Giáo dục

Lan tỏa giá trị phát triển bền vững trong UEH

Công Chương 15/08/2024 - 22:19

Ngày 15/8, Công đoàn Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) tổ chức tọa đàm khoa học “Phát triển Đại học UEH bền vững – Xu hướng tất yếu hiện nay”.

Sự kiện có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học UEH; GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học UEH; PGS.TS. Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học UEH; bà Trần Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; TS. Nguyễn Thiện Duy - Chủ tịch Công đoàn UEH và hơn 150 cán bộ, công đoàn viên UEH.

ueh-thien-duy.jpg
TS. Nguyễn Thiện Duy - Chủ tịch Công đoàn UEH phát biểu khai mạc sự kiện.

Cam kết mạnh mẽ đối với mục tiêu phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Nguyễn Thiện Duy - Chủ tịch Công đoàn UEH cho biết, buổi tọa đàm hôm nay là kết quả của gần 6 tháng nỗ lực của tổ chức Công đoàn UEH với các hoạt động ý nghĩa nhằm lan tỏa giá trị bền vững trong UEH, trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 - khởi động, bằng cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu Chiến lược phát triển Đại học UEH bền vững, qua 5 ngày tổ chức, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 420 đoàn viên công đoàn từ 35 đơn vị thuộc UEH và 11 đơn vị thuộc Phân hiệu Vĩnh Long.

Giai đoạn 2, tăng tốc với việc tổ chức, phản biện các bài viết tham luận và xuất bản kỷ yếu tọa đàm gồm 40 bài viết chất lượng. Và cuối cùng, giai đoạn về đích với buổi tọa đàm này. Đây là cơ hội để tất cả người của UEH cùng nhau ngồi lại, trao đổi, chia sẻ kiến thức và ý tưởng sáng tạo nhằm xây dựng và phát triển một mô hình đại học đa ngành và bền vững. Đây không chỉ là bước cuối cùng trong chuỗi hoạt động của tọa đàm khoa học mà còn là điểm nhấn khẳng định cam kết mạnh mẽ của UEH đối với mục tiêu phát triển bền vững.

“Công đoàn UEH cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Đảng ủy, lãnh đạo UEH và toàn thể viên chức, giảng viên, người lao động để hiện thực hóa tầm nhìn “Đến năm 2030, UEH sẽ trở thành đại học đa ngành có danh tiếng học thuật và hành động bền vững trong khu vực Châu Á”. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đoàn kết và quyết tâm của tất cả các thành viên, UEH sẽ trở thành một cơ sở giáo dục đại học đi đầu trong lĩnh vực phát triển bền vững…” - TS. Nguyễn Thiện Duy nhấn mạnh.

Phát triển bền vững là trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học UEH, Trưởng ban chỉ đạo Đại học UEH bền vững cho biết, từ năm 2021, UEH đã có bước chuyển mình mang tính chiến lược và cần thiết - đó là chuyển đổi sang mô hình đại học bền vững.

ueh-dong-phong-2.jpg
GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học UEH phát biểu chỉ đạo.

“Là Trưởng ban chỉ đạo Đại học UEH, tôi xin nhấn mạnh tầm quan trọng và cấp bách của sứ mệnh này đối với sự phát triển lâu dài và bền vững của UEH. Phát triển bền vững là chiến lược trong mọi hoạt động của UEH. Đây không chỉ là một yêu cầu tất yếu mà còn là trách nhiệm của chúng ta đối với cộng đồng và xã hội. Chúng ta không thể chỉ dừng lại ở lời nói mà cần phải biến những ý tưởng thành hành động cụ thể” - GS.TS. Nguyễn Đông Phong nhấn mạnh.

Theo GS.TS. Nguyễn Đông Phong, để triển khai thực hiện, UEH tập trung vào các giải pháp chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm các công việc cụ thể như: Tích hợp bền vững vào chương trình giảng dạy, đào tạo ra những thế hệ sinh viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn ý thức rõ ràng về trách nhiệm của mình đối với môi trường và xã hội.

- Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo: Tạo điều kiện và khuyến khích các nghiên cứu hướng đến giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và phát triển xã hội.

- Xây dựng cơ sở vật chất xanh và hiện đại: từng bước hiện đại hóa hơn nữa cơ sở vật chất, hướng đến việc sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, giảm thiểu khí thải và rác thải.

- Cải tiến quản trị để hỗ trợ phát triển bền vững, áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến, minh bạch và có trách nhiệm nhằm đảm bảo rằng các chính sách và hoạt động của UEH đều góp phần vào mục tiêu bền vững chung.

- Thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của cộng đồng: UEH sẽ mở rộng và củng cố mối quan hệ với các cộng đồng xung quanh, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong các dự án và sáng kiến bền vững, tạo ra một môi trường hợp tác đa chiều.

ueh-quang-hung.jpg
PGS.TS Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học UEH trình bày báo cáo tham luận.

Tại sự kiện, PGS.TS Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học UEH báo cáo tham luận “Chiến lược và hành động vì UEH phát triển bền vững”; bà Trần Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty TNHH Deloitte Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững tại Deloitte.

ueh-toa-dam.jpg
Các diễn giả tại tọa đàm bàn tròn “Kiến tạo hành động, bền vững tương lai”
ueh-toa-dam-3.jpg
Các công đoàn viên đặt câu hỏi với các diễn giả.

Bên cạnh đó, phần tọa đàm bàn tròn “Kiến tạo hành động, bền vững tương lai” đã thu hút sự tham gia đặt câu hỏi với các diễn giả: PGS.TS Bùi Quang Hùng, bà Trần Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; ThS. Võ Đức Hoàng Vũ - Ban Nghiên cứu - Phát triển và Gắn kết toàn cầu UEH; ThS. Lê Hữu Nghĩa - Khoa Du lịch, Trường kinh doanh, ĐH UEH; TS. Phan Thị Bảo Quyên - Phó Chủ tịch Công đoàn UEH.

ueh-toa-dam-1.jpg
Đại biểu chụp hình lưu niệm tại Tọa đàm “Phát triển đại học UEH bền vững - Xu hướng tất yếu hiện nay”

Theo TS. Nguyễn Thiện Duy Chủ tịch Công đoàn UEH, Tọa đàm “Phát triển đại học UEH bền vững - Xu hướng tất yếu hiện nay” đã diễn ra thành công tốt đẹp, mang lại nhiều góc nhìn đa chiều và sâu sắc về phát triển bền vững trong giáo dục đại học. Các tham luận đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp các nguyên tắc bền vững vào mọi hoạt động của trường đại học và doanh nghiệp. Việc này không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn thúc đẩy sự chuyển đổi hành động bền vững từ cấp độ cá nhân đến tổ chức.

Các diễn giả cũng đã chia sẻ về các chiến lược và công nghệ đang được áp dụng để xây dựng một hệ sinh thái bền vững, bao gồm việc tối ưu hóa quản lý tài nguyên và tăng cường hợp tác với cộng đồng và các đối tác bên ngoài. Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận đều tập trung vào tầm quan trọng của việc xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể và khả thi, nhằm thực hiện các mục tiêu bền vững. Sự hợp tác giữa các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp được coi là yếu tố then chốt để đạt được hiệu quả cao nhất…”

- TS. Nguyễn Thiện Duy nhận định.

Công Chương