hàng đăng ký sử dụng.

Ông Đặng Hữu Sơn - CEO LovinBot AI cho biết, công ty liên tục cập nhật các công nghệ AI mới nhất của thế giới, đồng thời tối ưu ngôn ngữ tiếng Việt. Do đó, dù các sản phẩm AI của nước ngoài ra mắt liên tục trong một năm qua, LovinBot vẫn tiếp tục tăng trưởng và xây dựng cho mình những khách hàng trung thành.

2-11.13.38.jpg
AI cũng được ứng dụng thông qua các thuật toán gợi ý nội dung cho người dùng sách nói.

Theo ông Lê Hoàng Thạch - Giám đốc công ty TNHH Công nghệ WEWE (ứng dụng sách nói Voiz FM), AI được ứng dụng rộng rãi nhất thông qua các thuật toán gợi ý nội dung cho người dùng, sau đó là đến các công việc phụ trợ khác như: biên tập sách, cắt ghép nội dung sách để truyền thông, phân tích từ khoá để nhận biết nhu cầu của người dùng... Tuy nhiên, AI cũng chưa chính thức sử dụng AI Voice do hạn chế trong biểu cảm giọng đọc.

Ông Thạch cũng nhận định, vai trò lớn nhất của AI vẫn là tối ưu hóa nguồn lực dành cho các công việc lặp đi lặp lại, tốn nhiều thời gian, công sức nếu làm thủ công, còn các công việc cần đến tư duy thẩm mỹ của con người thì AI vẫn chưa thay thế được. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, các công cụ AI đã ngày càng có chất lượng tốt hơn, vì thế, một số công việc cần thẩm mỹ đơn giản rất có thể sẽ được AI hoàn thiện trong thời gian sắp tới.

Khác biệt và cụ thể

Các chuyên gia nhận định, startup công nghệ thông thường có công thức thành công chung là đáp ứng yêu cầu về tính ứng dụng thực tiễn cao, với độ chính xác và hiệu quả của công nghệ. Đồng thời cần khả năng tích hợp và mở rộng, trải nghiệm người dùng (UX/UI)...

Theo PGS.TS Quản Thành Thơ - Phó Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, để thành công, các startup AI phải có các yếu tố khác biệt sâu sắc về tính trọn gói và tính liên ngành của giải pháp.

Các nghiên cứu về AI hiện vẫn còn mang tính chất mũi nhọn, giải quyết các bài toán hết sức cụ thể. Trong khi đó, hệ thống hoá cần mang tính chất tổng thể. “Nếu startup nào “đóng gói” AI vào trong bài toán chung hệ thống hóa một cách độc đáo và sáng tạo thì sẽ tạo sự khác biệt trên thị trường”, PGS.TS Quản Thành Thơ cho biết thêm.

AI còn có khả năng làm mờ ranh giới giữa các ngành, các chuyên môn. Nếu tận dụng tốt điều này để đưa ra giải pháp trọn gói cho các vấn đề cụ thể có tính liên ngành, gắn liền với một mô hình kinh doanh khả thi thì startup sẽ chiếm được ưu thế lớn. Trong khi đối thủ phải tốn kém nhiều chi phí hơn cho việc thuê chuyên gia ở các ngành khác nhau để giải quyết dẫn đến việc không cạnh tranh được về giá.

3.jpg
Ông Nguyễn Hữu Sơn đang giới thiệu về ứng dụng AI trong chiến dịch Marketing.

Ông Nguyễn Hữu Sơn (CEO LovinBot AI) cho rằng, các startup cần tập trung vào giải quyết vấn đề cụ thể, không sa đà vào tính năng sản phẩm. AI nhiều khi chỉ là một tính năng trong sản phẩm. Các founder cần tập trung vào giải quyết những vấn đề thực tế và cụ thể mà khách hàng đang gặp phải. Đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác với các hiệp hội, chuyên gia, nhà đầu tư thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, hội thảo, tọa đàm về AI…

‘Mảnh đất quý’ cho những ai ‘nhanh và mới’

Theo Thundermark Capital, Việt Nam và Singapore là hai đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong top 30 thế giới về nghiên cứu AI. Google cũng dự đoán đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hằng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt khoảng 74 tỷ USD và AI sẽ có đóng góp lớn trong các lĩnh vực kinh tế số.

Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội kế toán CPA Australia hồi đầu tháng 8/2024 cho thấy, cứ 10 doanh nghiệp Việt được hỏi thì có 8 doanh nghiệp đã dùng AI trong 12 tháng qua, cao hơn trung bình khu vực là 69%. Hầu hết mọi người khi dùng AI đều nhận thấy lợi ích của nó trong việc cải thiện hoạt động kinh doanh thông qua tăng năng suất, tự động hóa,...

Theo ông Đặng Hữu Sơn - CEO LovinBot, các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đã và đang chuyển hướng quan tâm đến lĩnh vực AI. Một số danh nghiệp đã nhận được nhiều đề nghị từ các quỹ đầu tư muốn tìm hiểu và tham gia các vòng gọi vốn cho giải pháp ứng dụng AI phát triển trợ lý ảo.

Sự quan tâm này là bước tiến quan trọng, khi số lượng startup nhận được vốn đầu tư năm 2023 còn khá khiêm tốn do nên kinh tế gặp khó khăn. Các doanh nghiệp ứng dụng AI để tối ưu chi phí vận hành, tinh gọn bộ máy, tăng trưởng tốt cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc gọi vốn.

“Đây là chính “mảnh đất quý”, để các startup tạo ra sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, cũng như thu hút đầu tư. Nhu cầu là có thật, nhưng để nắm bắt được cơ hội, các startup cần biết cách tiếp cận vấn đề của doanh nghiệp và cung cấp sản phẩm phù hợp”, ông Sơn nhấn mạnh.

Các startup về công nghệ, đặc biệt là AI thường gặp nhiều khó khăn do thời gian phát triển sản phẩm lâu, không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo ông Lê Hoàng Thạch - Giám đốc công ty TNHH Công nghệ WEWE, đặc trưng của giới khởi nghiệp sáng tạo chính là nhanh và mới. Mới là ở đầu óc của người sáng lập, còn nhanh là khi biết ứng dụng AI một cách nhuần nhuyễn. Cách công ty sử dụng AI để đổi mới một ngành nghề, hoặc tạo ra những công cụ mới là điều nhà đầu tư quan tâm. Chứ không phải cứ thêm "ứng dụng AI" vào hồ sơ gọi vốn là sẽ lập tức thu hút được đầu tư.

Võ Liên - Ngọc Duy