TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lòng đường, vỉa hè
Ngày15/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024; ký kết giao ước thi đua trong công tác bảo đảm trật tự lòng, lề đường, vỉa hè năm 2024.
Báo cáo tại Hội nghị, Ban An toàn giao thông Thành phố cho biết trong 6 tháng đầu năm Ban An toàn giao thông Thành phố phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản có liên quan đến lĩnh vực TTATGT, giảm ùn tắc giao thông.
Tăng cường thực hiện công tác bảo đảm TTATGT
Cụ thể, Công an Thành phố đã tập trung triển khai thực hiện các Kế hoạch cao điểm bảo đảm TTATGT-TTXH dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân 2024, dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 và 01/5, tăng cường bảo đảm TTATGT trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ nghỉ hè năm 2024...
Sở Giao thông vận tải đã ban hành 12 Kế hoạch nhằm triển khai công tác bảo đảm TTATGT trong năm 2024; phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm TTATGT trong các dịp Lễ, Tết; công tác chuyển đổi số; kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do Sở Giao thông vận tải phụ trách.
Sở Xây dựng đã ban hành 05 Công văn về tăng cường thực hiện công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn Thành phố; Công văn triển khai các phương án, giải pháp chủ động phòng tránh, ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng đến giao thông do sự cố hạ tầng kỹ thuật trong năm 2024; thực hiện công tác nạo vét hệ thống thoát nước; cắt mé nhánh cây xanh che khuất hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, che khuất đèn chiếu sáng công cộng, che khuất tầm nhìn giao thông; bảo đảm hoạt động của hệ thống chiếu sáng công cộng;...
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố tập trung công tác quán triệt, triển khai và tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân các văn bản pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực an toàn giao thông. Tiếp tục duy trì và nâng chất các mô hình hoạt động hiệu quả và tích cực, như: Cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, phong trào “3 không – 3 có”, mô hình “An toàn giao thông – Hạnh phúc mọi nhà”,... Thực hiện giám sát đối với công tác quản lý trật tự đô thị và quản lý, sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè tại các địa phương.
Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố, Kênh VOV giao thông Khu vực phía Nam triển khai Kế hoạch công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT đến người dân, khán, thính giả truyền hình thông qua nhiều chương trình, nội dung trực quan sinh động.
Ban An toàn giao thông các quận, huyện và thành phố Thủ Đức xây dựng và ban hành Kế hoạch công tác bảo đảm TTATGT năm 2024, Kế hoạch phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT năm 2024, Kế hoạch cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024...
Bên cạnh đó, Công an Thành phố đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố tập trung huy động tối đa lực lượng mở các đợt cao điểm ra quân lập lại TTATGT. Cụ thể về lĩnh vực đường bộ: phát hiện, xử lý 352.435 trường hợp vi phạm, so cùng kỳ tăng 29.382 trường hợp; tạm giữ 486 xe ôtô, 104.850 xe môtô, 674 xe 3,4 bánh. Thực hiện quyết định 201.818 trường hợp, với số tiền xử phạt 388.871.275.000 đồng; phạt tại chỗ 976 trường hợp, với số tiền xử phạt 170.980.000 đồng. Tước Giấy phép lái xe: 54.245 trường hợp. Lĩnh vực đường thủy: phát hiện xử lý 2.235 trường hợp vi phạm, so cùng kỳ tăng 617 trường hợp. Phạt tiền 6.602.279.000 đồng, so cùng kỳ tăng 2.000.548.000 đồng.
Về tai nạn giao thông, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã xảy ra 808 vụ TNGT (kể cả va chạm), làm chết 223 người, bị thương 539 người. So với cùng kỳ 2023 giảm 15 vụ (-2%), giảm 129 người chết (-37%), tăng 83 người bị thương (+18%).
Về xử lý điểm đen tai nạn giao thông, Ban An toàn giao thông Thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức để thực hiện chủ trương, giải pháp tại các điểm đen TNGT; Xử lý điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, tiếp tục triển khai Kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng của Thành phố và các quận, huyện chủ động phân luồng giao thông ngay từ đầu, không để xảy ra ùn tắc, không để phát sinh các điểm có nguy cơ ùn tắc mới.
Nhiệm vụ trọng tâm quý III/2024
Về nhiệm vụ trọng tâm quý III/2024, Ban An toàn giao thông Thành phố sẽ rà soát các điểm mới của Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, các quy chế phối hợp liên ngành nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới.
Phối hợp các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền theo chủ đề Năm An toàn giao thông 2024: các quy định pháp luật kiểm soát tốc độ; kiểm soát uống rượu bia; chất kích thích đối với lái xe; an toàn đường ngang đường sắt, an toàn bến khách ngang sông,...;
Phối hợp các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền theo chủ đề Năm An toàn giao thông 2024: các quy định pháp luật kiểm soát tốc độ; kiểm soát uống rượu bia; chất kích thích đối với lái xe; an toàn đường ngang đường sắt, an toàn bến khách ngang sông,...;
Đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm.
Tham mưu UBND Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông và bảo đảm đáp ứng nhu cầu phương tiện đi lại của người dân.
Theo dõi, chỉ đạo và tăng cường chất lượng hoạt động của Đoàn Kiểm tra liên ngành về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và Đoàn kiểm kiểm tra liên ngành về trật tự, an toàn giao thông đường thủy, nhằm bảo đảm sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả của các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố;...
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đánh giá và tổ chức các Đoàn làm việc với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức có tình hình TNGT phức tạp và tăng cao, tình hình phức tạp về trật tự lòng đường, vỉa hè. Đồng thời, kiến nghị và phối hợp các sở, ngành giải quyết những kiến nghị của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về bất cập hạ tầng giao thông; xây dựng và triển khai các phương án xử lý các điểm đen tai nạn giao thông, điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông và trật tự lòng, lề đường, vỉa hè
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường biểu dương các tập thể, cá nhân đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông và trật tự lòng, lề đường, vỉa hè trong 6 tháng đầu năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập: Hạ tầng giao thông tiếp tục quá tải do lượng xe cá nhân tăng nhanh; tình trạng ngập nước, lề đường, vỉa hè bị tái lấn chiếm để làm nơi kinh doanh, buôn bán sau các đợt ra quân vẫn còn phổ biến, nhất là tại một số khu vực trung tâm, các bệnh viện lớn, các tuyến đường, địa bàn giáp ranh các quận, huyện,...; nhiều nơi đường chưa thông, hè chưa thoáng, gây mất trật tự mỹ quan đô thị. Số người chết do tai nạn giao thông giảm, tuy nhiên số vụ và số người bị thương tăng, tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp tình hình trật tự, an toàn giao thông trong những tháng cao điểm cuối năm nếu không có các giải pháp cụ thể và quyết liệt.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đề nghị lãnh đạo các sở - ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, các quận huyện, các phường, xã, thị trấn tiếp tục xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung, ưu tiên thực hiện.
Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, đánh giá việc gương mẫu tuân thủ và chấp hành nghiêm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đối với quy định không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uông rượu bia; không vi phạm liên quan đến chất kích thích; không can thiệp vào các vụ việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng; tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và người thân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Liên quan đến việc tái lập trật tự lòng đường, vỉa hè, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý đô thị và phải được tiến hành một cách thường xuyên, quyết liệt nhưng kiên trì, bình tĩnh, không nóng vội; trong đó, then chốt vẫn là công tác vận động. Vì vậy, từng địa phương quận, huyện, phường, xã phải chọn từng tuyến đường cụ thể để khảo sát, nắm chắc tâm lý từng hộ dân để xây dựng kế hoạch cụ thể, sau khi lập lại trật tự phải bàn giao cho Tổ Nhân dân tự quản.
Bên cạnh đó, các sở, ngành cần tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lòng đường, vỉa hè như camera giám sát, số hóa vỉa hè, nhà giữ xe thông minh...
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường tin tưởng các đơn vị sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Năm An toàn giao thông 2024 với những kết quả góp phần quan trọng vào chỉ tiêu, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong năm 2024.
Dịp này, các đơn vị ký kết giao ước thi đua trong công tác bảo đảm trật tự lòng, lề đường, vỉa hè năm 2024.