Khoa học

Dùng công nghệ siêu âm chiết xuất 1 tấn dược liệu chất lượng cao mỗi ngày

Ngọc Duy 15/08/2024 - 13:12

Công nghệ siêu âm có thể chiết xuất các loại cao dược liệu có chất lượng, kiểm soát được hàm lượng hoạt chất, với quy mô 1 tấn dược liệu/ngày/hệ thống.

Đây là chia sẻ của ThS.Ds Hà Đức Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC, về dự án "Ứng dụng công nghệ cao trong chiết xuất cao dược liệu trên quy mô công nghiệp và xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa làm nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu phát triển sản phẩm từ dược liệu".

Dự án được ThS.Ds Hà Đức Cường chia sẻ tại Hội thảo"Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao khu vực phía Nam" do Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức tại TP.HCM, chiều 14/8.

a.jpg
ThS. Ds Hà Đức Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC, chia sẻ về công nghệ siêu âm để chiết xuất dược liệu chất lượng cao.

Theo ThS.Ds Cường, phương pháp siêu âm là công nghệ chiết xuất dược liệu tiên tiến, giúp thúc đẩy quá trình chiết xuất, rút ngắn thời gian, tiết kiệm dung môi, đồng thời đạt được hiệu suất cao nhất. Quá trình chiết xuất được diễn ra ở nhiệt độ thấp, làm giảm những ảnh hưởng đến chất chiết do nhiệt độ gây ra và thu được các hoạt chất dược liệu có hoạt tính cao.

"Các cao chiết dược liệu chuẩn hóa bằng phương pháp siêu âm là xu hướng mới, có khả năng bảo hộ sở hữu trí tuệ để đóng góp cho nâng cao trình độ và tiềm lực công nghệ cao trong nghiên cứu sản xuất sản phẩm từ dược liệu tại Việt Nam", ThS.Ds Cường chia sẻ.

Các cao dược liệu sau khi được chiết xuất không chỉ sử dụng trong sản xuất dược phẩm, mà còn là cơ sở dữ liệu số hóa để đưa vào phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), làm nền tảng cho việc thúc đẩy tìm kiếm công thức mới để phát triển thuốc từ dược liệu.

atiso-la-gi-cong-dung-va-cach-su-dung-atiso-202103091538121562.jpg
Cao dược liệu Actiso được chiết xuất từ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn GACP - WHO.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng có thể tìm thông tin về dược liệu, hoạt chất dược dụng và các bài thuốc một cách nhanh chóng. Hệ thống tổ hợp từ các vị thuốc dược liệu khác nhau có trong Dược điển Việt Nam và Dược điển các nước một cách khoa học từ phần mềm. Từ đó, rút ngắn thời gian tra cứu, tìm kiếm và tổng hợp thông tin phục vụ công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

ThS.Ds Cường cho biết thêm, công ty đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ siêu âm với mục tiêu chiết xuất các loại cao dược liệu có chất lượng và kiểm soát được hàm lượng hoạt chất, với quy mô 1 tấn dược liệu/ngày/hệ thống.

Phát triển các vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP - WHO, để cung cấp dược liệu đầu vào đạt chuẩn cho sản xuất.

Đồng thời, hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược phẩm có quy mô, trang bị máy móc thiết bị hiện đại, nguồn nhân sự có kiến thức và kinh nghiệm. Trung tâm được thiết kế với các phòng chuyên môn theo tiêu chí của dự thảo thực hành nghiên cứu phát triển tốt dược phẩm (GRDP) của thế giới.

b.jpg
TS. Nguyễn Lê Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Lê Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN cho biết, từ năm 2008, trong Luật Công nghệ cao được Quốc hội ban hành có nhiều mục tiêu và nhiệm vụ khác nhau. Trong đó có nhiệm vụ đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao.

Cùng với đó, Bộ KH&CN cũng đã ban hành chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 1/2021. Trong đó, lĩnh vực công nghệ sinh học là một trong 4 lĩnh vực công nghệ ưu tiên được Thủ tướng Chính phủ khuyến khích phát triển. Bộ KHCN sẽ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, triển khai thực nghiệm và sản xuất ở quy mô công nghiệp để doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ.

Theo chương trình phát triển công nghệ cao đến năm 2030 của Bộ KH&CN đặt mục tiêu làm chủ được 20 công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất sản phẩm; gia tăng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, dịch vụ và 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Ngọc Duy