Nhớ thương GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn ra đi để lại sự tiếc thương lớn cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ học trò và cộng đồng khoa học Việt Nam.
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn qua đời sáng 11/8 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), thượng thọ 89 tuổi. Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, ông đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng khoa học kỹ thuật tại Việt Nam.
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn (sinh năm 1936 tại Sài Gòn, nguyên quán Hưng Yên) là một nhà khoa học và nhà giáo danh tiếng của Việt Nam. Không chỉ được biết đến với một chuyên gia đầu ngành lĩnh vực hóa học, người thầy của nhiều thế hệ học trò, ông còn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức xã hội.
Năm 1954, ông theo học tại Đại học Khoa học Sài Gòn (tiền thân Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM hiện nay).
Sau khi thi đỗ chứng chỉ lý hóa sinh PCB và chứng chỉ khoa học lý hóa và tự nhiên SPCN, năm 1955, ông phụ việc, làm nghiệm chế viên tại phòng hóa học của trường.
Năm 1957, ông tốt nghiệp cử nhân lý hóa, được giữ lại làm giảng nghiệm viên tại Đại học Khoa học Sài Gòn.
Năm 1958, ông tốt nghiệp cử nhân toán. Năm 1959, ông bảo vệ thành công luận văn cao học và được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Delaware, Mỹ.
Năm 1962, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành hóa lý hữu cơ tại Đại học Delaware (Mỹ).
Trở về nước, ông về lại Đại học Khoa học Sài Gòn làm giảng sư. Từ cuối năm 1962, ông bắt đầu đứng lớp giảng dạy hóa học và sau đó là một số môn học khác ở các năm tiếp theo.
Sau năm 1975, ông ở lại Việt Nam, tiếp tục công tác giảng dạy, là giảng viên của Trường đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM).
Năm 1981, Chu Phạm Ngọc Sơn được Nhà nước phong học hàm Giáo sư hóa học.
Năm 1987, ông chuyển sang làm Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM, kiêm Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10.
Năm 2001 ông chính thức nghỉ hưu sau nhiều năm công tác.
Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tích cực hoạt động giảng dạy và xã hội. Ông giữ nhiều chức vụ trong các tổ chức xã hội như: Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Phó chủ tịch Hội hóa học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội khoa học phân tích lý - hóa - sinh Việt Nam, Phó chủ tịch Hội y tế công cộng TP.HCM, Chủ tịch Hội hóa học TP.HCM…
GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn từng là đại biểu Quốc hội ba khóa (8, 9, 10), từng giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Bên cạnh việc giữ nhiều chức vụ quan trọng, ông không quên nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo cho thế hệ sau. Trong sự nghiệp của mình, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn đã công bố hơn 200 bài và báo cáo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành. Đáng chú ý, ông có 5 công trình được đưa vào sản xuất. Ông cũng từng xuất bản giáo trình hóa học đại cương, nhiệt động hóa học.
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (giảng viên, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM): "Những kiến thức thầy giảng dạy đến giờ này tôi vẫn còn sử dụng"
Tốt nghiệp đại học xong, tôi vừa làm việc tại Trường Đại học Bách Khoa vừa theo học cao học. Thật may mắn, tôi có cơ duyên được học một môn với thầy. Có lẽ khóa tôi là một trong những thế hệ học trò cuối cùng ở trường có cơ hội được nghe thầy giảng bài trực tiếp.
Lúc đó, tôi nhận ra thầy hoàn toàn không có gì đáng sợ hết. Thầy giảng bài rất hay và rất nhiệt tình, đến nỗi một số thầy cô có bằng tiến sĩ vẫn vào ngồi nghe giảng chung với học viên cao học, trong đó tôi còn nhớ có cô Nguyễn Kim Phi Phụng. Môn thầy dạy rất khó, đặc biệt là với học trò ở Bách Khoa, nên tôi phải nhờ thầy giảng lại cho tôi rất nhiều phần, mà lần nào thầy cũng nhiệt tình giảng tới giảng lui cho tôi hiểu. Những kiến thức được thầy truyền thụ ngày đó đã theo tôi tới tận "trời Tây" và đến giờ này tôi vẫn còn sử dụng.
Những năm đầu tiên trở về Việt Nam công tác sau những ngày đi tầm sư học đạo ở xứ người, tôi bắt đầu tập tành viết đề tài để xin kinh phí làm nghiên cứu và đào tạo học trò. Dù đã có cơ hội tiếp cận với các đề tài ở bên Tây, nhưng kinh nghiệm làm đề tài ở Việt Nam của tôi thời đó thật sự gần như bằng không.
Tôi quá may mắn khi gặp được những người "cầm cân nảy mực" trong các hội đồng thời đó là thầy, GS Nguyễn Công Hào, GS Nguyễn Hữu Niếu, GS Hồ Sĩ Thoảng. Ngày đó, trong hội đồng có những nhận xét khá gay gắt, dù những gì người ta nói không thể gọi là sai, nhưng dễ làm nản lòng người mới ra trận những lần đầu tiên. Các thầy đã thương người học trò nhỏ mới chập chững vào nghề, mà bảo vệ cho tôi, để tôi có cơ hội được sống với niềm đam mê, cũng như truyền đam mê cho thế hệ tiếp nối.
Vài năm sau đó, tôi có cơ hội được ngồi chung hội đồng với thầy, và rồi tôi nhìn cách đối nhân xử thế của thầy mà tôi học theo. Có những lần trên hội đồng, tôi biết thầy muốn cho người ta một cơ hội, tôi chỉ nhìn thầy rồi mỉm cười và không nói gì thêm. Sau khi hội đồng giải tán, thầy lại góp ý thêm để người ta hoàn thiện công việc, với tư cách một người đi trước chứ không phải với tư cách một người cầm cân nảy mực.
Những lần có cơ hội được nói chuyện với thầy, nói tới nói lui một hồi, thầy đều trở lại chuyện làm khoa học. Thầy luôn khen những người trẻ năng động, giỏi giang và làm được nhiều việc mà thế hệ thầy không làm được. Tôi nói, nếu không có những người đi trước như thầy, có lẽ khá nhiều bạn trẻ hoặc không có cơ hội làm việc, hoặc nản chí mà bỏ nghề. Thầy hỏi han về những người học trò của tôi, hỏi han về những bạn trẻ thế hệ sau tôi, rồi dặn dò tôi phải nhớ giúp đỡ những bạn trẻ hơn tôi. Làm theo lời thầy dạy, có những lần, tôi là người phản biện, thay vì đi vạch lá tìm sâu, tôi đã phải đấu tranh để bảo vệ các bạn trẻ. Tôi thật sự thấy thương họ, bởi họ là hình ảnh của tôi ngày xưa, nếu được cho một cơ hội, họ sẽ tỏa sáng, còn nếu không được cho cơ hội, họ phải rẽ sang hướng khác.
Sau này, khi thầy đã ngoài 80 tuổi, mỗi lần gặp thầy hoặc tạm biệt thầy, thỉnh thoảng tôi lại ôm thầy một cái. Từ khi tôi có tuổi, chứng kiến sự vô thường của cuộc đời, gặp những người lớn tuổi mà tôi cảm thấy thân quen, tôi cũng thường ôm họ một cái khi tạm biệt.
Thầy đã sống một đời thật trọn vẹn, lối về thiên đàng đã mở, thầy lên đường bình an nhé thầy ơi!
Ông Ngô Trọng Hiền (từng là nhân viên Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM, hiện là Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH QES, Việt Nam): "Thầy là tấm gương soi đường cho thế hệ chúng tôi"
Các bạn sinh viên khóa 1993-1997 (khoa Hóa học) và tôi may mắn được học GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn. Theo học chuyên ngành Hóa Lý hữu cơ, năm thứ tư, tôi may mắn được làm luận văn tốt nghiệp với thầy tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM - nơi thầy từng làm giám đốc.
Cũng năm đó, tôi được thầy giữ lại làm việc tại trung tâm. Niềm đam mê khoa học của thầy như tiếp thêm động lực cho tôi nên tôi quyết định ở lại làm, dù lúc đó số lượng người được nhận chính thức vào trung tâm vẫn chưa quyết định được. Thầy đã dùng số tiền cá nhân trả cho tôi tháng lương đầu tiên là 500 nghìn đồng.
Năm 2000, tôi làm phân tích về các mẫu bánh phở nhiễm phoóc môn (Formaldehyde hay thường gọi là formol). Lúc này, thầy vừa làm Giám đốc trung tâm vừa kiêm nhiệm Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, làm công tác giảng dạy nghiên cứu,...
Tôi vẫn nhớ như in, những buổi tối làm việc tại trung tâm, tôi cứ ngỡ thầy đã về nhà nghỉ ngơi, nhưng cứ cách hai giờ đồng hồ là thầy lại lên phòng thí nghiệm kiểm tra. Trong một buổi tối, thầy đã đi lên đi xuống phòng phân tích gần 5 lần để kiểm tra kết quả. Sau này, khi làm các phân tích, thầy luôn động viên tôi: "Em cứ làm đi, nếu thiếu hóa chất cơ quan không mua thì tôi sẽ bỏ tiền túi để mua cho em làm".
Tôi ngưỡng mộ thầy bởi cách làm việc hết mình dù có bận rộn. Dù làm nhiều việc nhưng thầy vẫn dành thời gian đam mê nghiên cứu khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, giảng dạy,... Từ thầy, tôi học được cách làm gì cũng phải làm cho đến nơi đến chốn. Sau này, khi nhận việc gì đó tôi làm xong rồi mới nghỉ chứ không bỏ giữa chừng.
Sau này, thầy nhận tôi làm con nuôi vì tôi là dân tỉnh, không có người thân ở TP.HCM. Tôi mới nói đùa rằng, thầy là cây cao bóng cả như vậy, con làm sao dám. Đối với tôi, thầy luôn in sâu trong tâm trí bản thân. Mỗi năm, vào mùng 3 Tết, tôi đều ghé thăm thầy.
Giờ đây thầy ra đi, tôi tiếc thương vô cùng. Tôi luôn ghi nhớ những kỷ niệm giữa tôi với thầy. Thầy là tấm gương soi đường cho thế hệ của chúng tôi.
Ban Chủ nhiệm khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM: "Thầy là người thầy của những người thầy"
Thầy là "người thầy của những người thầy" đối với thế hệ sinh viên đang học tập tại khoa Hóa học - Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM. Thầy đã hướng dẫn bao lớp sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh trong suốt bề dày lịch sử 70 năm của Khoa.
Sinh thời, thầy đã từng nói: "Khi khoa học trở thành niềm đam mê thì công việc trong phòng thí nghiệm trở thành niềm hạnh phúc hơn là nỗi vất vả. Tôi xem phòng thí nghiệm là nhà, đồng nghiệp là người thân nên việc đến đây mỗi ngày là niềm vui".
Tâm nguyện của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn là luôn cố gắng gắn chặt nghiên cứu khoa học với phục vụ đất nước, góp sức đào tạo nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn, vững về đạo đức của người làm khoa học, đồng thời, nâng cao nghiên cứu khoa học của nước nhà ngang tầm quốc tế.
Trong suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn đã đóng góp cho sự phát triển của khoa Hóa học nói riêng và nền Hóa học Việt Nam nói chung. Thầy luôn nghiên cứu những vấn đề thực tiễn như: tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục nước tương bị nhiễm 3-MCPD; giải quyết nước cấp bị nhiễm đục; nghiên cứu và chiết xuất tinh dầu lá trầu, kháng virus EV.71 gây bệnh tay - chân - miệng,… Những đóng góp to lớn này đã nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Một cây đại thụ của khoa Hóa học ra đi, đây là một sự mất mát to lớn, để lại niềm tiếc thương cho bao người, nhưng những giá trị mà thầy để lại vẫn còn mãi trong lòng bao thế hệ học trò. GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn là một người thầy không chỉ dạy về Hóa học mà còn truyền cảm hứng, niềm đam mê, tính trung thực và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Thầy đã ra đi nhưng chia sẻ của thầy sẽ vẫn còn mãi nguyên giá trị: "Điều tôi muốn gửi gắm đến các học trò của tôi, và nếu được phép thì gửi đến đội ngũ khoa học trẻ Việt Nam, chỉ vỏn vẹn trong các cụm từ sau đây: trọng thầy, thương trò, đam mê nghiên cứu, giảng dạy, gắn bó với đất nước".
Thông tin lễ tang GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, sinh ngày 10/4/1936, từ trần lúc 2 giờ 02 ngày 11/8/2024.
Linh cữu được quàn tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất (số 1 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM).
- Lễ nhập quan: lúc 7 giờ ngày 14/8.
- Lễ viếng: bắt đầu lúc 9 giờ ngày 14/8.
- Lễ truy điệu: lúc 7 giờ 30 phút ngày 16/8.
- Lễ động quan: lúc 8 giờ ngày 16/8.
- An táng tại: Nghĩa trang Chính sách thành phố (huyện Củ Chi, TP.HCM).