Y học

Đái tháo đường ở người trẻ: Gánh nặng y tế hiện tại và tương lai

An Quý 12/08/2024 - 14:00

Ở nhiều bệnh lý, độ tuổi 40, 50 được xem là “trẻ hóa”, trong khi đó hiện nay đái tháo đường ở người trẻ đã xảy ra trong độ tuổi 20, 30.

Tình trạng này nếu không được xử trí tốt sẽ trở thành gánh nặng y tế của hiện tại và tương lai.

“Người trẻ và đại dịch bệnh mạn tính không lây nhiễm: Làm thế nào để ứng phó?” là chủ đề luôn được các chuyên gia y tế cảnh báo. Theo quy luật lão hóa, nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như: ung thư, đái tháo đường, suy thận, béo phì, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, rối loạn chức năng đường tiêu hóa… sẽ tăng theo độ tuổi.

beo-phi.jpg
Béo phì liên quan đến hơn 200 bệnh lý và biến chứng đồng mắc khác như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ và ung thư. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, xu hướng trẻ hóa các bệnh mạn tính mà trước đây chỉ gặp ở người lớn tuổi ngày càng gia tăng trên toàn cầu như một “đại dịch” nguy hiểm trong xã hội hiện đại ngày nay.

Cảnh báo đái tháo đường người trẻ

“Nghiên cứu thực hiện tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận tỷ lệ đái tháo đường tuýp 2 ở những quốc gia thu nhập bình quân đầu người mức trung bình gia tăng đáng kể so với quốc gia bình quân đầu người cao và cao trung bình, đặc biệt ở độ tuổi sớm (25 - 29).

Nếu với các bệnh lý khác như đột quỵ, thận mạn, trẻ hóa được tính từ 40 - 50, đái tháo đường (ĐTĐ) ở người trẻ được định nghĩa dưới 30 tuổi, thậm chí là 20”, TS.BS Trần Quang Khánh - Chủ nhiệm Bộ môn Nội tiết, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết.

Theo TS.BS Trần Quang Khánh, ĐTĐ tuýp 2 ở người trẻ là hậu quả của béo phì ở thanh thiếu niên - đại dịch thế kỷ 21. Bên cạnh đó các yếu tố nguy cơ khác là ĐTĐ thai kỳ, bệnh lý gene, lạm dụng thuốc, rối loạn giấc ngủ (ngủ dưới 6 tiếng/ngày làm gia tăng nguy cơ mắc ĐTĐ)…

“Nguy hiểm hơn, những biến chứng mạn tính như biến chứng mắt, thận, thần kinh và ngay cả biến chứng nhồi máu cơ tim sẽ xuất hiện rất sớm trên người trẻ mắc ĐTĐ.

Kết quả một nghiên cứu được đăng tải năm 2023 thực hiện trên khoảng 500 người trẻ mắc đái tháo đường có độ tuổi trung bình 26,4 (± 2,8) và thời gian từ khi chẩn đoán ĐTĐ trung bình là 13 năm cho thấy, tích lũy biến cố mạch máu nhỏ và mạch máu lớn gia tăng rất đáng kể. Đây sẽ là gánh nặng mà người trẻ phải đối diện trong tương lai” - chuyên gia nội tiết cảnh báo.

Nhiều nghiên cứu khác cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp tăng gấp 4 lần ở nữ và gấp 2 lần ở nam ở nhóm ĐTĐ khởi phát trẻ (18 - 44 tuổi) so với nhóm khởi phát sau 45 tuổi. Đây chính là sự tác động của tình trạng tăng đường huyết mạn tính khiến nhồi máu cơ tim cấp xảy ra ở mức độ cao hơn.

Đột quỵ ở người trẻ trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm

Theo các báo cáo tại Hội nghị Khoa học thường niên Bệnh viện Nhân dân Gia Định năm 2024, một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành ung thư BMJ Oncology năm 2019, số ca mắc ung thư khởi phát sớm ở độ tuổi 15 - 49 tăng 79,12% so với năm 1990.

che-do-an-uong-lanh-manh.jpg
Giảm cân giúp đạt được nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây ở người trẻ. Ảnh minh họa

Một thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam cho thấy từ năm 2000 đến nay, số người trên 25 tuổi bị cao huyết áp tăng 47% so với các thập niên trước. Thống kê 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc ghi nhận 7,6% là người trẻ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm.

Theo cảnh báo, tại Việt Nam, các bệnh lý như ung thư, đái tháo đường, suy thận, béo phì, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, rối loạn chức năng đường tiêu hóa… đã trở nên thường gặp ở độ tuổi trước 50.

Hệ lụy vô cùng to lớn của “đại dịch bệnh mạn tính ở người trẻ” đó là giảm năng suất lao động, tăng nguy cơ tàn tật, giảm tuổi thọ và tăng gánh nặng cho hê thống y tế, nền kinh tế của đất nước và gia đình.

Nguyên nhân phần lớn do lối sống không lành mạnh như: stress kéo dài, rối loạn giấc ngủ, thiếu vận động thể lực; tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh thừa năng lượng, thừa chất bột đường, nhiều chất béo; ít tiêu thụ rau củ quả tươi; sử dụng nhiều rượu bia, nước giải khát có gas…

Bên cạnh đó còn có sự góp phần của những trào lưu ăn uống, tiệc tùng bên ngoài hàng quán thay cho kiểu ăn truyền thống gia đình, tinh trạng ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm, sử dụng bừa bãi chất phụ gia, thuốc, chất kích thích…

Cuộc chiến với béo phì vì chất lượng cuộc sống

Trong các nguyên nhân gây ra các bệnh mạn tính không lây nhiễm nói trên, theo BS.CKII Trần Thị Kim Chi, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, béo phì là “đại dịch” có tính chất toàn cầu, liên quan đến hơn 200 bệnh lý.

“Thống kê trên toàn thế giới cho thấy vào năm 2023, số người mắc béo phì đã lên đến 1 tỷ người. Béo phì liên quan đến hơn 200 bệnh lý và biến chứng đồng mắc khác như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ và ung thư” - BS.CKII Kim Chi cho biết.

BS.CKII Kim Chi chia sẻ thêm: “Tăng cân, tích tụ mỡ, đặc biệt là mỡ tạng, là một tiến trình tự nhiên theo tuổi. Tuy nhiên, những người có vận động thể lực kém và ăn uống không lành mạnh, thừa năng lượng, tiến trình này xảy ra sớm hơn.

Nguyên tắc vàng trong điều trị giảm cân là thâm hụt calo, nghĩa là năng lượng nạp vào phải ít hơn năng lượng tiêu hao. Rất nhiều biện pháp can thiệp điều trị béo phì nhưng phải cá thể hóa khi lựa chọn, tùy theo mức độ béo phì, bệnh đồng mắc và động lực giảm cân của bệnh nhân”.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn năng lượng thấp hoặc rất thấp đạt được đồng thuận cao nhất; tuy nhiên một chế độ đảm bảo lượng đạm cần thiết, ít tinh bột, ít béo và phân bổ thời gian ăn uống một cách nghiêm khắc sẽ rất khó để tuân thủ.

“Để tăng tuân thủ chế độ điều trị và duy trì chất lượng sống trong khi áp dụng một chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, chúng ta cần lựa chọn những loại thức ăn đa màu sắc nhưng vẫn lành mạnh (eat clean). Người quá bận rộn có thể dùng các bữa ăn thay thế để vừa cung cấp đủ chất dinh dưỡng vừa giảm mức năng lượng nạp vào.

Với chế độ ăn 80/20, người bệnh sẽ cần 80% thực phẩm có nguồn gốc lành mạnh nhưng vẫn được phép có 20% các thực phẩm yêu thích để duy trì chất lượng cuộc sống” - BS Kim Chi đưa ra khuyến nghị.

Người châu Á được khuyên tập luyện thể lực mức độ trung bình nhiều hơn người da trắng 10-15 phút/ngày do nguy cơ mắc bệnh tim mạch - chuyển hóa cao hơn. Nguyên tắc chung trong tập luyện là tập từ ít đến nhiều, nhẹ đến nặng, đơn giản đến phức tạp, cần đạt tổng thời gian tập ≥ 60 phút/ngày...

Hướng dẫn năm 2023 của Bộ Y tế cho thấy, bệnh nhân có thể giảm 5 - 15% cân nặng trong 6 tháng để đạt được lợi ích chung cho sức khỏe.

An Quý