TP.HCM: Siết vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn bán thịt heo tự phát xung quanh chợ đầu mối
Trong khi chợ đầu mối có hiện tượng hàng hóa giảm dần thì ngược lại bên ngoài chợ có hiện tượng sầm uất, sôi nổi hơn. Điều này đặt ra nhiệm vụ nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của huyện Hóc Môn và các sở ban ngành.
Đó là nhận định của ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM - sau buổi khảo sát về quản lý an toàn thực phẩm tại Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn và Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Đêm 12/8, rạng sáng 13/8, hơn 5 giờ làm việc, đoàn khảo sát đã trực tiếp kiểm tra quy trình truy xuất nguồn gốc heo theo quy định.
Cạnh tranh không lành mạnh
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tiêu thụ, cung cấp thịt heo cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, hiện nay, bên ngoài chợ hình thành chợ kinh doanh thịt heo tự phát, không theo quy hoạch chung nên không chịu sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Theo ông Lê Văn Tiển - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, các điểm kinh doanh buôn bán thịt heo pha lóc, thịt đầu lòng heo dọc theo các tuyến đường xung quanh chợ như: Quốc lộ 22, Nguyễn Thị Sóc, số 3, số 4 và số 12,... ngày càng nhiều, có đến 38 điểm kinh doanh. Nguồn thịt heo chủ yếu lấy từ các lò giết mổ thủ công, lò giết mổ lậu không rõ nguồn gốc. Thịt được sơ chế và bày bán ngay trên sàn nhà, lòng đường,..
Việc bán thịt heo ngoài chợ bắt đầu sau đợt dịch Covid-19, lúc này mức độ chưa nhiều, đến khi lượng người bán và mua tương đối ổn định, kéo theo một số mặt hàng khác nên tình trạng này diễn ra rầm rộ hơn.
Cũng theo ông Tiển, tại chợ, ngành hàng thịt heo nhận được sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, ở trang trại, lò giết mổ cho đến chợ. Từ sự khác biệt rất lớn giữa bên ngoài và bên trong chợ, đã dẫn đến sự chênh lệch về giá vốn bán hàng, bên ngoài chợ luôn bán giá rẻ hơn bên trong chợ, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch chợ.
Bên cạnh đó, tình hình an ninh - trật tự phía bên ngoài chợ cũng không được đảm bảo, việc các phương tiện dừng đỗ không đúng nơi quy định, buôn bán hàng hóa lấn chiếm lòng đường, lề đường đã cản trở việc đi lại của người dân và các xe khi ra vào chợ. Bên ngoài các tuyến đường xung quanh chợ, người kinh doanh tự phát còn bỏ rác thải xuống lòng đường, vỉa hè, hình thành các điểm tập kết đổ rác tự nhiên gây mất vệ sinh môi trường.
Theo bà Huỳnh Thị Xuân Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, huyện đã thành lập tổ công tác xử lý vấn đề trên bằng cách chia làm 3 ca, làm việc 24/24. Trong quá trình kiểm tra, tổ liên ngành gặp khó khăn trong việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối do các cơ sở kinh doanh có nhiều biện pháp đối phó, như: vắng mặt, chủ yếu là người thuê người hàng nên không nắm giấy tờ để kiểm tra hoặc khi lực lượng chức năng kiểm tra thì cất hàng hóa vào kho lạnh,…
Theo UBND huyện Hóc Môn, có 38 điểm kinh doanh ngoài chợ. Khi kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận có những nơi lấy nguồn thịt từ chợ đầu mối, hàng đông lạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đoàn kiểm tra đã ban hành xử phạt đối với 1 trường hợp.
Tuy nhiên, bà Huỳnh Thị Xuân Mai cũng ghi nhận đến thời điểm hiện tại tình hình này vẫn không thuyên giảm. Đây là trách nhiệm của địa phương.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - nhận định việc mua bán xung quanh chợ không công bằng đối với thương nhân trong chợ mà còn gây ra hậu quả về an toàn thực phẩm, mất trật tự, ảnh hưởng vệ sinh môi trường.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ
Qua công tác kiểm tra, ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM, đánh giá cao trách nhiệm của Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Công ty giết mổ Xuân Thới Thượng đã tuân thủ quy định Nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, ông ghi nhận sự nỗ lực phối hợp của địa phương với các đơn vị để giải quyết những vướng mắc, bất cập.
Ông Cao Thanh Bình và đoàn giám sát ghi nhận về 5 kiến nghị của đơn vị về công tác an ninh, trật tự và an toàn giao thông; vệ sinh môi trường; quy hoạch; nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; phòng cháy chữa cháy và công tác nước xả thải.
Về vấn đề phát sinh chợ kinh doanh heo không theo quy hoạch ngoài chợ đầu mối, theo ông Cao Thanh Bình, để giải quyết được đòi hỏi các cơ sở ban ngành, địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ. Công tác đảm bảo an toàn tại các chợ cần phải được đảm bảo để hình thành vành đai an toàn thực phẩm của TP.HCM.
Ông Cao Thanh Bình đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM phối hợp Sở Công thương TP.HCM nghiên cứu đưa ra những quy định để kiểm soát an toàn thực phẩm như truy xuất từ trang trại cho đến điểm tập kết trước khi đưa thực phẩm vào chợ đầu mối.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM cho biết, mục tiêu ban đầu khi hình thành các chợ đầu mối là vừa tập trung cơ sở hạ tầng, vừa tập trung nguồn lực để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm cho thành phố. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất là làm sao quản lý được chất lượng về an toàn thực phẩm của cả thành phố thông qua các chợ đầu mối. Vì vậy, chúng ta cần phải nhận định rõ là làm sao đảm bảo được mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm để người dân an tâm, tin tưởng vào chợ đầu mối.
Theo ông Tô Văn Liêm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, hiện hoạt động giết mổ công nghiệp tại công ty chưa phát huy hết hiệu quả, do thiếu nguồn hàng để giết mổ. Hiện, nguồn heo sống chủ yếu tập trung chuyển về Long An giết mổ tại các cơ sở thủ công rồi chuyển thịt heo mảnh về chợ nông sản thực phẩm Hóc Môn với sản lượng hàng đêm hơn 50% so với tổng sản lượng heo nhập chợ.
Từ tháng 4/2023, khi nhà xưởng số 2 đi vào hoạt động song song với nhà xưởng số 1 và ngưng hoạt động giết mổ thủ công. Tổng công suất thiết kế cho 2 nhà máy này là 4.000 con/ ngày. Tuy nhiên, trong năm 2023, sản lượng giết mổ chỉ đạt hơn 2000 con/ngày (chiếm khoảng 50,42% công suất) và trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng sản lượng giết mổ đã giảm, chỉ còn gần 1.900 con/ngày (đạt 47,17% công suất).