Dòng chảy

TP.HCM làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Minh Thư06/09/2024 - 19:33

Sáng 6/9, Đoàn Công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc khảo sát, làm việc phục vụ thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

pcn.jpg
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, phát biểu mở đầu buổi làm việc

Đoàn Công tác do ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, làm Trưởng đoàn. Tiếp đoàn về phía TP.HCM có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan, lãnh đạo các sở ban ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho biết mục đích buổi làm việc là để nghe các cơ quan báo cáo về tình hình quản lý nhà nước trong hoạt động điện lực, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập và lấy ý kiến đóng góp phục vụ thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Ông Tạ Đình Thi mong muốn, TP.HCM từ thực tiễn địa phương là trung tâm kinh tế lớn và là nơi sản xuất, tiêu thụ điện lớn của cả nước, sẽ có những góp ý, đề xuất cụ thể để đoàn tổng hợp đưa vào báo cáo phục vụ thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

TP.HCM xây dựng và đưa vào nhiều công trình nguồn và lưới điện

Báo cáo của UBND TP.HCM cho thấy, đánh giá việc thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực điện lực, UBND Thành phố đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nhằm triển khai hiệu quả các chính sách và quy định của Trung ương, trong đó tập trung vào định hướng phát triển các nguồn năng lượng, quản lý hoạt động điện lực, phát triển các dự án điện lực và đảm bảo an toàn lưới điện.

Về tình hình đầu tư, phát triển các công trình điện trên địa bàn: Thực hiện theo quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt, trong những năm vừa qua, ngành Điện lực Thành phố đã xây dựng và đưa vào nhiều công trình nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và từng bước nâng cao chất lượng cung cấp điện cho các hộ phụ tải. Hệ thống lưới điện trên địa bàn Thành phố được xây dựng đồng bộ, có độ dự phòng cao, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, lưới điện 500kV cấp điện cho Thành phố gồm 4 trạm biến áp 500kV/8 máy biến áp với tổng công suất 6.600MVA. Lưới điện 220kV cấp điện cho Thành phố bao gồm 17 trạm/35 máy biến áp 220kV với tổng công suất lắp đặt 9.250MVA…

Về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, tính đến nay, toàn Thành phố có hơn 14.000 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt khoảng 355MWp. UBND Thành phố đã tổ chức xây dựng Đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời theo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội.

Trong thời gian qua, Thành phố đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác – phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, vừa xử lý rác, vừa tạo năng lượng an toàn cho môi trường. Hiện TP.HCM đang kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia một số dự án đốt rác phát điện.

Về năng lượng điện gió, hiện nay đang có 2 nhà đầu tư đề xuất UBND Thành phố cho phép khảo sát để đề xuất dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ.

Mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND Thành phố, các sở ban ngành, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện các dự án lưới điện vẫn còn nhiều vướng mắc khó khăn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện.

Cụ thể, vướng mắc do thiếu đồng bộ giữa Quy hoạch phát triển lưới điện Quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực của TP.HCM và quy hoạch địa phương (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng).

Ngoài ra, vướng mắc về việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với các công trình đầu tư xây dựng lưới điện. Theo quy định hiện hành, hoạt động đầu tư xây dựng trạm biến áp và đường dây đấu nối không thuộc trường hợp được giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất, trong khi các quy định hiện hành đều chưa có quy định về việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của các khu đất đã được quy hoạch để xây dựng trạm và đường dây tải điện.

Các kiến nghị của TP.HCM

Tại buổi làm việc, UBND Thành phố kiến nghị trong quá trình quy hoạch hệ thống hạ tầng cung cấp cho Thành phố, cần thực hiện đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại địa phương nhằm đảm bảo bố trí đủ quỹ đất để triển khai các dự án hạ tầng cung cấp điện, tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến đô công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án.

Thành phố cũng kiến nghị nghiên cứu cơ chế đặc thù cho phép ngành điện triển khai cắm mốc hành lang tuyến các đường dây 110-220kV và các trạm biến áp đã có trong Quy hoạch được phê duyệt, để làm cơ sở cho các quận, huyện khi phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng và bố trí quỹ đất cho các dự án khác phù hợp với quỹ đất và hướng tuyến của các dự án lưới điện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thỏa thuận địa điểm, hướng tuyến của các dự án sau này.

Ngoài các nội dung trên, Thành phố đóng góp một số ý kiến phục vụ thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, Thành phố kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng, đặc biệt trong phân ngành điện, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thành phố cũng kiến nghị cần nghiên cứu quy hoạch các nguồn điện tại chỗ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, trong đó lưu ý ưu tiên quy hoạch các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Đối với việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, để giải quyết dứt điểm vướng mắc liên quan đến thủ tục “giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất,” Thành phố kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu chính sách cho phép các dự án đầu tư xây dựng lưới điện 110kV, 220kV, 500kV do EVN và các đơn vị thành viên của EVN (100% vốn nhà nước) đầu tư nhằm đảm bảo cung cấp điện cho Quốc gia được giao thuê đất không thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất.

Minh Thư