Tìm công thức thành công của doanh nghiệp ngành dịch vụ ăn uống
Trước sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành dịch vụ ăn uống (F&B) cùng với việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp vẫn mở rộng quy mô và có doanh thu ổn định nhờ nhượng quyền thương hiệu.
Trong khi các chuỗi sở hữu chỉ có thể nhân rộng từ 5-10 điểm bán mỗi năm, nhượng quyền thương hiệu cho phép mở rộng 20-50 điểm bán nhỏ và 5-20 điểm bán vừa và lớn mỗi năm, tạo điều kiện cho sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp.
Đòn bẩy về quy mô
Báo cáo thị trường nửa đầu năm của iPOS - nền tảng cung cấp giải pháp quản lý hơn 100.000 doanh nghiệp nhà hàng quán cà phê - vừa công bố có ít nhất 30.000 cửa hàng trong lĩnh vực F&B trên toàn quốc đã đóng cửa trong sáu tháng đầu năm 2024. Trong khi đó, số lượng mở mới cửa hàng có phần hạn chế.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp F&B vẫn mở rộng quy mô tốt nhờ mô hình nhượng quyền thương hiệu và có doanh thu tăng. 10 năm khởi nghiệp, ông Đoàn Văn Minh Nhựt - đồng sáng lập thương hiệu Bánh mì Má Hải - cho biết đã nhượng quyền hơn 1.000 đối tác trên khắp cả nước. Việc nhượng quyền đã giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô lên gấp nhiều lần so với khi chưa áp dụng mô hình này, từ một chiếc xe bánh mì nhỏ ban đầu thành một chuỗi xe bánh mì chả cá phủ rộng khắp các tỉnh thành.
Hơn 20 năm có mặt trên thị trường, dù chỉ mới tham gia vào thị trường nhượng quyền 4 năm trở lại đây, ông Nguyễn Minh Hiếu - Giám đốc thương hiệu Cơm gà xối mỡ 142 - ghi nhận so với giai đoạn trước khi nhượng quyền, doanh nghiệp đã tăng trưởng gấp hơn 3 lần về quy mô. Các cửa hàng được mở mới ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Doanh thu của doanh nghiệp này vẫn không bị tác động quá nhiều trước sự thay đổi trong hành vi chi tiêu của người tiêu dùng.
Cũng giống như Cơm gà xối mỡ 142, mô hình nhượng quyền nước ép giúp ReViet Juice nhanh chóng mở rộng thêm 21 cửa hàng, trong đó, có 6 cửa hàng nhượng quyền được mở trong sáu tháng đầu năm 2024. Theo anh Nguyễn Tú Việt - CEO thương hiệu ReViet Juice, nhượng quyền đã giúp doanh nghiệp mở rộng gấp 5 lần về quy mô so với trước đó, doanh thu vẫn ổn định và có những điểm sáng trong sự tăng trưởng.
Theo đại diện các doanh nghiệp, việc lựa chọn mô hình nhượng quyền cho phép doanh nghiệp mở rộng quy mô nhanh chóng với chi phí thấp hơn so với việc tự mở các cửa hàng. Bên cạnh đó, mô hình này cũng cho phép nhiều người có thể tham gia kinh doanh với mức đầu tư hợp lý, từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng một mạng lưới phân phối rộng khắp mọi nơi.
"Nhượng quyền giúp chúng tôi mở rộng chuỗi cửa hàng nhanh chóng và xây dựng được một mạng lưới kinh doanh rộng khắp, từ đó gia tăng độ nhận diện thương hiệu và doanh thu", ông Nguyễn Minh Hiếu - Giám đốc thương hiệu Cơm gà xối mỡ 142 - nói.
Muôn vàn thách thức
Dù thị trường nhượng quyền F&B hiện nay đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức. Theo ông Nguyễn Tú Việt - CEO thương hiệu ReViet Juice, hiện nay, một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc nhượng quyền mở rộng số lượng cửa hàng ồ ạt mà không quan tâm đến việc đồng hành cùng đối tác lâu dài. Điều này dẫn đến nhiều cửa hàng nhượng quyền bị ngừng hoạt động sau một thời gian ngắn, gây ảnh hưởng đến tâm lý cũng như ấn tượng không tốt trong mắt nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Đỗ Duy Thanh - Sáng lập kiêm Giám đốc Công ty tư vấn F&B Director và Vietfranchise - cho biết một số đơn vị nhượng quyền chưa thật sự sở hữu nhãn hiệu đã triển khai nhượng quyền, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư. Ngoài ra, quy mô nhượng quyền còn nhỏ lẻ và phần lớn nhà đầu tư phải kiêm nhiệm nhiều vai trò trong vận hành, khiến mô hình này trở thành "lấy công làm lời". Đặc biệt, việc cam kết doanh thu hoặc lợi nhuận từ phía bên nhượng quyền cũng tiềm ẩn rủi ro do khó có thể dự đoán chính xác kết quả kinh doanh trong lĩnh vực F&B.
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch F&B Investment, chuyên gia tư vấn đào tạo trong ngành F&B - cho rằng thách thức lớn thị trường nhượng quyền F&B hiện nay là thiếu vắng những thương hiệu có mô hình kinh doanh bền vững, khả năng tạo lợi nhuận tốt để bán ra thị trường. Nhiều bên bán nhượng quyền là bên không đảm bảo khiến người mua nhượng quyền kinh doanh khó khăn dẫn tới thiếu niềm tin.
Ở góc độ pháp lý, theo Luật sư Hồ Thanh Thảo - Luật sư điều hành tại HT Partners Law & IP, nhiều vụ tranh chấp về nhượng quyền thương mại có nguyên nhân phổ biến phát sinh từ sự chủ quan trong việc thiết lập hợp đồng, các bên thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận là chính mà ít khi quan tâm đến các vấn đề pháp lý trong hợp đồng. Bên cạnh đó, việc áp đặt cuộc chơi từ "bên có quyền" dẫn đến quyền lợi của bên nhận quyền bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi hợp tác một thời gian hoặc không làm đúng như thỏa thuận ban đầu,… Ngoài ra, tranh chấp về phí nhượng quyền hoặc chính sách về giá thay đổi theo thị trường hoặc các loại phí khác cũng là một dạng tranh chấp phổ biến hiện nay.
Dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh
Theo Báo cáo triển vọng ngành F&B của Kirin Capital, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam năm 2024 dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023, đạt mốc hơn 655.000 tỷ đồng. Thị trường Việt Nam trong những năm gần đây là "miếng bánh" hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt mục tiêu tham gia đầu tư, nhất là dưới hình thức nhượng quyền thương mại.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, hơn 50% thương vụ nhượng quyền được ký kết tại Việt Nam đều thuộc lĩnh vực F&B. Chính sự thay đổi hành vi người dùng trở nên hiện đại và sẵn sàng chi tiêu hơn, Việt Nam được mong đợi trở thành top 3 quốc gia châu Á trong lĩnh vực kinh doanh F&B.
Theo ông Hoàng Tùng, thị trường nhượng quyền ở các quốc gia phát triển chiếm tới 10-12% GDP quốc gia, trong khi đó, con số này tại Việt Nam mới chỉ có 1-2%. Theo đó, với phân khúc vừa và nhỏ ở thị trường F&B, doanh nghiệp có nhiều cơ hội nhượng quyền khi có sản phẩm chất lượng và đóng gói mô hình tốt.
"Điều mà doanh nghiệp cần khi bán nhượng quyền là tạo ra mô hình kinh doanh đủ tốt, sản phẩm chất lượng, bài toán tài chính tốt để chuyển giao giá trị đó tới người mua nhượng quyền và tới khách hàng là người dùng sản phẩm", ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Còn theo ông Đỗ Duy Thanh, thị trường nhượng quyền F&B dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt là trong phân khúc nhỏ và vừa. Ông Thanh cũng kỳ vọng nhiều thương hiệu Việt sẽ tích cực mở rộng ra các thị trường quốc tế như Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, các thương hiệu quốc tế cũng sẽ tiếp tục thâm nhập vào Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng casual dining (nhà hàng bình dân - PV).