Hiểu đúng về thị trường tín chỉ carbon
Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều doanh nghiệp, người dân chưa hiểu đúng về thị trường tín chỉ carbon.
Ngày 16/8, tại TP.HCM, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH hệ sinh thái VOS Holdings tổ chức tọa đàm "Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon".
Năm 2023 là một bước tiến quan trọng khi Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng),…
Nhiều chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, đặt mục tiêu đến năm 2025 có thể bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng tổng số lượng carbon bán ra 25 triệu tín chỉ.
Phải đảm bảo lợi ích cho người nông dân
Tại tọa đàm, TS Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL là đề án đầu tiên trên thế giới liên quan đến sản xuất giảm phát thải trên lúa. Hiện nay, tín chỉ carbon về lúa chưa quốc gia nào thương mại được.
Tính đến tháng 7/2024, đã có 7 mô hình thí điểm được triển khai, mỗi mô hình có diện tích trung bình 50 ha tại các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hợp tác với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để định giá tín chỉ carbon với mức giá 20 USD/tín chỉ. Nếu nông dân tuân thủ đầy đủ các quy trình, họ có thể giảm được 30% lượng phát thải, tương đương với việc giảm 2 tín chỉ carbon, mang lại lợi ích kinh tế là 960.000 đồng.
Theo ông Hải, cần phải nhìn nhận đề án không phải làm ra để sản xuất carbon mà là vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, từ đó áp dụng quy trình sản xuất tốt nhằm tăng thu nhập cho người nông dân.
"Điều quan trọng cần lưu ý là không nên tham gia vào thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo bằng mọi giá. Thay vào đó, cần tập trung thực hiện đúng đắn và bền vững các quy trình sản xuất, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả người nông dân và nền kinh tế nông nghiệp", ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, nhu cầu đào tạo nhân lực cho đề án này là cấp thiết vì hiện nay các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL đều gặp nhiều khó khăn.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp về địa phương nói quá vấn đề cam kết trả 20 USD/1 tín chỉ carbon, hay nhiều công ty cắm bảng rêu rao sản xuất giảm phát thải nhưng bản chất chỉ là kinh doanh nông nghiệp. Thực tế chưa có doanh nghiệp nào được đo đạc để cấp chứng chỉ carbon trong trồng lúa, nhưng các doanh nghiệp vẫn đến các vùng trồng lúa của người dân đặt ống xuống và gọi đó là đo giảm phát thải. Điều này đòi hỏi việc đào tạo nhân lực về quản lý Nhà nước trong công tác tín chỉ carbon.
Tại tọa đàm, TS Lê Hoàng Thế - Giám đốc Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Harvest cho biết, nhiều người nghĩ thị trường tín chỉ carbon chỉ gói gọn ở Việt Nam, tuy nhiên đây là thị trường mang tính quốc tế. Do đó, cần hình thành sàn tín chỉ thị trường carbon trong thời gian tới. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ khởi động công việc đầu tiên của thị trường là chạy ra sàn giao dịch. Trên cơ sở đó, TS Thế gợi ý cho các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường tín chỉ carbon cần chuẩn bị nguồn nhân lực có hiểu biết, tri thức để kiểm kê, kê khai và những vấn đề liên quan đến carbon.
TP.HCM có 140 doanh nghiệp áp hạn ngạch phát thải
Theo ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, từ năm 2021, TP.HCM đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó, đặt nhiệm vụ trọng tâm xác định trách nhiệm thuộc về tất cả các cấp các ban ngành và toàn xã hội.
Hiện Chính phủ đã đưa ra nhiều nghị định, thông tư về việc kiểm kê phát thải khí nhà kính đối với 2.000 doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong số này, TP.HCM có 140 doanh nghiệp bị áp hạn ngạch, chiếm tỷ lệ tương đối cao so với mức bình quân.
Theo ông Sơn, TP.HCM đang chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, ngập lụt,… Thêm vào đó, thành phố cũng cần giải quyết những thách thức như đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch hành động và phát thải carbon thấp.
Trong thời gian tới, TP.HCM đặt nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, Sở tiếp tục đào tạo nâng cao nhận thức thông qua những cán bộ nòng cốt. Bên cạnh đó, đặt nhiệm vụ trọng tâm hướng dẫn cho các doanh nghiệp nằm trong danh sách áp dụng hạn ngạch giảm phát thải nhà kính.
Trước xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon ngày càng cấp thiết. Để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, Việt Nam cần những chuyên gia ở các lĩnh vực, như: đánh giá và báo cáo phát thải; quản lý năng lượng; công nghệ giảm phát thải; tài chính xanh; chính sách và pháp luật,..