Tìm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa
Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương vừa tổ chức buổi làm việc với một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khu vực phía Nam để bàn về việc đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trọng nước.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, buổi làm việc nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ông Chinh đề nghị đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung trao đổi, phân tích xu hướng, cũng như chia sẻ các khó khăn, vướng mắc; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước.
Doanh nghiệp thay đổi theo xu hướng tiêu dùng sau đại dịch Covid-19
Tại sự kiện, đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp phân phối khu vực phía nam đều cho biết, thống kê của đơn vị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tiêu dùng chững lại hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp kỳ vọng thời gian cuối năm 2024, dịp Tết Nguyên đán thị trường sẽ cải thiện.
Đóng góp ý kiến, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Đối ngoại Aeon Việt Nam cho biết, năm 2022 thị trường bùng nổ “mua sắm trả thù” sau dịch Covid-19 nhưng năm 2023 là năm có nhiều khó khăn trong thị trường bán lẻ, thị trường chững lại và giảm xuống do logistics và giá nguyên vật liệu. Xu hướng tiêu dùng của khách hàng cũng có sự thay đổi đáng kể sau dịch Covid-19 là chú trọng hơn tới các sản phẩm organic và sản phẩm thiên về sức khỏe. Trong năm 2024, nắm bắt nhu cầu khách hàng, Aeon cũng bày bán nhiều hơn các sản phẩm theo nhu cầu của khách và áp dụng chương trình mỗi ngày có một sản phẩm giá tốt nhằm kích cầu tiêu dùng, hợp tác với các nhà sản xuất nội địa để tạo ra sản phẩm nhãn hàng riêng với giá tốt, chất lượng.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại miền Trung, miền Nam Central Retail Việt Nam cũng cho rằng thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi sau dịch Covid-19. Vì vậy, các hệ thống siêu thị của Central Retail tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn phù hợp với xu thế tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, Central Retail cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm các địa phương để mở rộng đầu ra cho hàng hóa các tỉnh, thành và tìm kiếm các đơn vị có sản phẩm phù hợp.
Đóng góp ý kiến, ông Hà Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (SATRA) cho biết, thực trạng hiện nay sức mua giảm. Theo thống kê 6 tháng vừa qua của SATRA, giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua sắm của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng chỉ xêm xêm năm trước. Ông Sơn đề nghị các chính sách của nhà nước (giá thuê đất, chính sách thuế,…) cần có độ trễ để doanh nghiệp ổn định và vượt qua khó khăn. Với kinh nghiệm thu mua thực tế của đơn vị, đại diện SATRA cũng đề nghị các tỉnh cần thông qua 1 doanh nghiệp để tập hợp các sản phẩm OCOP, từ đó giúp doanh nghiệp đến mua dễ dàng. Bên cạnh đó, đại diện SATRA cho rằng một số chương trình khuyến mại kích cầu hiện nay kéo dài bị loãng, cần tập trung làm rầm rộ trong thời gian ngắn; đề xuất cơ quan quản lý nhà nước kết nối, giới thiệu cho doanh nghiệp các đơn vị Logistics tốt nhất, các đơn vị chuyên dịch vụ bán lẻ.
Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, triển khai kích cầu tiêu dùng, Sở đã thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung (Shopping Season) hiện kéo dài 3 tháng. Chương trình sẽ có những đợt cao điểm kích cầu và người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá tốt nhất. Mới đây, Sở Công thương TP.HCM cũng phát động chương trình “Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường” phục vụ người dân có thu nhập thấp, công nhân lao động, kéo dài trong 30 ngày. Dự kiến, cuối tháng 8/2024 sẽ có thêm chương trình khuyến mãi hàng hiệu. “Ngành Công Thương và các doanh nghiệp tập trung giảm giá tối đa cho người tiêu dùng nhưng kiên quyết không đánh đổi chất lượng để có giá tốt”, ông Hùng khẳng định.
Khẩn trương đánh giá tình hình, thực trạng, triển vọng thị trường
Tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến đóng góp và đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc, ông Phan Văn Chinh cho biết, thị trường trong nước 100 triệu dân, sức tiêu thụ rất lớn nên dư địa rất lớn và cần có những giải pháp kích cầu tiêu thụ trong nước, tận dụng cơ hội để phát triển.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), giai đoạn từ năm 2021 đến nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm tại nhiều thời điểm do nhiều nguyên nhân, tác động tiêu cực đến mục tiêu chung về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng xã hội.
Giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13-13,5%/năm). Sáu tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt 3.098.692 tỷ đồng, chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại Chiến lược thương mại trong nước.
“Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và dịch vụ giai đoạn 2021 đến nay suy giảm sẽ ảnh hưởng tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ và GDP chung của cả nước”, ông Phan Văn Chinh cho biết.
Thực tế thời gian qua, bên cạnh triển khai nhóm chính sách theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhiều chính sách liên quan định hướng phát triển thị trường trong nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thị trường trong nước cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Vì vậy, để tiếp tục duy trì và thúc đẩy thị trường trong nước và hỗ trợ xuất khẩu, ông Phan Văn Chinh cho rằng, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tới, cần khẩn trương đánh giá tình hình, thực trạng, triển vọng thị trường. Đồng thời, dự báo xu hướng và kịp thời đề xuất triển khai ngay những giải pháp cấp bách, thiết thực và cụ thể trong trước mắt và trung hạn để kích thích tiêu dùng xã hội. Qua đó gia tăng hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước, phục hồi và nâng cao tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội; kiềm chế lạm phát, từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.