Sống xanh

Việt Nam hướng tới thí điểm lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tích lũy tín chỉ carbon

Võ Liên 10/09/2024 - 21:30

Tính đến 7/2024, 7 mô hình liên quan đến lúa chất lượng cao, phát thải thấp được triển khai tại các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp. Giảm phát thải đồng nghĩa với tích lũy tín chỉ carbon.

Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp với các đơn vị vừa tổ chức tọa đàm "Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon" tại TP.HCM.

lua-giam-phat-thai.jpg
Xây dựng thương hiệu lúa giảm phát thải mang lại giá trị đáng kể.

Thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam khởi động với giá bán 5 USD/tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, với tín chỉ carbon lúa, hiện nay chưa quốc gia nào thương mại được và cũng chưa xác định được giá 1 tín chỉ carbon lúa là bao nhiêu. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là giúp nông dân hiểu được chỉ cần tuân thủ đầy đủ các quy trình trong trồng lúa để giảm thải.

Sản xuất giảm phát thải khí carbon trên lúa

Liên quan tới Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long là đề án đầu tiên trên thế giới liên quan đến sản xuất giảm phát thải trên lúa, TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn - cho biết, hiện nay, tín chỉ carbon về lúa chưa quốc gia nào thương mại được.

Tính đến tháng 7/2024, đã có 7 mô hình thí điểm được triển khai, mỗi mô hình có diện tích trung bình 50 ha tại các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang hợp tác với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để định giá tín chỉ carbon với mức giá 20 USD/tín chỉ. Nếu nông dân tuân thủ đầy đủ các quy trình, họ có thể giảm được 30% lượng phát thải, tương đương với việc giảm 2 tín chỉ carbon, mang lại lợi ích kinh tế là 960.000 đồng.

Ông Hải nói: "Sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất tốt nhằm tăng thu nhập cho người nông dân. Điều quan trọng cần tập trung thực hiện đúng đắn và bền vững các quy trình sản xuất, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả người nông dân và nền kinh tế nông nghiệp xanh".

mo-hinh-canh-dong-hoi-nhap.jpg
Mô hình "Cánh đồng hội nhập" được kỳ vọng thúc đẩy sản xuất lúa vùng ĐBSCL theo hướng bền vững.

Cũng theo ông Hải, nhu cầu đào tạo nhân lực quản lý Nhà nước trong công tác tín chỉ carbon cho đề án này là cấp thiết vì hiện nay các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL đều gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này.

Nhiều doanh nghiệp khi về gặp gỡ các nông dân địa phương đều nói chưa đúng thực tế về vấn đề cam kết trả 20 USD/1 tín chỉ carbon, hay một số công ty nói về sản xuất giảm phát thải nhưng bản chất vẫn là kinh doanh nông nghiệp đơn thuần. Thực tế, theo ông Hải chưa có doanh nghiệp nào được phép tiến hành đo đạc để cấp chứng chỉ carbon trong trồng lúa, nhưng các doanh nghiệp vẫn đến các nơi trồng lúa địa phương đặt thiết bị và gọi đó là "đo giảm phát thải".

Cần khoảng 150.000 nhân lực đánh giá các loại tín chỉ carbon

Nhiều chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, đặt mục tiêu đến năm 2025 có thể bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng tổng số lượng carbon bán ra 25 triệu tín chỉ.

ong-le-hoang-the(1).jpg
TS. Lê Hoàng Thế - đại diện doanh nghiệp chuyên về sinh thái.

TS. Lê Hoàng Thế, đại diện doanh nghiệp chuyên về sinh thái, cho rằng Việt Nam cần khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.

Nhiều người nghĩ thị trường tín chỉ carbon chỉ gói gọn ở Việt Nam, tuy nhiên đây là thị trường mang tính quốc tế. Do đó, cần hình thành sàn tín chỉ thị trường carbon trong thời gian tới. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Trên cơ sở đó, TS Thế gợi ý cho các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường tín chỉ carbon cần chuẩn bị nguồn nhân lực có chuyên môn.

Còn theo TS. Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, trong lĩnh vực thị trường tín chỉ carbon, mỗi loại cây, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi thị trường tín chỉ carbon sẽ có những điểm khác biệt nhất định. Do vậy, cần có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng đúng quy định của từng thị trường, khai thác có hiệu quả năng lực giảm phát thải hay hấp thụ của từng loại cây, đưa ra các quyết định quản lý Nhà nước đúng với định hướng của ngành, lĩnh vực về giảm phát thải.

Thời gian qua, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn đã chủ động phối hợp với các đối tác để triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về tín chỉ carbon. Tuy nhiên, TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn - nhìn nhận thực tế ở Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn. Vấn đề này xuất phát từ việc Việt Nam mới tham gia vào tín chỉ carbon, các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế.

"Nhu cầu về tín chỉ carbon rất lớn, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần. Trong đó, một số tổ chức, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa cũng có nhu cầu tiếp xúc với thị trường tín chỉ carbon nhưng chi phí đào tạo, cũng như khả năng cung cấp tại chỗ hạn chế", TS. Trần Minh Hải nói.

Còn theo GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM, để tham gia vào thị trường carbon cần có sự tham gia nhiều thành phần. Việt Nam cần đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả các bước từ đo đạc, báo cáo tới thẩm định. Bên cạnh đó, các viện đào tạo và nghiên cứu nên tích cực tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon.

Nâng cao nhận thức về phát thải nhà kính

Theo ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, từ năm 2021, TP.HCM đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó, đặt nhiệm vụ trọng tâm xác định trách nhiệm thuộc về tất cả các cấp các ban ngành và toàn xã hội.

hinh-2-ong-cao-tung-son.jpg
Ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường.

Hiện Chính phủ đã đưa ra nhiều nghị định, thông tư về việc kiểm kê phát thải khí nhà kính đối với 2.000 doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong số này, TP.HCM có 140 doanh nghiệp bị áp hạn ngạch, chiếm tỷ lệ tương đối cao so với mức bình quân.

Theo ông Sơn, TP.HCM đang chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, ngập lụt… Thêm vào đó, thành phố cũng cần giải quyết những thách thức như đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch hành động và phát thải carbon thấp.

Trong thời gian tới, TP.HCM đặt nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, Sở tiếp tục đào tạo nâng cao nhận thức thông qua những cán bộ nòng cốt. Bên cạnh đó, đặt nhiệm vụ trọng tâm hướng dẫn cho các doanh nghiệp nằm trong danh sách áp dụng hạn ngạch giảm phát thải nhà kính.

Để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, Việt Nam cần những chuyên gia ở các lĩnh vực, như: đánh giá và báo cáo phát thải; quản lý năng lượng; công nghệ giảm phát thải; tài chính xanh; chính sách và pháp luật...

Ngày 21/3, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đã dành 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) cho Việt Nam. Theo WB, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) của WB.

Khoản chi trả này đã được chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019.

Võ Liên