Khoa học

Hai giáo sư lĩnh vực cơ khí của TP.HCM được vinh danh

Võ Liên 05/09/2024 - 17:20

Tại Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024, TP.HCM có 6 trí thức được tôn vinh trong dịp này.

Trong đó, GS.TS Trần Doãn Sơn (Giảng viên Khoa Cơ khí Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM) và GS.TS Nguyễn Huy Bích (Giảng viên cao cấp Khoa Cơ khí - Công nghệ Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) đều có xuất phát điểm từ lĩnh vực cơ khí. Tạp chí Khoa học phổ thông xin giới thiệu đến bạn đọc.

"Cha đẻ" của nhiều sáng chế

GS.TS Trần Doãn Sơn hiện là Giảng viên Khoa Cơ khí Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM. Hơn 40 năm qua, GS Trần Doãn Sơn vẫn tận tụy với công việc giảng dạy, nghiên cứu và sáng chế.

Từ năm 2003 đến nay, GS Trần Doãn Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 11 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích về chế biến hạt điều, chế biến cà phê, và chế biến thực phẩm.

gsts-tran-doan-son.png
GS.TS Trần Doãn Sơn miệt mài với những nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn đời sống.

GS Trần Doãn Sơn cùng cộng sự thành lập nhóm và chuyển giao sáng chế để ứng dụng vào thực tiễn. Về chế biến hạt điều, đội ngũ đã triển khai trên 1.000 cơ sở trong và ngoài nước, nhất là các nước đang phát triển ở châu Phi, Campuchia và chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ. Về chế biến cà phê (rang xay): xây dựng khoảng 500 thiết bị rang xay cho các cơ sở chế biến cà phê trong nước và nước ngoài. Về chế biến lương thực, thực phẩm: hơn 200 dây chuyền và thiết bị chế biến như phở, bún, bánh tráng gạo truyền thống, bánh tráng rế… được áp dụng cho các nhà hàng ở Việt Nam và các nước khác nước ở châu Âu.

Theo GS Sơn, Việt Nam là một nước đi lên từ nông nghiệp, trong đó các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Trước đây cũng như hiện nay, công nghệ và thiết bị chế biến các sản phẩm này còn thua kém nhiều nước. Xuất phát từ thực tế đó, GS Sơn và các đồng nghiệp đã tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ để chế biến các sản phẩm "nhà quê", giúp nâng cao dần giá trị của chúng.

Bên cạnh đó, đến nay, GS Trần Doãn Sơn đã thực hiện 5 đề tài và dự án cấp Nhà nước, nhiều đề tài cấp Bộ, cấp ĐHQG-HCM và cấp thành phố; hướng dẫn trên 60 nghiên cứu sinh, học viên cao học và trên 30 sinh viên nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều sinh viên đạt huy chương vàng và huy chương bạc tại các kỳ thi.

Với những nỗ lực cống hiến đó, GS Trần Doãn Sơn đã đạt nhiều giải thưởng và danh hiệu thi đua như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ lần thứ 6 năm 2021; danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2020,...

Ứng dụng các nghiên cứu vào thực tế

GS.TS Nguyễn Huy Bích hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, Giảng viên cao cấp Khoa Cơ khí Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống dạy học, GS Nguyễn Huy Bích đã chọn tiếp nối công việc giảng dạy hơn 39 năm. Trong quá trình giảng dạy, những vấn đề thường xuyên xuất hiện và đòi hỏi GS Bích phải không ngừng nâng cao trình độ từ thạc sĩ lên tiến sĩ để thích ứng với công việc giảng dạy ở nhiều bậc học khác nhau.

gs-nguyen-huy-bich.jpg
GS.TS Nguyễn Huy Bích hiện là Giảng viên cao cấp Khoa Cơ khí Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

Theo GS Nguyễn Huy Bích, sự đam mê với công việc là yếu tố có tính quyết định, giúp ông định vị được mục tiêu để phát triển theo từng giai đoạn.

"Khi làm thầy, tôi nhận thấy môi trường giáo dục đào tạo có thể giúp ích được cho nhiều người, giúp cho thế hệ sinh viên học sinh trưởng thành, phát triển nghề nghiệp và năng lực bản thân. Khi xác định được mục tiêu, công việc đòi hỏi bản thân hàng ngày phải luôn nỗ lực để có thể tiếp cận thực tiễn sản xuất, để bắt nhịp được với sự thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của kỹ thuật và xã hội, dự đoán trước các vấn đề có thể phát triển", GS Nguyễn Huy Bích chia sẻ.

Trong các công trình công bố, GS Nguyễn Huy Bích tâm đắc với công trình về việc lần đầu tiên tìm ra được cơ chế di chuyển của vi giọt chất lỏng dưới hiệu ứng mao dẫn nhiệt. Việc tìm ra cơ chế đã giúp việc phát triển và điều khiển vi giọt chất lỏng ứng dụng trong các thiết bị vi lưu, chip vi lưu… dùng trong lĩnh vực y khoa, sinh học…

Sau 14 năm công bố, bài báo đã được trích dẫn khá nhiều với 60 lần bởi các bài báo xuất bản trong các tạp chí uy tín SCI, đặc biệt các tạp chí của hệ thống Viện Vật lý Hoa Kỳ - AIP publisher. Bài báo đã tạo ra uy tín lớn và hướng nghiên cứu mới cho các luận án tiến sĩ khác.

Theo GS Nguyễn Huy Bích, làm khoa học không thể đi một mình. Vì vậy ông đã luôn đồng hành cùng tập thể Khoa Cơ khí Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM để thực hiện nhiều nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất, triển khai trong thực tiễn như: thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến dây khoai lang và các phụ phẩm nông nghiệp dùng cho ủ chua chế biến thức ăn đại gia súc; nghiên cứu công nghệ và thiết kế chế tạo thiết bị chế biến ca cao quy mô nhỏ; nghiên cứu thiết kế chế tạo máy xới cây ăn quả ứng dụng cho vùng cây ăn trái ĐBSCL...

GS Nguyễn Huy Bích đã chủ trì thực hiện 11 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ các cấp, trong đó: 2 dự án quốc tế với Asean và cộng đồng châu Âu; 8 đề tài cấp bộ và cấp tỉnh, 1 đề tài cấp trường.

6 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024 tại TP.HCM:

- GS.TS Nguyễn Huy Bích - nguyên Trưởng Khoa Cơ khí-Công nghệ Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.

- GS.TS Trần Linh Thước - Trưởng phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Ung thư, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM).

- GS.TS Nguyễn Sào Trung - Cố vấn chuyên môn, nguyên Trưởng khoa giải phẫu Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM/nguyên Trưởng khoa Y ĐH Y dược TP.HCM.

- GS.TS Trần Doãn Sơn - giảng viên cao cấp khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).

- GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (JABES), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

- PGS.TS Lê Hùng Anh - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện của Hội tại TP.HCM.

Võ Liên